"Chân dung" đầu tiên về các doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động ở Việt Nam
Tạm thời có 100 doanh nghiệp được xếp vào loại hình Impact Startup và 71% trong số đó khẳng định theo đuổi cùng lúc cả 2 mục tiêu tạo ra lợi nhuận và giải quyết các vấn đề về xã hội môi trường.
Mục tiêu kinh doanh của các Impact Startup| Nguồn: Báo cáo, năm 2020
PGS.TS Trương Thị Nam Thắng, Trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo xã hội (CSIE), trường ĐH Kinh tế Quốc dân, vừa thực hiện nghiên cứu đầu tiên trong lĩnh vực doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội (Impact Startup) ở Việt Nam, với sự đóng góp chuyên môn từ Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP Việt Nam.
Thông qua sàng lọc các doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp tạo tác động và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu cho biết hiện có 100 doanh nghiệp được xếp vào loại hình Impact Startup, với định nghĩa và tiêu chí xác định là “các doanh nghiệp mới thành lập trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ công nghệ, mô hình kinh doanh mới, có khả năng tăng trưởng nhanh, cùng lúc theo đuổi hai mục tiêu chiến lược là tạo giá trị kinh tế và giải quyết các thách thức xã hội và môi trường”.
Do tính chất phức tạp khác nhau của việc định lượng ‘tính mới’ hay ‘khả năng’ tăng trưởng nhanh, các tác giả cho biết xếp loại này chưa phải là "cuối cùng và đầy đủ nhất về nhận diện impact startup”
Tuy vậy, nghiên cứu đã khảo sát 100 doanh nghiệp này để có những phác họa cơ bản về khu vực Impact Startup. Cụ thể, hầu hết các doanh nghiệp tập trung tại 2 thành phố lớn là Hà Nội (41%) và TP Hồ Chí Minh (38%) và phần lớn mới thành lập từ 1-2 năm nay, chỉ có khoảng 13 doanh nghiệp đã hoạt động lâu nhất từ 3-5 năm.
Về sứ mệnh xã hội, 71% các doanh nghiệp khẳng định theo đuổi cùng lúc cả 2 mục tiêu tạo ra lợi nhuận và giải quyết các vấn đề về xã hội-môi trường. Có 23% doanh nghiệp ưu tiên tối đa hóa lợi nhuận và cố gắng tạo ra tác động xã hội khi có thể tăng cường khả năng tạo ra lợi nhuận; chỉ 6% doanh nghiệp còn lại ưu tiên tối đa hóa tác động xã hội bất chấp nếu hoạt động kinh doanh có thể không thực sự tạo ra nhiều lợi nhuận.
Phần lớn các Impact Startup theo đuổi 2 nhóm mục tiêu phát triển bền vững chính là cung cấp cơ sở hạ tầng để người dân tiếp cận dễ dàng hơn, bao gồm cả năng lượng sạch và nâng cao chất lượng sống về lĩnh vực sức khỏe, y tế, giáo dục, đào tạo… Chỉ số ít (12%) có trọng tâm chính là giải quyết các vấn đề môi trường tự nhiên.
Cũng theo khảo sát, TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên có trọng tâm rõ ràng và chính sách hỗ trợ cho Impact Startup thông qua chương trình SpeedUp.
Ngô Hà