Những người làm nên thương hiệu hoa Đà Lạt
Nói đến Đà Lạt (Lâm Đồng), người ta nghĩ ngay đến hoa. Danh hiệu "Thành phố ngàn hoa" sẽ không thành nếu không có những nông dân tâm huyết với nghề trồng hoa. Festival hoa là dịp để tôn vinh những nghệ nhân có công xây dựng nên thương hiệu hoa Đà Lạt vang danh trong và ngoài nước.
“Làm xiếc” trên hoa
Giữa con
đường hoa rực rỡ bên hồ Xuân Hương, ánh mắt nhiều du khách đổ dồn vào hàng trăm
gốc đào Mười Lời. Phải hơn một tháng nữa, đào Nhật Tân (Hà Nội) mới nở rộ, thế
nhưng ở thành phố phương Nam xa xôi này, những cánh đào đang đua nhau khoe sắc.
Đây là festival hoa lần thứ 3 và là lễ hội đầu tiên vắng bóng nghệ nhân tạo ra
giống hoa đào nở theo ý muốn mang tên ông "Mười Lời".
Như một phép màu
Có thể những
cánh hoa đào xuất hiện tại Festival Hoa Đà Lạt năm nay với nhiều du khách thập
phương không có gì lạ. Nhưng với người dân thành phố cao nguyên, đó giống như
một điều kỳ diệu, bởi không ít người đã lo ngại, sau khi chủ nhân của thung
lũng hoa đào ra đi, họ sẽ mất cơ hội ngắm hoa đào mỗi dịp xuân về.
Nửa mùa
hoa trước, nghệ nhân Mười Lời (tên thật là Bùi Văn Lời, sinh năm 1935 tại Quảng
Nam) vĩnh viễn rời xa thung lũng hoa đào nổi tiếng, rời xa nơi cách đây ngót
nửa thế kỷ chàng nông dân xứ Quảng đặt chân tới. Dù không phải là nhà khoa học
hay nhà nông học, nhưng trong mắt du khách trong nước và quốc tế, người nông
dân ấy là “phù thủy”, là “chúa xuân”. Từ 200 mầm hoa đào các nghệ nhân làng đào
Nhật Tân tặng năm 1997, ông lai ghép thành công với giống mai anh đào Đà Lạt,
tạo ra giống hoa đào má đào nổi tiếng. Trong thung lũng hoa gần 6.000 m2 tại
trung tâm Đà Lạt, nghệ nhân Mười Lời điều khiển cây ra hoa, đậu quả trái mùa,
nghịch vụ. Ngay cả loài hoa khó tính như hoa quỳnh vốn chỉ nở về đêm cũng bị
ông “bắt” nở giữa ban ngày…
Những trở
ngại về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu… của các loài cây đã được ông xóa bỏ, vì
thế ở thung lũng hoa, người ta có thể bắt gặp mận tam hoa - đặc sản của núi
rừng Tây Bắc; bưởi da xanh ruột đỏ, đào Nestarin, bơ Hass (Australia); hồng
xiêm (sapôchê) Mêhicô; quýt, cam, chanh, khế ngọt không hạt; sung, hồng châu
Mỹ, Nhật Bản… Ông cũng thành công trong việc “ghép duyên” cây cỏ trong và ngoài
nước mà ông có được từ những chuyến đi thực tế hoặc từ quà tặng của các cán bộ
nông nghiệp sau khi công tác nước ngoài. Có những loài mang ba “quốc tịch”,
chẳng hạn cây hồng Đà Lạt có thân hồng trứng của Pháp, nhưng cành lại nặng trĩu
trái hồng đào Fuju (Australia)...
Theo lời
kể của anh Bùi Văn Sang, người con thứ 5 của nghệ nhân Mười Lời, lúc sinh thời,
ông mong muốn mang 1.000 bông “nhật quỳnh” (hoa quỳnh nở ban ngày) kết thành
hình con rồng lớn, hoặc ghép những gốc đào Mười Lời thành hình Chùa Một Cột để
mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ông cũng mong mang nhiều cánh đào ra
thế giới. Anh Sang khẳng định, với những gì được cha truyền dạy, anh có thể
thực hiện được tâm nguyện đó. Với anh, khó nhất là kinh nghiệm vì chỉ có thể
trả giá bằng thời gian.
Anh Sáng
cũng cho biết, ông Mười Lời luôn đau đáu tâm nguyện giữ gìn và phát triển thung
lũng hoa thành điểm dừng chân cho du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Lạt.
Vì vậy, dù sức khỏe ngày càng sa sút nhưng ông vẫn cố làm nốt những công việc
dang dở. Những cánh hoa đào trong dịp festival hoa lần này còn vương hơi ấm bàn
tay chăm sóc của ông.
Tìm đến
thung lũng hoa đào bên đường Lê Hồng Phong, chúng tôi nhận thấy hàng trăm loài
cây ở khắp vùng miền vẫn xanh tốt, ra hoa, đậu quả như ý chí, nghị lực phi
thường của chủ nhân Mười lời. Những người hàng xóm của ông bảo: “Cây sao người
vậy”. Dù mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng ông vẫn lạc quan, cặm cụi bên những gốc cây
đến ngày cuối đời.
Tính đến tối 2/1, hầu hết hoạt động và hoa của festival đã được khai mạc,
trưng bày. Phiên chợ hoa với 115 gian hàng kéo dài trên 1 km khai mạc sáng 2/1
thu hút hơn 5.000 người đến ngắm và mua bán. Ước tính, phiên chợ này có khoảng
1.000 chủng loại hoa, đến từ 50 doanh nghiệp, nhà vườn trên cả nước và 55 hộ
nông dân Đà Lạt.
Các hoạt động như diễu hành xe Honda 67 trang trí bằng rau củ quả Đà Lạt,
triển lãm hoa và cây cảnh quốc tế, hội chợ thương mại quốc tế… cũng thu hút
đông đảo du khách. Các không gian hoa luôn trong tình trạng “nguyên hình khuôn
khổ, không rách rời, không chắp vá” dù lượng người xem ngày càng nhiều và không
có bóng dáng lực lượng an ninh.
Theo Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam, 10 kỷ lục được xác lập và công bố
trong Lễ hội hoa Đà Lạt 2010. Đó là Tượng phật Quán Thế Âm bằng hoa lớn nhất
Việt Nam; Đôi rồng hoa dài nhất Việt Nam (118m); Bức tranh bằng hoa tươi lớn
nhất Việt Nam (dài 2,4m, cao 1,7m và dày 0,3m); Thung lũng hoa đào đầu tiên của
miền Nam (nằm trên đường Lê Hồng Phong, của cố nghệ nhân Mười Lời); Showroom
hoa tươi bảo quản nghệ thuật lớn nhất Việt Nam (7A/1 đường Mai Anh Đào, thuộc
Công ty Rừng hoa Đà Lạt); Mô hình chiếc cúp bằng hoa lớn nhất Việt Nam (cao 4m,
ngang 3m); Lễ hội rau đầu tiên ở Việt Nam (diễn ra ngày 19/12/2009 nhân kỷ niệm
115 năm thành lập Đà Lạt); Lễ hội xe hoa đường phố lớn nhất Việt Nam (diễn ra
ngày 10/12/2005, trong Festival Hoa Đà Lạt lần 1); Mô hình Tháp Rùa bằng hoa
lớn nhất Việt Nam (cao 11m, có hình khối cạnh 4m); và Người Việt Nam đầu tiên
nghiên cứu thành công kỹ thuật bảo quản lâu dài (nghệ nhân Nguyễn Công Hóa,
làng hoa Vạn Thành, thành phố Đà Lạt).
Nếu như “phù thủy” Mười Lời, bắt hoa nở theo ý mình, thì nghệ nhân - võ sư
hồng đai lục đẳng Vovinam Nguyễn Công Hóa có thể giúp hoa “sống” đến hàng năm
trời mà vẫn giữ nguyên nét tươi tắn, mềm mại tự nhiên.
Uớc vọng ‘hoa bất tử’ của lão võ sư
Tại kỳ
Festival này, nghệ nhân Hóa xác lập một kỷ lục có một không hai: Bức tranh hoa
được sắp đặt từ 1.000 bông hoa hồng được ướp bằng hóa chất do chính ông chế
tạo.
Bức tranh “sống”
Chúng tôi
đến thăm ông vào những ngày Festival hoa Đà Lạt đang nhộn nhịp. Chẳng có thời
gian tiếp khách, liên tục nhận điện thoại của Ban tổ chức lễ hội, đại diện của
sách kỷ lục. Ông “lôi” ngay khách theo mình, vòng vèo từ vườn hoa của ông tại
làng Vạn Thành (nằm ở chân thác Cam Ly) vào trung tâm thành phố. Trên lầu 2 một
căn biệt thự mới, “chủ đầu tư” bức tranh, anh Nguyễn Duy Đạt, Giám đốc shop hoa
tươi ướp và anh Huỳnh Thanh Sang, chuyên viên thẩm định thông tin, hình ảnh Hội
đồng xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam đang chờ chữ ký của ông Hóa vào hồ sơ xác
nhận kỷ lục “Bức tranh lớn nhất bằng hoa hồng ướp”.
1.000 bông
hoa hồng tươi tắn thiết kế trên chất liệu sơn dầu làm nên bức tranh sinh động
về cảnh quan Đà Lạt, chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chưa được đưa ra
khu trưng bày, nhưng ngay từ “xưởng sản xuất”, bức tranh đã hút hồn chúng tôi
bởi ngàn bông hoa hồng đủ màu sắc đang tươi thắm khoe sắc. Chạm nhẹ tay vào
những cánh hoa, cảm giác mềm mại, nhung mềm như những cánh hoa đang… say ngủ
vậy. Thán phục trước sự kỳ diệu của bức tranh, anh Sang, cho biết bao năm trong
nghề, lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến bức tranh sử dụng chất liệu đặc biệt
như thế, tất cả như tràn đầy sức sống với 1.000 bông hoa hồng đủ màu sắc, cùng
rất nhiều loại cỏ, cây hoa lá khác cũng được hóa thủy… “Những kỷ lục trước đây
chỉ là bức tranh làm bằng hoa tươi, hay hoa khô xấy chứ chưa bao giờ là một bức
tranh bằng hoa tươi ướp như thế này”, anh Sang nói.
Nhìn ngắm
công trình của mình, nghệ nhân Nguyễn Công Hóa tâm sự: “Sau 5 năm kể từ ngày
ướp khô thành công những bông hoa hồng đầu tiên, đến nay tôi đã ướp thêm được
16 loại hoa và bức tranh này là công trình đầu tiên hội tụ đầy đủ những loài
hoa đó. Nếu được công nhận đạt kỷ lục trong lễ bế mạc Festival hoa năm nay, tôi
sẽ mang bức tranh này tham dự lễ hội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Vì mục đích
ban đầu khi tiến hành làm bức tranh, tôi gửi gắm tâm nguyện đó trong 1.000 bông
hoa hồng ướp khô”.
Quyền cước và hoa hồng
Trưởng
thành giữa làng hoa Vạn Thành nổi tiếng của Đà Lạt, chàng trai Nguyễn Công Hóa
lại say mê cả võ thuật lẫn hoa hồng. Cả vùng trồng hoa, không ai là không biết
thầy Hóa dạy võ, trồng hoa ướp khô. Những ngày đầu tiên chập chững luyện những
bài quyền cước của môn Việt Võ Đạo (Vovinam) cũng là những ngày đầu tiên chàng
trai Hóa chăm bón những gốc hoa hồng đầu tiên trổ bông… Thấm thoắt mấy mươi năm
trôi qua, tóc trên đầu đã bạc, chàng trai Hóa ngày nào đã trở thành chủ tịch
hội Vovinam Lâm Đồng, cấp bậc hồng đai lục đẳng. Mấy mươi năm có lúc gắn bó, có
lúc phiêu bạt với làng hoa quê mình nhưng không lúc nào nguôi ý định “làm một
điều gì đó cho hoa”.
Ngôi nhà
ông Hóa lọt thỏm giữa những luống hoa, ông mang những cành cúc ngàn sao khoe:
“Mình vừa ướp thành công nguyên cành hoa rồi đấy. Vui lắm! Bước đầu là cúc ngàn
sao, sau này sẽ là hoa hồng, cẩm chướng, sứ… hoa ướp cả cành này có thể cắm lọ
chưng đẹp lắm”. Nhìn những cành hoa đã khô xác, nhưng màu sắc, hình dáng…vẫn còn
nguyên cái hồn mới thực sự khâm phục tài năng của ông. Ngay cả những bông hoa
đầu tiên ướp thành công cách đây 5 năm vẫn giữ nguyên được độ mềm, đẹp tự nhiên
như hoa tươi vừa được ngắt trên cành xuống. Băn khoăn về tuổi thọ của hoa sau
khi ướp này, ông Hóa cười xòa “chưa thể biết được, mình vẫn đang đợi thời gian
trả lời…”
Đã 30 năm,
kể từ ngày người con đất võ (Bình Định) đặt chân lên Đà Lạt sống với nghề trồng
hoa, ông chia sẻ: Có thể với nhiều người, giữa trồng hoa, thưởng hoa có gì đó
đối nghịch với việc luyện võ, giống như sự đối nghịch giữa cái nhu với cái
cương. Nhưng với ông, để cân bằng được hai sở thích, phải biết dung hòa được
hai loại hình nghệ thuật này sở. Ý chí trong tinh thần võ hiệp đã thôi thúc
niềm đam mê và lòng chinh phục của ông. Tình yêu hoa đã thôi thúc ông trăn trở
tìm cách lưu giữ được những khoảnh khắc đẹp nhất của của các loài hoa. Ông Hóa
kể, nhiều lần chứng kiến trong những cuộc vui (sinh nhật, tiệc cưới…) thấy mọi
người vui vẻ bên những sản phẩm mình trồng ra, nhưng những bông hoa đó cũng vội
tàn sau những cuộc vui. Nhất lại là hoa hồng, thứ hoa vốn được xem là
biểu tượng cho tình yêu bất diệt.
Những suy
nghĩ đó đã khiến ông Hóa quyết tâm tìm kiếm công thức có thể ướp lại những
khoảng khắc tươi đẹp nhất của những loại hoa mình trồng. Vậy là trong suốt ngần
ấy năm, hơn 60.000 gốc hoa trong khuôn viên của mình được ông dày công nâng niu
từ khi trồng đến khi kết nụ, đơm hoa để có được những bông hoa đẹp nhất mang
ướp. Giờ đây, hoa hồng sau khi ướp có thể mang đủ màu sắc khác nhau: xanh, đỏ,
nâu, vàng… và những loại hoa khác như cúc, cẩm chướng, sứ… cũng đều được ướp
thành công. Khách hàng trong khắp cả nước đều đã biết đến hoa tươi hóa thủy của
của ông.
Hoa Đà Lạt chưa khai thác hết tiềm năng
Trong khuôn khổ Festival hoa Đà Lạt 2010, sáng 3.1, hội thảo chuyên đề hoa
Đà Lạt đã được tổ chức.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đánh giá cao chất lượng hoa Đà Lạt mà trong
đó, điều kiện khí hậu là một lợi thế rất lớn góp phần tạo nên thế mạnh đó. Theo
đại diện lãnh đạo Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, diện tích nhà lưới
trồng hoa tại Đà Lạt hiện chiếm 1.200 ha, lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Ngoài
hoa tươi, hiện đã được xuất khẩu (chủ yếu là châu Âu), các doanh nghiệp, nghệ
nhân trồng hoa Đà Lạt còn sáng tạo ra nhiều sản phẩm hoa độc đáo như hoa tươi
ướp (giữ được 4 - 5 năm), hoa sấy khô… Tỷ lệ hoa xuất khẩu chiếm 80% tổng lượng
sản xuất. Với giá trị thu về khá cao so với các loại cây trồng khác, ngành
trồng hoa tại thành phố Đà lạt đã đóng góp 10% GDP cho toàn tỉnh.
Tuy nhiên, doanh nghiệp và hộ nông dân trồng hoa cũng cho rằng, hiện hoa Đà
Lạt vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có. Nguyên nhân được xác định là do
quy mô sản xuất hoa còn nhỏ lẻ. Diện tích đất canh tác nói chung bị thu hẹp
khiến diện tích trồng hoa cũng ảnh hưởng không nhỏ. Nguồn vốn vay ngắn hạn (chỉ
1 - 2 tỷ đồng) quá ít ỏi so với nhu cầu đầu tư vườn kính là cản ngại lớn đối
với nông dân và doanh nghiệp quy mô nhỏ. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho 1ha
nhà kính ít nhất cũng 7 - 9 tỷ đồng. Ngoài ra, sự thiếu thốn về thông tin, kiến
thức, kỹ thuật của người trồng hoa cũng khiến ngành sản xuất hoa tươi Đà Lạt
mất đi nhiều cơ hội tốt.
Sau hai năm mày mò, học hỏi và ứng dụng vào việc sản xuất, thương mại hoá
hoa Đà Lạt, Nguyễn Đình Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sinh học Rừng Hoa
(Đà Lạt) đã tạo ra các sản phẩm hoa khô độc đáo, làm sững sờ khách tham quan.
Ông chủ của Rừng Hoa
Nếu nghệ
nhân Nguyễn Công Hoá là người đã nâng tuổi thọ của các loài hoa thì Nguyễn Đình
Sơn là người góp phần nâng giá trị của hoa Đà Lạt lên một tầm cao mới, cả về
giá trị thẩm mỹ và kinh tế. Người dân các vùng trồng hoa Việt Nam hoàn toàn có
thể nghĩ đến một tương lai xán lạn, bền vững hơn khi "dấn thân" vào
nghề trồng hoa.
Kết duyên với hoa
Sau khi
tốt nghiệp khoa Tài chính - Kế toán, ĐH Kinh tế TP HCM, Nguyễn Đình Sơn (Đà
Lạt) được một số thầy cô ở trường đề nghị tham gia thành lập Công ty Cổ phần
công nghệ sinh học Sài Gòn, chuyên sản xuất cây giống cung cấp cho thị trường
Đà Lạt. Sau bốn năm công tác tại đây, Sơn quyết định trở về Đà Lạt, thành lập
công ty Cổ phần sinh học Rừng hoa với số vốn ban đầu 1 tỷ đồng. Đến nay, sau 6
năm tự trang trải, tổng vốn đầu tư của Rừng hoa lên đến 30 tỷ đồng.
Rừng Hoa trở thành doanh nghiệp (DN) nghiên cứu, sản xuất giống cấy mô lớn nhất
Việt Nam và là DN đầu tiên trong cả nước xuất khẩu cây giống sang châu Âu. Đình
Sơn cho biết, hiện giống cấy mô chiếm 70% tổng sản lượng của công ty, là nguồn
doanh thu lớn nhất của Rừng Hoa.
Từ bốn năm
nay, Sơn cũng đã " đem hoa đi đánh xứ người", đặc biệt là các
"vương quốc hoa" như Hà Lan, Bỉ... Cuộc chinh phục đó mang lại
cho công ty một khoản lợi nhuận không nhỏ so với việc kinh doanh hoa cắt cành
như truyền thống của người Đà Lạt nói chung và ngành hoa Việt Nam nói riêng.
Nâng tầm hoa Việt
Không dừng
ở thành công từ việc sản xuất giống hoa cấy mô, Sơn tiếp tục mày mò, nghiên cứu
và ứng dụng các phương pháp để giữ hoa được lâu hơn. "Hoa Đà Lạt phong
phú, đậm màu và có giá trị cao, song, với phương pháp trồng hoa truyền thống,
đời sống của người trồng hoa Đà Lạt vẫn bấp bênh, không ổn định. Giá trị của
hoa chưa được khai thác hết như vẻ đẹp của nó". Mang trăn trở đó trong
lòng, năm 2006, Sơn quyết định sang Nhật để học hỏi công nghệ sản xuất hoa sấy
khô của nước này để có thể tăng độ bền của hoa Đà Lạt được lâu hơn. Sơn cho
biết, phương pháp sấy khô hoa đã được người Pháp khám phá cách đây 15 năm,
song, ngành công nghiệp hoa khô lại không phát triển ở xứ sở này. Chính người
Nhật đã mua lại công nghệ đó và cải tiến, sáng tạo mới rồi trở thành Quốc Gia
hàng đầu về hoa khô thương phẩm.
Sau hai
năm nghiên cứu, thử nghiệm, đầu tư xây dựng nhà xưởng, sản phẩm hoa sấy khô của
Rừng Hoa đã thành công với màu sắc không khác hoa thật và độ bền của hoa lên
tới 3 - 5 năm. Với công nghệ mới này, từ các loài hoa như Lyly, dã quỳ, cẩm
chướng, hoa hồng cho đến cùng các phụ liệu khác như lá rừng, dây leo, rễ cây cổ
thụ... đều giữ được vẻ đẹp trinh nguyên. Những tác phẩm hoa sống động đã làm
say lòng người.
Sự đón
nhận của người thưởng lãm và thị trường đã khiến công ty mạnh dạn đẩy mạnh sản
xuất, kinh doanh ngành nghề mới lạ này. "Vất vả lắm, nhưng cứ mỗi sáng,
dạo một vòng show room, lặng ngắm các tác phẩm của mình, lắng nghe sự thích
thú, ngạc nhiên của khách, lại thôi thúc ý muốn tiếp tục làm ra những sản phẩm
độc đáo hơn, hoàn thiện hơn...", Nguyễn Đình Sơn cho biết.
Đầu năm
2008, sản phẩm hoa khô đầu tiên của Việt Nam do Rừng Hoa sản xuất đã được xuất
khẩu ngược lại thị trường Nhật Bản. Hiện, sau cây giống cấy mô, hoa sấy khô
(trang trí và quà tặng) chính là sản phẩm chủ lực của anh.
Ngoài sản
phẩm hoa sấy độc đáo, mới đây, công ty Rừng Hoa áp dụng nghệ thuật ướp hoa của
nghệ nhân Nguyễn Công Hóa trong việc tạo ra những bức tranh hoa tươi đẹp mắt.
Dưới bàn tay của các nghệ nhân, hoa tươi trong các bức tranh nghệ thuật cứ thế
thăng hoa.
Quá trình sấy khô hoa phải mất một tuần, bắt đầu từ việc xử lý, làm chết tế
bào của hoa tươi, nhuộm màu, phủ dung dịch bảo quản để hoa không rụng cánh hoặc
bị côn trùng làm hỏng, sấy ở nhiệt độ thấp, đưa ra đóng gói, làm nguyên liệu...
Giá trị do hoa sấy khô đem lại cao gấp 5-10 lần hoa tươi cắt cành. Nếu một
cành hồng tươi tại Đà Lạt có giá 1.500 đồng, một bông hồng đơn sau khi sấy khô
được bán tới 30.000 đồng. Riêng các tác phẩm nghệ thuật cao cấp được làm từ hoa
sấy khô có thể cho giá trị cao hơn gấp nhiều lần. Hiện giá một hộp hoa khô làm
quà tặng thấp nhất là 50.000 đồng, các bình hoa trang trí có giá từ 400.000
đồng đến 2 triệu đồng. Đặc biệt, các sản phẩm cao cấp, phù hợp cho việc bài trí
không gian ở khu vực trung tâm các khách sạn lớn có thể lên tới 8 - 20 triệu
đồng.