Đề án hỗ trợ khởi nghiệp 844: Các mục tiêu hỗ trợ, thu hút vốn đầu tư vượt mức đề ra
Nhằm tiếp tục thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, trong thời gian tới, Đề án sẽ xây dựng hệ thống Trung tâm ĐMST tại ba thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM), cũng như các Trung tâm khởi nghiệp ĐMST tại các tỉnh thành có tiềm năng về khởi nghiệp sáng tạo.
TS Phạm Dũng Nam, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia. Ảnh: Anh Thư
“Các mục tiêu về hỗ trợ, thu hút vốn đầu tư đều vượt mức đề ra,” TS Phạm Dũng Nam, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia đã chia sẻ về một số kết quả mà Đề án 884 đã làm được trong giai đoạn 2016 – 2020 tại hội thảo “Thanh niên với khởi nghiệp ĐMST và những điểm mới của QĐ số 188/QĐ-TTg về sửa đổi bổ sung 1 số điều của QĐ 884/QĐ-TTg” do Chi đoàn Liên Vụ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với phối hợp với Văn phòng các chương trình khoa học công nghệ quốc gia, Cục Phát triển thị trường, Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Ban Khoa giáo - Đài truyền hình Việt Nam, Văn phòng Đề án 844, tổ chức ngày 24/3.
Trong giai đoạn 2016-2020, hành lang pháp lý cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về cơ bản đã được hoàn thiện, Đề án 844 cũng đã tham gia tích cực vào việc hình thành và phát triển hoạt động của hệ thống các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST.
Nhìn chung, đề án 844 về cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra, bởi đề án hướng đến việc thu hút đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp – những doanh nghiệp chỉ có thể huy động được nguồn lực từ cá nhân, gia đình, các nhà đầu tư hiểu được về cách phát triển của doanh nghiệp mới, hay các quỹ đầu tư mạo hiểm. “Giữa doanh nghiệp ĐMST có tiềm năng gọi được vốn và các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn luôn có một khoảng cách, và trách nhiệm của chúng tôi là thiết kế được những chương trình hoạt động rút ngắn khoảng cách ấy.”
“Ngoài ra, Đề án đã lan tỏa tư duy khởi nghiệp ĐMST trong cộng đồng khởi nghiệp, qua đó đưa Techfest trở thành nền tảng kết nối quy mô quốc tế”, ông cho biết.
Đồng tình với ý kiến này, theo TS Từ Minh Hiệu (Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN), Đề án 844 có thể xem là phát súng khởi đầu cho thấy hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp ĐMST, từ đó một loạt các chương trình, đề án hỗ trợ ra đời sau đó như chương trình hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề án hỗ trợ khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ, đề án hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp thương mại điện tử…
TS Từ Minh Hiệu (Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN) chia sẻ về những điểm mà Đề án 844 cần khắc phục trong thời gian tới. Ảnh: Anh Thư
Tuy nhiên, hiện tại “chúng ta vẫn chưa có hành lang pháp lý, chính sách đặc thù cho khởi nghiệp, về đầu tư mạo hiểm, đầu tư gọi vốn cộng đồng, ưu đãi thuế cho nhà đầu tư cá nhân.... Ngoài ra, các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn thiếu gắn kết”, ông Hiệu nhận định. Vì vậy, theo ông, nếu không xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, các nhà đầu tư sẽ không lựa chọn thị trường Việt Nam mà chuyển sang đầu tư cho các nước khác trong khu vực ASEAN. Bản thân các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST từ Việt Nam cũng sang các nước khác trong khu vực để lập nghiệp. Đáng chú ý, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ không muốn phát triển mạnh mà muốn giữ quy mô nhỏ để tránh các vướng mắc về hành chính, pháp lý.
Lấy khoa học và công nghệ làm trung tâm
Cũng theo ông Phạm Dũng Nam, QĐ số 188/QĐ-TTg ngày 9/2/2021 có những sửa đổi về mục tiêu, mà cụ thể là trong chính sách thúc đẩy hệ thống các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, chính sách hình thành và phát triển mạng lưới kết nối khởi nghiệp ĐMST quốc gia quy mô quốc tế. Theo đó, Đề án đưa ra mục tiêu xây dựng hệ thống Trung tâm ĐMST trong đó có ba Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại ba thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM), cũng như các Trung tâm khởi nghiệp ĐMST tại các tỉnh thành có tiềm năng về khởi nghiệp sáng tạo. “Mục tiêu của mạng lưới đó là đạt được mức chỉ số về lượt chuyên gia, tập đoàn tham gia vào hoạt động cùng với doanh nghiệp ĐMST”.
Hiện tại, Bộ KH&CN đã triển khai được trung tâm ở trường Đại học Kinh tế quốc dân, và sắp tới là ở khu Công nghệ cao Hòa Lạc. “Ở TP. Hồ Chí Minh, Bộ đang triển khai xây dựng trung tâm tại một tòa nhà. Còn ở TP.Đà Nẵng, chúng tôi phối hợp với Sở KH&CN, UBND thành phố để đưa trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đi vào hoạt động trong tòa nhà của UBND thành phố”, ông cho hay.
Bên cạnh đó, Đề án cũng hướng đến xây dựng Innovation hub ở các trường đại học để hỗ trợ các startup, đặc biệt là những startup đang ở giai đoạn đầu, chưa thể gọi vốn đầu tư. “Đối với các trường kỹ thuật, chúng tôi mong muốn thu hút được các nguồn lực từ những nhà đầu tư, các doanh nghiệp để hình thành những cơ sở xây dựng sản phẩm mẫu cho sinh viên, tạo điều kiện cho các bạn phát huy được ý tưởng của mình, cũng như có được nơi để hình thành ra sản phẩm mẫu”, ông Phạm Dũng Nam phân tích. Còn tại các trường kinh tế, ban quản lý Đề án 844 muốn nơi đây trở thành nơi hình thành tư duy về mặt mô hình kinh doanh, cách thức vận hành doanh nghiệp.
Anh Thư