SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sáu quy tắc vàng giúp các doanh nghiệp hệ sinh thái giành thắng lợi tại Việt Nam

[10/04/2021 11:30]

Tập trung vào gắn kết khách hàng, nhân tài và phân tích dữ liệu có thể mở ra thành công trong nền kinh tế hệ sinh thái mới nổi của đất nước

BA MÔ HÌNH MỚI ĐANG THAY ĐỔI CÁC HỆ SINH THÁI

Một thế giới hệ sinh thái mới bắt đầu xuất hiện sẽ tác động đáng kể đến toàn bộ các doanh nghiệp, ngay cả những doanh nghiệp không có ý định xây dựng hoặc tham gia vào một hệ sinh thái. Hiện tại, ba mô hình sau đang định hình thực tế mới đối với hầu hết các doanh nghiệp:

Nới rộng danh sách đối thủ cạnh tranh. Các hệ sinh thái chủ yếu cạnh tranh để giành được sự chú ý và “sự gắn bó” của khách hàng. Khi một hệ sinh thái xây dựng được một tập hợp người dùng trung thành và thường xuyên, điều này sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh, cho phép hệ sinh thái đó thâm nhập vào các ngành mới với chi phí thấp hơn. Trong thế giới hệ sinh thái, danh sách đối thủ cạnh tranh của bất kỳ ngành nào cũng sẽ bị phá vỡ nếu các doanh nghiệp có được chi phí thu hút và giữ chân khách hàng thấp hơn. Trong thế giới này, ai cũng có thể trở thành đối thủ.

Cuộc chiến giành nhân tài trở nên khốc liệt hơn trong một thế giới hệ sinh thái và giữa các ranh giới ngành. Các công ty Việt Nam khi tìm cách tăng cường nỗ lực đổi mới sẽ cần phải tuyển dụng và ươm mầm tài năng - cũng như trao quyền cho họ thông qua phương thức làm việc linh hoạt. Khả năng hạn chế trong việc tiếp cận nhân tài kỹ thuật số có thể kìm hãm sự tăng trưởng của các hệ sinh thái tại Việt Nam.

Dữ liệu tạo ra giá trị. Cho dù doanh nghiệp của bạn có kế hoạch xây dựng hoặc tham gia một hệ sinh thái hay đơn giản là bảo vệ hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình trong bối cảnh cạnh tranh mới, chìa khóa nằm ở khả năng khai thác và phân tích dữ liệu ở quy mô lớn. Các hệ sinh thái đang cố gắng xây dựng lợi thế cạnh tranh áp đảo bằng cách thu thập, phân tích chéo và kiếm tiền từ dữ liệu trong tất cả các ngành. Các doanh nghiệp cũng cần phải học cách chịu trách nhiệm về dữ liệu người dùng của họ và bảo vệ tài sản này không bị các doanh nghiệp khác khai thác.

CÁC GIẢI PHÁP CÓ THỂ GIÚP DOANH NGHIỆP VIỆT NAM GIÀNH THẮNG LỢI TRONG THẾ GIỚI HỆ SINH THÁI

Việc nắm bắt các hệ sinh thái sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình. Sáu nguyên tắc có thể hỗ trợ các nhà điều hành trong quá trình chuyển đổi này.

Áp dụng tư duy hệ sinh thái

Đầu tiên, các doanh nghiệp cần mở rộng góc nhìn của họ về đối thủ cạnh tranh và cơ hội, áp dụng lăng kính đa ngành và xác định các hệ sinh thái và các ngành nơi thay đổi sẽ diễn ra nhanh nhất. Họ cũng nên xác định các nguồn quan trọng mới mang lại giá trị ý nghĩa nhất cho tập người dùng đang ngày càng mở rộng.

Về cơ bản, để phác thảo lộ trình xây dựng hệ sinh thái trong tương lai, các doanh nghiệp cần phải điều chỉnh tầm nhìn phù hợp và đặt câu hỏi cho đội ngũ lãnh đạo của họ:

- Những yếu tố gây bất ngờ hoặc đột biến nào có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp? Làm thế nào để đón đầu chúng? Doanh nghiệp sẽ cần những tài sản và nguồn lực nào?

- Làm thế nào để có thể chuyển các tài sản vật chất và các mối quan hệ khách hàng lâu dài thành những hiểu biết sâu sắc để đảm bảo vị thế của doanh nghiệp trên thị trường đồng thời tạo lợi thế so với các đối thủ, bao gồm cả những gã khổng lồ trong lĩnh vực kỹ thuật số?

Khai thác dữ liệu

Trong một thế giới không biên giới, dữ liệu đóng vai trò như một loại tiền tệ có giá trị. Một hệ sinh thái cạnh tranh hiệu quả phải có khả năng tổng hợp khối lượng dữ liệu khổng lồ cũng như xây dựng năng lực lưu trữ, xử lý và phân tích dữ liệu đó để tạo ra những dữ liệu kinh doanh am tường có thể chuyển hóa thành hành động.

Các doanh nghiệp có thể có được những thông tin dữ liệu sâu sắc hơn từ những ý tưởng mà bề ngoài nghe có vẻ hay nhưng thường không có tiềm năng trở thành mô hình hiệu quả. Ví dụ như các ứng dụng di động tương tác trực tiếp với người tiêu dùng và dành cho khách hàng thân thiết là công cụ tuyệt vời để các doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể cho người tiêu dùng và kết nối với khách hàng của họ. Dữ liệu từ các ứng dụng này cho phép các doanh nghiệp khám phá ra các cơ hội phát triển mới, đồng thời hiểu được nhu cầu và sở thích của khách hàng để từ đó phục vụ họ tốt hơn.

Xây dựng gắn kết tình cảm với khách hàng Ngày nay, giành được sự trung thành của khách hàng thông qua kết nối cảm xúc được coi là phần thưởng lớn nhất. Các doanh nghiệp  đang đầu tư vào các công cụ để làm được điều này, chẳng hạn như dữ liệu giúp tùy chỉnh sản phẩm và dịch vụ, nội dung để thu hút khách hàng và các mô hình số để hỗ trợ hành trình khách hàng liền mạch và  giải quyết các khó khăn, bất cập. Bằng cách xây dựng kết nối cảm xúc với khách hàng, các công ty có thể chiếm được không gian hấp dẫn trong các hệ sinh thái quan trọng.

Đơn cử, Google’s và Alibaba đã gây dựng được một tập khách hàng hiện tại lớn của riêng mình. Nhưng họ đã đổi mới và tung ra nhiều sản phẩm khác nhau như Chrome, Gmail, Alipay và nền tảng tài chính Yu’E Bao, bởi vì họ muốn mở rộng ra các phân khúc khách hàng mới ngoài tập khách hàng hiện tại của họ. Với mục đích này, nắm bắt được các nguồn doanh thu mới là một ích lợi bổ sung.

Đánh giá cơ chế quản trị và chiến lược nhân tài hiện tại, đồng thời điều chỉnh các mô hình hoạt động theo mô hình mới

Trong một thế giới hệ sinh thái nơi ranh giới giữa các ngành chuyển dịch nhanh chóng và phân tích dữ liệu trở thành một lợi thế cạnh tranh cốt lõi, các doanh nghiệp cũng sẽ cần phải thu hút nhân tài phù hợp, đồng thời phát triển các mô hình quản trị và cách thức làm việc linh hoạt cần thiết để đổi mới một cách nhanh chóng. Đặc biệt là ở Việt Nam, nơi các nhân tài kỹ thuật số hàng đầu đang được chào đón, các doanh nghiệp ở các ngành khác nhau sẽ cần dành nguồn lực ngày càng nhiều để tuyển, tiếp nhận và đào tạo những nhân tài này, đồng thời đảm bảo họ được đặt trong một môi trường nơi họ có thể làm việc hiệu quả và mang lại giá trị.

Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải bắt tay vào thực hiện những cách thức mới để thu hút nhân tài. Để đảm bảo đổi mới, ngoài việc định hình lại cách thức quản lý nhân sự nội bộ, các doanh nghiệp nên cân nhắc hợp tác chặt chẽ hơn với bên ngoài như các công ty khởi nghiệp hoặc quỹ đầu tư mạo hiểm - một cách thức hiệu quả để xây dựng tư duy đột phá và tiếp cận nhân tài mới và mang tính đột phá.

Thay đổi mô hình quan hệ đối tác

Nền kinh tế hệ sinh thái mang lại cơ hội mới cho chuyên môn hóa. Để tận dụng lợi thế này, các doanh nghiệp cần nhiều loại hình quan hệ đối tác khác nhau hơn. Trong hàng chục thị trường trên toàn cầu- bao gồm cả Brazil, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, và Việt Nam, nơi các tập dữ liệu hiện không mạnh mẽ bằng các khu vực khác - một làn sóng quan hệ đối tác mới đang được hình thành nhằm tạo ra sức mạnh tổng thể lớn hơn từng cá thể đơn lẻ. Nhiều ngân hàng trên toàn cầu đang trở thành hình mẫu trong lĩnh vực này, phát triển nhiều quan hệ đối tác với các doanh nghiệp về lối sống để tạo ra cổng kết nối tài chính cho tất cả các nhu cầu thường nhật của khách hàng (ví dụ như đặt bàn tại nhà hàng hoặc mua vé xem phim).

Bất kể một tổ chức có vị trí địa lý, ngành chính và mức độ sẵn sàng dữ liệu như thế nào, các giám đốc điều hành có thể bắt đầu bằng việc xác định những khoảng trống họ cần lấp đầy, đối tác nào có thể làm việc đó tốt nhất, và các “đề xuất giá trị" đôi bên cùng có lợi. Họ cũng cần xem xét thiết kế cơ sở hạ tầng và khuôn khổ hoạt động sao cho hỗ trợ việc trao đổi dữ liệu, ý tưởng và dịch vụ một cách ổn định với các thực thể bên ngoài - tiếp thêm năng lượng cho đổi mới sáng tạo.

Tạo sự khác biệt và điều chỉnh chiến lược phù hợp

Bất kỳ nhà lãnh đạo nào ở Việt Nam sẽ sớm  phải đưa ra chiến lược hệ sinh thái của mình, thấu hiểu các gián đoạn trong ngành và đưa ra lựa chọn. Họ có thể bảo vệ doanh nghiệp của mình như hiện trạng, hiện đại hóa và số hóa, hợp tác với các tổ chức khác để phát triển lợi thế cạnh tranh như một hệ sinh thái, hoặc tham gia (hay thậm chí tự xây) một hệ sinh thái riêng. Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể trở thành “nhạc trưởng” trong dàn nhạc hệ sinh thái; điều này đòi hỏi họ phải có tập người dùng mạnh hoặc tài sản giúp dễ dàng thu hút được khách hàng với chi phí thấp. Song các doanh nghiệp vẫn có thể thu được giá trị đáng kể bằng cách trở thành đối tác hoặc nhà cung cấp. Các doanh nghiệp không có ý định hình thành một hệ sinh thái nhưng đang cân nhắc lựa chọn trở thành đối tác sẽ cần đảm bảo rằng họ có một đề xuất giá trị dịch vụ hoặc sản phẩm có thể bảo vệ được mình và khó bị các doanh nghiệp kỹ thuật số khác sao chép, và có thể “kết nối” họ vào các nền tảng kỹ thuật số - coi họ như một kênh.

Trong bối cảnh này, các giám đốc điều hành phải hiểu rõ về nguồn tạo ra giá trị của họ trong ngành, rủi ro và bản chất của gián đoạn kỹ thuật số, cũng như năng lực nội tại của họ. Dựa trên đánh giá này, hầu hết các doanh nghiệp sẽ định hình một chiến lược, hoặc tự thân vận động hoặc thông qua hợp tác đối tác, để giúp định hướng doanh nghiệp trong thế giới hệ sinh thái.

KẾT LUẬN

Sáu quy tắc vàng là những thông lệ tốt  nhất trong việc phát triển hệ sinh thái nhằm tạo ra giá trị cao hơn. McKinsey cho rằng các nhà lãnh đạo nên thường xuyên đánh giá và tái đánh giá năng lực của họ trong mỗi danh mục này để xây dựng hoặc có được các điều kiện cần thiết để thành công.

Các hệ sinh thái khổng lồ bao gồm các ngành công nghiệp đang gia tăng và lượng giá trị khổng lồ đang chuyển dịch. Các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp truyền thống vốn vẫn khép kín và được bảo hộ từ lâu là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong cuộc tấn công xuyên biên giới này. Bằng cách đề ra chiến lược và cách tiếp cận phù hợp, các nhà lãnh đạo có thể chủ động tấn công. Bây giờ là chính là lúc thích hợp để thăm dò bối cảnh và bắt đầu định hình và ươm mầm các cơ hội non trẻ.

Cục Thông tin KH&CN Quốc gia – Bộ KH &CN Bản tin “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, Số 9.2021 (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ