Ảnh hưởng của bón phân NPK đến sinh trưởng của một số giống mía đường trồng trên đất phèn Hậu Giang
Đề tài do nhóm tác giả Nguyễn Kim Quyên (Trường Đại học Cửu Long), Lê Xuân Tý (Sở Khoa học và Công nghệ Tỉnh Hậu Giang), Phan Toàn Nam, Lâm Ngọc Phương, và Ngô Ngọc Hưng (Khoa Nông nghiệp & SHƯD, Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện.
Mục tiêu của đề tài là sử dụng kỹ thuật lô khuyết để đánh giá khả năng
cung cấp dưỡng chất NPK và sinh trưởng của một số giống mía đường trên đất phèn
Hậu Giang.
Cây mía đường từ lâu được trồng trên đất phèn và mang lại lợi nhuận cao
cho nông dân ở Đồng bằng sông Cửu long. Những thông tin về ảnh hưởng của phân
bón NPK trên sinh trưởng của mía đường trên đất phèn vẫn còn hạn chế. Thí
nghiệm được bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên, gồm các nghiệm thức
phân bón (NPK, PK, NK, NP) và giống mía (DLM24, ROC16, R570, QĐ11, CR74-250).
Kết quả cho thấy so với không bón N, liều lượng 300 kgN/ha làm tăng năng
suất mía đáng kể (39-54%). Trong khi việc bón P và K chỉ làm tăng năng suất của
mía đường trong khoảng 10% so với không bón. Tuy nhiên, bón K cho thấy làm tăng
độ Brix nước ép của mía đường. Giống mía DLM24 cho năng suất cao (140-145 t/ha)
nhất trong số 5 giống mía được thử nghiệm ở đất phèn Hậu Giang. Cần xác định
giống mía đường thích hợp với vùng đất để đạt năng suất đồng thời với độ Brix
cao.
Tạp chí Khoa học 2011, Trường Đại học Cần Thơ