Sử dụng sinh khối artemia làm thức ăn trong ương nuôi các loài thủy sản nước lợ
Đề tài do tác giả Nguyễn Thị Ngọc Anh (Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện nhằm khuyến khích sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, giảm được chi phí sản xuất, đồng thời giúp người nuôi Artemia đa dạng hoá sản phẩm và tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.
Bài báo tổng kết các nghiên cứu sử dụng sinh khối Artemia làm thức ăn
cho các loài thủy sản nước lợ. Trong thí nghiệm 1, bổ sung thức ăn chế biến
chứa sinh khối Artemia tươi và khô trong ương ấu trùng tôm sú Penaeus monodon
đã được thực hiện. Kết quả về tỉ lệ sống và tăng trưởng của postlarvae 15 cho
thấy thức ăn viên phối chế chứa sinh khối Artemia có thể thay thế một phần thức
ăn thương mại để làm thức ăn bổ sung trong ương ấu trùng tôm sú. Thí nghiệm 2
đánh giá tiềm năng sử dụng sinh khối Artemia-sản phẩm phụ từ sản xuất trứng bào
xác trong ương cá kèo, Pseudapocryptes elongatus.
Kết quả chỉ ra rằng sinh khối Artemia khô làm thức ăn trực tiếp hoặc
phối chế thức ăn viên đều là thức ăn thích hợp cho cá kèo giống. Thí nghiệm 3
sử dụng các dạng sinh khối Artemia khác nhau làm thức ăn trong ương cua biển, Scylla
paramamosain đã được thử nghiệm. Kết quả thí nghiệm này chứng tỏ rằng sinh khối
Artemia tươi sống là thức ăn lý tưởng cho cua con và sinh khối Artemia đông
lạnh có thể được sử dụng trong thời gian thiếu thức ăn tươi sống hoặc sử dụng
cho các trại giống ở xa vùng nuôi Artemia.
Tạp chí Khoa học 2011, Trường Đại học Cần Thơ