Ảnh hưởng mặn và vai trò của Natri silicate trên lúa ở giai đoạn mạ
Đề tài được thực hiện bởi nhóm tác giả Phạm Phước Nhẫn và Phạm Minh Thùy (Khoa Nông Nghiệp và Sinh Học Ứng Dụng, Trường Đại học Cần Thơ) nhằm khảo sát vai trò của silic trong việc gia tăng tính chống chịu của cây lúa.
Silic là một nguyên tố phổ biến trong vỏ trái đất và từ lâu đã được ứng
dụng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp. Gần đây đã có nhiều bằng chứng cho thấy
nguyên tố silic đóng vai trò quan trọng đối với sinh trưởng và phát triển của
thực vật, đặc biệt là trong việc giúp thực vật chống chịu với các điều kiện
sống bất lợi. Trong nghiên cứu này, silic được bổ sung vào dung dịch trồng lúa
OM4900 trong điều kiện bị nhiễm mặn nhân tạo bằng NaCl nhằm khảo sát hiệu quả
của natri silicate lên tính chống chịu mặn trên cây lúa ở giai đoạn mạ.
Kết quả cho thấy sinh trưởng của cây lúa bị hạn chế khi độ mặn gia tăng
và thời gian nhiễm mặn kéo dài, đồng thời cây lúa cũng gia tăng tích lũy proline.
Bổ sung silic dưới dạng natri silicate khi cây lúa bị nhiễm mặn 4‰ không cho
hiệu quả trong việc gia tăng tính chống chịu cả về mặt hình thái – sự phát
triển của thân và rễ, và về mặt biến dưỡng – không có sự khác biệt rõ về biến
dưỡng hàm lượng đường tổng số trong rễ, hạt và hàm lượng proline tích lũy trong
thân. Khả năng chịu mặn của một số giống trồng phổ biến hiện nay là không như
nhau và sự ức chế sinh trưởng ở rễ là dễ nhận biết nhất. Vì vậy, nên khảo sát ở
nồng độ nhiễm mặn thấp hơn hoặc với các hợp chất silic khác để có thể khuyến
cáo vào thực tiễn sản xuất lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu nhằm hạn chế thiệt
hại của tác nhân này.
Tạp chí Khoa học 2011, Trường Đại học Cần Thơ