Công bố danh mục và tuyển chọn tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ hằng năm, định kỳ thuộc đề án 844 năm 2021-2022
Thực hiện Quyết định số 1613/QĐ-BKHCN ngày 18/06/2021 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành danh mục sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) bắt đầu thực hiện từ năm 2021-2022, Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo đến các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân về danh mục nhiệm vụ và phương thức nộp hồ sơ đăng ký thực hiện các nhiệm vụ hằng năm, định kỳ thuộc Đề án 844 bắt đầu thực hiện từ năm 2021-2022.
Danh mục các nhiệm vụ thuộc Đề án 844 bắt đầu thực hiện từ năm 2021-2022
I. Nhóm nhiệm vụ đào tạo, nâng cao năng lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST); truyền thông về hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư cho khởi nghiệp và phổ biến, tuyên truyền các điển hình khởi nghiệp thành công của Việt Nam.
1. Hỗ trợ nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cũng như các cơ sở nghiên cứu về đào tạo, truyền thông, cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST.
2. Hỗ trợ nâng cao năng lực của địa phương trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.
3. Hỗ trợ nâng cao năng lực khu vực tư nhân trong đào tạo, ươm tạo, kết nối, gọi vốn, truyền thông cho khởi nghiệp ĐMST, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam với quốc tế.
II. Nhóm nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động của một số cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung
4. Hỗ trợ phát triển trung tâm ĐMST, trung tâm khởi nghiệp ĐMST tại bộ, ngành, địa phương, tổ chức có tiềm năng phát triển khởi nghiệp ĐMST.
III. Nhóm nhiệm vụ phát triển thị trường, kết nối các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm của Việt Nam với khu vực và thế giới; kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn tại một số tổ chức thúc đẩy kinh doanh uy tín ở nước ngoài
5. Hỗ trợ phát triển các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST.
6. Hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; phát triển các nền tảng trực tuyến liên kết, kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.
Phương thức tổ chức thực hiện
- Các tổ chức, đơn vị nghiên cứu danh mục đề bài được công bố và đề xuất các dự án, sáng kiến, chương trình phù hợp với mục tiêu và yêu cầu kết quả đạt được trong từng loại hình nhiệm vụ.
- Khuyến khích các tổ chức, đơn vị liên kết, liên danh với nhau để thực hiện nhiệm vụ. Khuyến khích sử dụng các nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương, nguồn vốn tư nhân, nguồn vốn quốc tế để triển khai dự án.
- Tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ có thể đề xuất các hoạt động trong các nhiệm vụ khác nhau trong một thuyết minh, không cần thiết phải nộp nhiều thuyết minh cho nhiều nhiệm vụ.
- Tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ có thể đề xuất giải pháp để giải quyết một hoặc một số vấn đề được đưa ra tại cột 3 “Vấn đề cần giải quyết”, hoặc đề xuất những vấn đề, nội dung mới, có nhu cầu thực tiễn không có trong danh mục theo sáng kiến.
- Khi đề xuất mới, tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ cần giải trình rõ lý do đề xuất, sự cần thiết, giải pháp và chỉ số đánh giá thực hiện công việc (KPI) cụ thể phù hợp với mục tiêu của từng nhiệm vụ.
- Các hồ sơ đủ điều kiện sẽ vào vòng thuyết trình, Bộ KH&CN sẽ tổ chức hội đồng đánh giá thuyết minh, thẩm định kinh phí để xét duyệt nhiệm vụ.
Yêu cầu chung với đơn vị chủ trì nhiệm vụ:
- Có KPI, phương thức đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong Thuyết minh nhiệm vụ, gắn kết chặt chẽ với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và mục tiêu của Đề án 844 (trong Quyết định số 844/ QĐ-TTg và Quyết định số 188/QĐ-TTg);
- Cập nhật các thông tin liên hệ (SĐT, Email, ...), thông tin liên quan (danh sách chuyên gia, nhà đầu tư, cố vấn, huấn luyện viên, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, tập huấn, ấn phẩm truyền thông về cơ sở dữ liệu của Đề án 844 và Cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST quốc gia;
- Có phương án truyền thông, đặc biệt hướng tới truyền thông quốc tế về quá trình triển khai và hiệu quả, tác động của nhiệm vụ;
- Có đánh giá tác động, hiệu quả triển khai của nhiệm vụ đối với văn hóa-kinh tế-xã hội; xây dựng phương án phát triển sau khi hoàn thành nhiệm vụ;
- Xây dựng kênh tương tác với các đối tượng thụ hưởng của nhiệm vụ; xây dựng phương án kết nối dữ liệu với các nền tảng, cơ sở dữ liệu của Bộ KH&CN khi kết thúc nhiệm vụ.
Thời hạn nhận hồ sơ
- Thời hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký thực hiện nhiệm vụ là 17h00 ngày 04/08/2021.
- Thời điểm nhận hồ sơ được tính là thời điểm đóng dấu đến của Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia hoặc dấu đến của Văn thư Bộ Khoa học và Công nghệ.
Cục Thông tin KH&CN Quốc gia – Bộ KH &CN - Bản tin “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, Số 24.2021 (ntbtra)