Các hình thức tra cứu nhãn hiệu dành cho doanh nghiệp
Tùy thuộc vào mục đích tra cứu mà doanh nghiệp có thể lựa chọn các hình thức tra cứu khác nhau như: tra cứu nhãn hiệu trùng lặp, tra cứu nhãn hiệu tương tự, tra cứu tên chủ nhãn hiệu, tra cứu tình trạng nhãn hiệu.
Tra cứu nhãn hiệu trùng lặp
Hình thức tra cứu này sẽ cho ra kết quả chính xác cụm từ mà doanh nghiệp muốn tra cứu, tuy nhiên không hiển thị đầy đủ các nhãn hiệu khác có chứa nhãn hiệu đó hoặc các nhãn hiệu có cấu trúc hay cách phát âm tương tự. Tra cứu nhãn hiệu trùng lặp chỉ mang tính chất tham khảo nhiều hơn và không đưa ra chính xác khả năng đăng ký và sử dụng nhãn hiệu của doanh nghiệp.
Cụ thể, với trường hợp tra cứu nhãn hiệu trùng lặp cho nhãn hiệu "RADIANCE" cho sản phẩm đồ uống trong Nhóm 32. Kết quả tra cứu sẽ bộc lộ tất cả các đơn nhãn hiệu "RADIANCE" cho Nhóm 32 được nộp tại Cục SHTT và các đăng ký nhãn hiệu "RADIANCE" được bảo hộ cho Nhóm 32 tại Việt Nam.
Tra cứu nhãn hiệu tương tự
Tra cứu nhãn hiệu tương tự là hình thức tra cứu phổ biến và được sử dụng thường xuyên vì hình thức tra cứu này dự đoán tương đối chính xác khả năng đăng ký và sử dụng nhãn hiệu của doanh nghiệp. Kết quả tra cứu bộc lộ đầy đủ các nhãn hiệu trùng lặp và tương tự về mặt cấu trúc, cách phát âm, cách trình bày và ý nghĩa nhãn hiệu cho các nhóm sản phẩm và dịch vụ tương tự đã được nộp đơn và đăng ký trước tại Cục SHTT.
Cụ thể, với trường hợp tra cứu nhãn hiệu tương tự cho nhãn hiệu "RADIANCE" cho sản phẩm đồ uống trong Nhóm 32. Kết quả tra cứu sẽ bộc lộ tất cả các đơn nhãn hiệu và đăng ký nhãn hiệu có chưa yếu tố trùng lặp "RADIANCE" cho Nhóm 32 và yếu tố tương tự với "RADIANCE" như RADIANT, RADIAN, JARDIANCE, DADIANCE... cho các sản phẩm trùng lặp hoặc tương tự trong Nhóm 32 và các nhóm có liên quan, ví dụ như Nhóm 33, 35 và 43
Tra cứu tên chủ nhãn hiệu
Doanh nghiệp có thể sử dụng hình thức tra cứu này để tìm kiếm thông tin về tất cả các nhãn hiệu đã được nộp đơn và đăng ký tại Việt Nam của đối thủ cạnh tranh hay bất kỳ bên thứ ba nào mà doanh nghiệp quan tâm nhằm phục vụ cho chiến lược kinh doanh của mình. Kết quả tra cứu này sẽ cung cấp các thông tin chi tiết về các nhãn hiệu này bao gồm mẫu nhãn hiệu, số đơn, ngày nộp đơn, số bằng, ngày cấp bằng, nhóm và danh mục sản phẩm và dịch vụ, tên và địa chỉ của chủ nhãn hiệu và thời hạn hiệu lực của các nhan hiệu.
Tra cứu tình trạng
Trường hợp doanh nghiệp muốn tìm hiểu tình trạng hiện thời của đơn đăng ký nhãn hiệu hoặc văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có liên quan đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của mình, doanh nghiệp có thể tiến hành tra cứu tình trang của các nhãn hiệu này tại cơ sở dữ liệu trực tuyến của Cục SHTT. Việc tra cứu tình trạng các nhãn hiệu sẽ giúp cho doanh nghiệp biết được đơn đăng ký đang ở trong giai đoạn thẩm định hình thức hay thẩm định nội dung, nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hay chưa cũng như xác định rõ tình trạng hiệu lực và chủ sở hữu hiện thời của văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.
ltnhuong
Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo