Khởi nghiệp trong an toàn không gian mạng, cần chú ý những gì?
Các chuyên gia đưa ra nhiều gợi ý cho những người bắt đầu khởi nghiệp nhất là trong bối cảnh cần đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Ảnh minh họa
Tại tọa đàm "Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong An toàn không gian mạng" vừa diễn ra, các chuyên gia đưa ra nhiều gợi ý cho những người bắt đầu khởi nghiệp, nhất là trong bối cảnh cần đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Tọa đàm do Làng công nghệ an toàn không gian mạng tổ chức trong khuôn khổ Techfest 2021.
Cụ thể, theo ông Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch Nova Edu, muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực này phải bắt đầu từ nhu cầu thực sự của phần lớn xã hội và phải chuẩn bị sẵn giải pháp. "Có những bài toán an ninh mạng ở quy mô rất lớn, nếu chỉ nhìn ra vấn đề nhưng không có giải pháp đột phá thì chưa nên lựa chọn khởi nghiệp", ông Hùng nói.
Ông Hùng cho rằng, sinh viên có thể khởi nghiệp theo hai hướng gồm độc lập tạo ra các sản phẩm, dịch vụ bảo mật hoàn toàn mới hoặc theo những người tiên phong để ứng dụng công nghệ sẵn có, giải quyết vấn đề an ninh mạng.
Còn theo ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, việc xây dựng ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực này nên xuất phát từ nhu cầu xã hội chứ không phải bài toán kinh doanh. CEO Bkav gợi ý sinh viên nếu muốn theo đuổi lĩnh vực an toàn không gian mạng, trước tiên cần rèn luyện tư duy logic để xác định vấn đề, kết hợp việc học tốt các kiến thức nền tảng trên nhà trường để hiểu được những bài toán căn bản nhất của an toàn thông tin từ phát hiện lỗ hổng đến tìm cách khắc phục.
Theo báo cáo xếp hạng An toàn Thông tin Toàn cầu năm 2020 (GCI) Việt Nam vươn lên vị trí thứ 25 trong 194 quốc gia, đứng 7 trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, và thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.
Đại diện Làng công nghệ an toàn không gian mạng, ông Trương Đức Lượng, Tổng Giám đốc VSEC bày tỏ mong muốn đặt những viên gạch đầu tiên trong công cuộc xây dựng nền tảng cho hệ sinh thái An toàn không gian mạng tại Việt Nam, thúc đẩy, sản xuất nhiều hơn nữa sản phẩm, dịch vụ cho ngành an toàn thông tin trong nước và quốc tế.
"Làng sẵn sàng tạo điều kiện và hỗ trợ cho các ý tưởng, dự án bảo vệ an ninh mạng của cá nhân, sinh viên nếu muốn phát triển thành bản prototype hoặc muốn tìm cách thương mại hóa để người dùng trải nghiệm", ông Lượng nói.
Trước đó, liên quan tới vấn đề sinh viên khởi nghiệp, ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc điều hành BK Fund, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách Khoa Hà Nội chia sẻ rằng, sinh viên các trường đại học ngoài trang bị ngoài kiến thức được đào tạo thì cần được bổ sung rất nhiều loại “vốn”.
“Đầu tiên là tài chính, tức là khởi nghiệp cần có tiền. Khởi nghiệp không đồng thực ra chỉ là một khẩu hiệu để thúc đẩy khởi nghiệp. Trên thực tế, muốn khởi nghiệp hiệu quả thì nhóm nghiên cứu bắt buộc có vốn, có nguồn tài chính. Thứ hai là vốn thương trường, tức là am hiểu, nhạy bén nắm bắt cơ hội ở thương trường.
Thứ ba là vốn xã hội, tức là khởi nghiệp thì phải có những trang bị về cách ứng xử, giao tiếp, quan hệ để tìm được những người đồng sáng lập, đối tác, cố vấn và nhà đầu tư đồng hành. Và cuối cùng, quan trọng hơn hết chính các bạn sinh viên cần có tinh thần khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp là chủ động nhìn thấy vấn đề, giải quyết vấn đề và tìm ra nguồn lực để thực hiện đưa những ý tưởng, sáng tạo vào thực tế.
Câu chuyện khởi nghiệp trong trường đại học hiện nay điểm nhấn chính là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của các bạn sinh viên. Sinh viên rời ghế nhà trường sẽ trở thành trí thức của xã hội. Nếu khởi nghiệp sáng tạo được đẩy mạnh ngay thời gian học tập tại trường đại học thì sẽ có thêm nhiều trí thức được trang bị tinh thần khởi nghiệp phát triển đất nước trong tương lai.
Bảo Lâm