Tiêu chuẩn phục vụ cho các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) – Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn
Mỗi năm, người đứng đầu của ba tổ chức đều thống nhất đưa ra một chủ đề chung cho ngày Tiêu chuẩn Thế giới. Chủ đề của năm 2021 là Tiêu chuẩn phục vụ cho các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) – Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn (Standards for SDGs – Our shared vision for a better world) nhằm nhấn mạnh vai trò của tiêu chuẩn là công cụ; là cách thức giúp các Chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan góp phần đạt các mục tiêu phát triển của Liên hiệp quốc.
Chào mừng Kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới năm nay (14/10/2021), Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hoàng Linh – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để đánh giá về vai trò của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công tác xây dựng và ban hành thời gian qua, cũng như những định hướng phát triển trong giai đoạn mới.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vai trò của Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với việc phát triển kinh tế-xã hội đất nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay?
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) là cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế-xã hội, hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trở thành một bộ phận không thể tách rời của hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý kinh tế-xã hội trên tiến trình hội nhập sâu rộng vào các thị trường quốc tế hiện nay. Tiêu chuẩn là công cụ và phương tiện quan trọng để đảm bảo duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, thương mại trong nước và quốc tế.
Hệ thống TCVN được phát triển theo hướng tăng cường hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài tiên tiến (ưu tiên cam kết hài hòa tiêu chuẩn trong ISO, IEC, ITU, Codex, CEN/CENELEC, APEC)… đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, đảm bảo an toàn, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ. Do vậy, các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu theo TCVN cũng có chất lượng tương đương với các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn châu Âu và các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản… được thị trường thế giới chấp nhận.
Bên cạnh đó, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế là một công cụ quản lý hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế về quản lý sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định, xây dựng, triển khai hiệu quả các chính sách công và các chương trình mục tiêu quốc gia, như chương trình hiệu suất năng lượng, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu truyền thống (khí thiên nhiên CNG/LNG, pin mặt trời, nhiên liệu sinh học…), thúc đẩy sử dụng, nhiên liệu tái chế giảm ô nhiễm môi trường sinh thái (tro xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất làm nguyên liệu vật liệu xây dựng, giao thông vận tải), phục vụ công tác đo kiểm, đánh giá, xử lý ô nhiễm (như xử lý ô nhiễm tại các khu công nghiệp tập trung sản xuất thép, nguyên liệu dệt may – da giầy…) là những vấn đề được nhà nước, xã hội, người dân quan tâm.
Việc xây dựng và công bố TCVN trong những năm qua đã giúp cho hệ thống TCVN ngày càng được hoàn thiện mà cụ thể là tăng cả về số lượng, chất lượng và đảm bảo tính đồng bộ. Đến nay, Bộ KH&CN đã công bố hơn 13.000 TCVN với tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực là hơn 60%, đã bao trùm hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp chủ động tăng cường năng lực và chuẩn bị các giải pháp, chiến lược tốt nhất trong việc tuân thủ các quy tắc và quy định đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng trong thương mại hóa toàn cầu.
Hệ thống TCVN cũng đã hỗ trợ trong công tác xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN). Đến nay, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã ban hành khoảng 800 QCVN. Các quy chuẩn kỹ thuật quốc này đã trở thành công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, hỗ trợ quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khoẻ cho con người; bảo vệ động vật, thực vật và môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xã hội.
Thưa ông, Ngày Tiêu chuẩn Thế giới năm nay với thông điệp Tiêu chuẩn phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững, vậy ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa cũng như định hướng của thông điệp này?
Từ năm 1970, ba tổ chức: Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC), Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đã thống nhất lấy ngày 14 tháng 10 hàng năm là Ngày Tiêu chuẩn Thế giới. Đây là ngày hội truyền thống của những người làm công tác tiêu chuẩn trên toàn cầu. Cũng là dịp để tôn vinh lợi ích to lớn của hoạt động tiêu chuẩn hóa trong đời sống kinh tế – xã hội.
Mỗi năm, người đứng đầu của ba tổ chức đều thống nhất đưa ra một chủ đề chung cho ngày Tiêu chuẩn Thế giới. Chủ đề của năm 2021 là Tiêu chuẩn phục vụ cho các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) – Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn nhằm nhấn mạnh vai trò của tiêu chuẩn là công cụ; là cách thức giúp các Chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan góp phần đạt các mục tiêu phát triển của Liên hiệp quốc. Đó là những mục tiêu toàn cầu, là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hiệp quốc.
Mới đây nhất, ngày 25/9/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 136/NQ-CP về phát triển bền vững. Theo đó, mục tiêu tổng quát là duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, công bằng, dân chủ, văn minh và bền vững. Nghị quyết nhằm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các ngành, các cấp và các địa phương đến năm 2030.
Liên quan đến chính sách về tiêu chuẩn hóa, Nghị quyết số 136/NQ-CP đặt ra các mục tiêu như hoàn thành xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới để đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế; quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn Việt Nam và thông lệ quốc tế; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động ứng dụng và phát triển các công nghệ cao, công nghệ chủ chốt, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tiêu chuẩn có mặt ở mọi nơi và đóng góp những công cụ hữu hiệu, hỗ trợ cả ba trụ cột của phát triển bền vững, đó là:
– Kinh tế: Tiêu chuẩn thúc đẩy kinh tế bền vững bằng cách tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, cải thiện cơ sở hạ tầng chất lượng quốc gia và hỗ trợ thực hành kinh doanh bền vững. Bao gồm mọi khía cạnh từ các phương pháp canh tác hiệu quả đến hệ thống quản lý chống hối lộ.
– Xã hội: Tiêu chuẩn thúc đẩy xã hội bền vững bằng cách giúp cả quốc gia và cộng đồng cải thiện sức khỏe và hạnh phúc. Chúng bao gồm tất cả các khía cạnh của phúc lợi xã hội, từ hệ thống chăm sóc sức khỏe và các sản phẩm liên quan đến hòa nhập xã hội và khả năng tiếp cận.
– Môi trường: Tiêu chuẩn thúc đẩy môi trường bền vững bằng cách giúp các doanh nghiệp và các quốc gia quản lý tác động môi trường. Chúng bao gồm các khía cạnh như áp dụng hệ thống quản lý môi trường, đo lường và giảm phát thải khí nhà kính và tiêu thụ năng lượng, đồng thời khuyến khích tiêu dùng có trách nhiệm.
Qua thông điệp “Tiêu chuẩn phục vụ cho các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) – Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn”, ba tổ chức muốn truyền tải ý nghĩa chính sau:
Tiêu chuẩn cung cấp những giải pháp để giải quyết các thách thức liên quan đến các SDG (mục tiêu phát triển bền vững);
Tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên sự hợp tác (thế giới không thể đạt được các SDG một cách đơn độc);
Tiêu chuẩn có thể giúp chúng ta gây dựng và phục hồi mọi thứ trở lại tốt đẹp hơn (COVID-19 đã làm gia tăng tính cấp thiết phải đạt được các SDG).
Để xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn khá đầy đủ như hiện nay chúng ta không thể không nhắc đến vai trò của các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia. Vậy ông có nhận định như thế nào về sự đóng góp của đội ngũ này trong công tác tiêu chuẩn hóa của Việt Nam?
Hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn của Việt Nam đã được thực hiện từ năm 1993 theo Quyết định số 46/QĐ-TĐC ngày 19 tháng 3 năm 1993 Quy chế tạm thời về hoạt động của Ban kỹ thuật. Đến năm 2007, thực hiện Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 22/2007/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia. Đến nay, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thành lập được trên 139 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và 54 tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, trong đó khoảng trên 90 Ban kỹ thuật tương đương với các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế của ISO.
Đồng thời với việc tham gia vào hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, các thành viên BKT còn có trách nhiệm góp ý các tiêu chuẩn quốc tế trong một số lĩnh vực mà Việt Nam tham gia với tư cách thành viên tham gia (thành viên P). Hiện tại, Việt Nam tham gia thành viên P của 23 Ban kỹ thuật và tiểu Ban kỹ thuật quốc tế ISO và IEC (trong đó có 20 Ban kỹ thuật và tiểu Ban kỹ thuật quốc tế của ISO và 3 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế IEC); thành viên O (quan sát viên) đối với 72 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế của ISO.
Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia rất tích cực trong quá trình xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm CODEX. Trung trình mỗi năm Việt Nam góp ý cho khoảng 400 lượt yêu cầu/dự thảo tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC mà Việt Nam tham gia thành viên P.
Với tổng số hơn 180 (ban kỹ thuật, tiểu ban kỹ thuật), số lượng chuyên gia là thành viên lên đến 1.000 người, đều là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chuyên môn của BKT. Về trình độ, thống kê sơ bộ, số lượng thành viên có học vị tiến sỹ chiếm khoảng 23%, thành viên có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư chiếm khoảng 16%. Còn lại đều có trình độ Thạc sỹ, kỹ sư, cử nhân thuộc các chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực tiêu chuẩn hóa của BKT, tiểu BKT.
Đây đều là các chuyên gia có kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu đã và đang hoạt động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… các viện nghiên cứu, trường đại học lớn, có tên tuổi trong nước. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của đội ngũ thư ký BKT có kinh nghiệm và am hiểu về nghiệp vụ.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2010-2020, trung bình mỗi năm, các BKT đã tham gia xây dựng, soát xét, sửa đổi khoảng 500 TCVN thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ KH&CN, tham gia thẩm định từ 300-500 dự thảo TCVN do các Bộ, ngành khác chủ trì xây dựng. Số lượng QCVN được biên soạn, thẩm định cũng tăng đáng kể trong những năm gần đây.
Tỷ lệ hài hòa TCVN với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài đã có mức tăng vượt bậc. Sau 10 năm triển khai Chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam”, tỷ lệ hài hòa TCVN đã tăng hơn 20%, cụ thể, hiện nay tỷ lệ hài hòa đã đạt hơn 60% so với con số dưới 40% ở giai đoạn trước 2010.
Điều này cũng thể hiện hiệu quả của Chương trình khi đặt ra mục tiêu ưu tiên và nâng tỷ lệ hài hòa TCVN với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài, đặc biệt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và sự phát triển nhanh chóng của KH-CN hiện nay. Kết quả này cũng có phần đóng góp của các nhiệm vụ đào tạo với sự tham gia giảng dạy, hướng dẫn của chuyên gia ISO, IEC hướng vào mục tiêu giúp nâng cao năng lực của cơ quan tiêu chuẩn hóa (TCH) quốc gia, đẩy mạnh sự tham gia TCH quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là trong những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh.
Thời gian xây dựng, thẩm định TCVN (trung bình) đã được rút ngắn, mức độ chuyên nghiệp thể hiện rõ nét hơn. Thông thường, một TCVN phải mất 12 tháng để hoàn thành đủ các bước của quá trình xây dựng, tuy nhiên, hiện nay sau khi kế hoạch được chính thức phê duyệt, đa phần việc hoàn thiện một dự thảo TCVN chỉ mất từ 7-9 tháng. Đặc biệt là công tác thẩm định dự thảo TCVN do các Bộ, ngành khác xây dựng, trình Bộ KH&CN thẩm định, thời gian thẩm định cũng đã được rút ngắn đáng kể do chất lượng dự thảo, hồ sơ TCVN trình thẩm định đã được cải thiện. Các Bộ, ngành chủ trì đã nắm vững hơn về các qui định nghiệp vụ thông qua các khóa đào tạo được triển khai trong khuôn khổ Chương trình.
Số lượng Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia được kiện toàn, thành lập mới cho các lĩnh vực mới tăng lên. Hàng năm có từ 05 đến 15 Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia được kiện toàn và thành lập mới. Hình thành thêm nhiều lĩnh vực TCH mới phục vụ cho các đối tượng như sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, giao thông thông minh, năng lượng tái tạo, tái sử dụng nước, logistics, truy xuất nguồn gốc… cho thấy TCH luôn nỗ lực để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội cũng như theo kịp xu thế hội nhập, đón dầu những bước tiến của KH-CN trong nước và thế giới.
Thời gian qua, hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, vậy thưa ông, chúng ta đã có những định hướng chiến lược gì cho việc phát triển trong thời gian sắp tới (có thể là định hướng 2020 – 2030)?
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, trong thời gian qua hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức. Đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh Covid 19 diễn biễn phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống KTXH…
Mặt khác, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới suy giảm, nhiều nước tăng cường các biện pháp kỹ thuât bảo hộ thương mại trong nước thông qua xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thế hệ mới với nhiều yêu cầu kỹ thuật khắt khe hơn, gây khó khăn cho hàng hóa nhập khẩu.
Nhận thức được thách thức này, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ 2021 – 2030 của Chính phủ đã giao nhiệm vụ đối với ngành khoa học và công nghệ nói chung và tiêu chuẩn đo lường chất lượng nói riêng nhiệm vụ: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”.
Với thực trạng và căn cứ pháp lý nêu trên, định hướng hoạt động tiêu chuẩn hóa cấp quốc gia trong thời gian tới là rất cần thiết với một số nội dung chính như sau:
Thứ nhất, xây dựng Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia gắn chặt với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đến 2030.
Nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng tận dụng tối đa các thuận lợi của Việt Nam trong quá trình thực hiện các FTA thế hệ mới. Tạo lập hạ tầng tiêu chuẩn tiên tiến, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất phục vụ cộng đồng doanh nghiệp đi tắt đón đầu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo; thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và Liên hiệp quốc.
Thứ 2, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động tiêu chuẩn, gắn chặt với Doanh nghiệp, lấy Doanh nghiệp làm trung tâm.
Xây dựng các nhóm TCVN cốt lõi phục vụ trực tiếp cho hoạt động của doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế hỗ trợ, thu hút, khuyến khích doanh nghiệp trực tiếp xây dựng TCVN nhằm hướng hệ thống TCVN gắn kết hữu cơ hơn với nền kinh tế thị trường, đáp ứng kịp thời những yêu cầu, đòi hỏi khách quan từ thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ 3, tăng cường nguồn lực Tiêu chuẩn hóa quốc gia.
Đổi mới tổ chức, hoạt động Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, cải tiến quy trình xây dựng, thẩm định, công bố TCVN. Tăng cường áp dụng các công cụ, giải pháp CNTT vào hoạt động ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia gắn kết với Ban kỹ thuật của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế; đẩy mạnh biện pháp bảo vệ bản quyền tiêu chuẩn quốc tế, xuất bản phát hành TCVN;
Tăng cường hợp tác đa phương, khu vực, song phương (ISO, IEC, ITU, Codex, APEC, ASEAN, PASC…) trong hoạt động xây dựng tiêu chuẩn;
Tăng cường đào tạo đội ngũ chuyên gia trẻ về tiêu chuẩn hóa để chuẩn bị lực lượng kế cận cho cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia, các ban kỹ thuật, doanh nghiệp, đồng thời kết hợp kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực tham gia đào tạo và xây dựng tiêu chuẩn.