Các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam: Hỗ trợ mạnh mẽ để sinh viên khởi nghiệp
Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp trong sinh viên tại các cơ sở giáo dục đại học ở các tỉnh, thành phố phía Nam ngày càng phát triển và đạt hiệu quả cao.
Nhóm sinh viên Đại học Nguyễn Tất Thành thuyết trình Dự án Ứng dụng bột tảo Spirulina làm thức ăn cho tôm và cải tạo môi trường, giành giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia năm 2020.
Tuy nhiên, để khởi nghiệp trở thành nhu cầu tự thân trong sinh viên, không chỉ là phong trào, thì các nhà trường, các cấp, các ngành cần hỗ trợ mạnh mẽ để cổ vũ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên.
Những hiệu quả bước đầu
Khu vực phía Nam hiện có gần 150 trường đại học, cao đẳng. 70% trong số này đã thành lập các trung tâm khởi nghiệp. Điển hình, Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ từ năm 2010, nhằm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Hơn 10 năm hoạt động, "vườn ươm" này đã có nhiều dự án đoạt giải quốc gia, như: “Mô hình trồng nấm rơm kết hợp trồng rau sạch từ phụ phẩm nông nghiệp” đoạt giải Ba trong cuộc thi chung kết khởi nghiệp quốc gia năm 2017; ý tưởng “Sản phẩm cao cấp từ hoa và búp thanh long” đoạt giải Nhì trong cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2019.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, từ những ý tưởng được ươm tạo đã hình thành nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên như Công ty Nông Lâm Food, Công ty TNHH công nghệ cao Namix… với những sản phẩm tiêu biểu như nấm linh chi Nông Lâm, đông trùng hạ thảo, các sản phẩm sấy từ vỏ bưởi…
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã thành lập Trung tâm Sáng tạo và ươm tạo doanh nghiệp từ năm 2015. Từ năm học 2017-2018, nhà trường đưa môn khởi nghiệp vào chương trình đào tạo. Hằng năm, nhà trường trích ra hơn 2 tỷ đồng để hỗ trợ các chương trình khởi nghiệp của sinh viên.
Thạc sĩ Nguyễn Bá Anh, Phó phòng Truyền thông - Tuyển sinh nhà trường cho biết, một trong những sản phẩm của trung tâm là dự án sản xuất "Bột tảo Spirulina làm thức ăn cho tôm và cải tạo môi trường" do nhóm sinh viên Khoa Công nghệ sinh học triển khai và xuất sắc trở thành quán quân của cuộc thi “Khởi nghiệp quốc gia năm 2020”. Hiện dự án đang thử nghiệm ở tỉnh Bến Tre, mang lại hiệu quả kinh tế, môi trường cao.
Tương tự, tại Trường Đại học Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai), từ năm 2015 đến nay có hơn 3.000 sinh viên nhà trường đã tham gia nhiều cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp. Tiến sĩ Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, ngày 31-10 vừa qua, nhóm sinh viên Khoa Cơ điện - Điện tử nhà trường với sản phẩm “Thiết bị hỗ trợ xe lăn AutoMov” đã vượt qua 320 dự án trên toàn quốc và giành giải Nhất cuộc thi trực tuyến “Ý tưởng khởi nghiệp - CiC 2021” do Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức.
Cần hỗ trợ từ nhiều phía
Sinh viên Lê Phương Chi (Khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) chia sẻ: "Phong trào khởi nghiệp sôi nổi ngay trong các trường sẽ tạo thêm động lực để sinh viên sáng tạo. Chúng em rất mong nhà trường làm cầu nối để liên kết ý tưởng sáng tạo của sinh viên với các nguồn lực tài chính, nhằm biến những ý tưởng đó thành các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong tương lai".
Về vấn đề này, theo Tiến sĩ Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, đây cũng là một trong những trọng tâm mà nhà trường đang tiến hành để phát huy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên. Nhà trường đã ký kết hợp tác với hơn 2.000 doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực để hỗ trợ ươm tạo và phát triển các ý tưởng khởi nghiệp.
"Hiện vẫn còn vướng mắc cơ chế trong việc thành lập doanh nghiệp ngay trong trường đại học để kết nối nguồn lực hay thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, bao gồm cả ý tưởng khởi nghiệp. Chúng tôi rất mong cơ quan quản lý nhà nước sớm gỡ khó cho mô hình này", Tiến sĩ Trần Ái Cầm nói.
Còn Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước thiết lập thêm cơ chế chính sách để kết nối doanh nhân với các trường đại học trong hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, từ khi lên ý tưởng, ươm tạo ý tưởng, kết nối nguồn lực và phát triển ý tưởng thành dự án, bao tiêu sản phẩm..., tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo rộng khắp và hiệu quả hơn.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, trong thời gian tới, các trường đại học cần tăng cường thúc đẩy mô hình khởi nghiệp của giảng viên và sinh viên, coi đây là nhiệm vụ chứ không chỉ là phong trào. Đặc biệt, trường đại học phải là nơi cung cấp thông tin, tạo môi trường, tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, hình thành văn hóa khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, liên kết với các doanh nghiệp để hỗ trợ phát triển tài năng của sinh viên.
https://khoinghiep.org.vn (ctngoc)