Sửa đổi tiêu chuẩn về Ghi nhãn Thực phẩm
Nhật Bản gửi thông báo số G/TBT/N/JPN/675 đến các nước thành viên WTO về việc đưa ra Dự thảo Sửa đổi Tiêu chuẩn về Ghi nhãn Thực phẩm.
Cụ thể, trong quy định hiện hành, đối với gạo chưa đánh bóng hoặc gạo đã đánh bóng, chỉ có thể ghi nhãn nơi sản xuất, giống và năm sản xuất nếu được sản xuất từ gạo thô chưa đánh bóng có cùng nơi sản xuất, giống và năm sản xuất; và nếu được chứng nhận bởi Đạo luật Kiểm tra Sản phẩm Nông nghiệp (Đạo luật số 144 năm 1951) đối với sản phẩm nội địa, hoặc được chứng nhận bởi các tổ chức công nhận của nước xuất khẩu đối với sản phẩm nhập khẩu.
Để phù hợp với tình hình thực tế, Nhật Bản sẽ sửa đổi Tiêu chuẩn ghi nhãn thực phẩm để cho phép ghi nhãn nơi sản xuất, giống và năm sản xuất đối với gạo chưa đánh bóng hoặc gạo đã đánh bóng mà không có chứng nhận nêu trên, và bắt buộc những người kinh doanh liên quan đến thực phẩm phải lưu trữ các tài liệu làm cơ sở để ghi nhãn. Mục đích của dự thảo nhằm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng.
Ảnh minh họa
Trước đó, Trung Quốc gửi thông báo số G/TBT/N/CHN/1516 đến các nước thành viên WTO quy định áp dụng cho quần áo bảo hộ chống hóa chất độc hại (Tiêu chuẩn Quốc gia của P.R.C Quần áo Bảo hộ, Quần áo Bảo vệ Hóa chất).
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu về phân loại, đánh dấu và ghi nhãn quần áo bảo hộ chống hóa chất và thiết lập các yêu cầu kỹ thuật, các phương pháp thử; không quy định các yêu cầu về chỉ số tính năng của thiết bị bảo vệ cá nhân như găng tay, ủng/giày bảo hộ, mặt nạ bảo hộ, kính bảo hộ và thiết bị thở, trừ khi thiết bị bảo hộ đó là bộ phận không thể thiếu của quần áo bảo hộ và cung cấp tính năng bảo vệ chống hóa chất tương ứng.
Quy định này áp dụng cho quần áo bảo hộ chống hóa chất cần thiết cho nhân viên tại nơi làm việc và công việc cứu hộ khẩn cấp; không áp dụng cho quần áo bảo hộ chống hóa chất dùng trong chữa cháy. Mục đích của tiêu chuẩn nhằm phòng chống các hành vi lừa đảo và bảo vệ người tiêu dùng.