SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Họp Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả nhiệm vụ KH&CN cấp quận "Ứng dụng hệ thống lọc sinh học tuần hoàn nước trong ương giống và nuôi thương phẩm lươn đồng (Monopterus albus) tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ”

[06/12/2021 14:42]

Chiều ngày 01/12, Phòng Kinh tế quận Ninh Kiều tổ chức họp Hội đồng khoa học và công nghệ tư ấn đánh giá nghiệm thu Dự án: "Ứng dụng hệ thống lọc sinh học tuần hoàn nước trong ương giống và nuôi thương phẩm lươn đồng (Monopterus albus) tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ" do ThS. Nguyễn Thanh Hiệu làm chủ nhiệm. Trường Đại học Cần Thơ là đơn vị chủ trì.

Lươn thương phầm nuôi trong bể xi măng bằng thức ăn công nghiệp, sử dụng giá thể dây ni lông và hệ thống lọc tuần hoàn nước.

Dự án thực hiện với mục tiêu ứng dụng hệ thống lọc sinh học tuần hoàn nước trong ương giống và nuôi thương phẩm lươn đồng, nhằm tạo ra nguồn lươn giống và lươn thịt đạt chất lượng, an toàn và ổn định. Đồng thời, đa dạng hoá mô hình nuôi thuỷ sản ứng dụng công nghệ mới, giúp tiết kiệm nguồn nước ngọt, ít phát thải ra môi trường xung quanh.

Mô hình ương lươn giống bột lên lươn giống cỡ nhỏ (1,5 g/con) và lươn giống cỡ lớn (3-5 g/con) trong các bể nhựa, sử dụng hệ thống lọc sinh học tuần hoàn nước

Nội dung thực hiện của dự án bao gồm: Xây dựng mô hình ương lươn bột lên lươn giống cỡ nhỏ (1,5 g/con) và lươn giống cỡ lớn (3-5 g/con) trong các bể nhựa, sử dụng hệ thống lọc sinh học tuần hoàn nước 1-2 m3 nước/hệ thống; Nuôi thương phẩm lươn đồng trong bể xi măng quy mô 6 m2/bể, kết hợp hệ thống lọc sinh học tuần hoàn nước, với mật độ thả nuôi 200 con/m2 bằng thức ăn công nghiệp 41% đạm. 

Bể nhựa ương ương lươn giống sử dụng giá thể dây ni lông và hệ thống lọc sinh học tuần hoàn nước.

Kết quả Dự án ghi nhận mô hình ương lươn bột lên lươn giống cỡ nhỏ (1,5 g) ở mật độ 100 con/L đạt tỷ lệ sống từ 72,4 – 92,6%, khối lượng trung bình là 1,62 g/con, năng suất đạt 0,073-0,162 kg/L. Tiếp tục ương lên lươn giống cỡ lớn, lươn giống đạt khối lượng 3,52-4,45 g/con sau 45 ngày ương, tỷ lệ sống từ 82,7-89,9%, năng suất đạt 7,3-11 kg/m3, hệ số thức ăn từ 0,72-0,78 và tỉ suất lợi nhuận từ 22,6-51,4%. Đối với mô hình nuôi thương phẩm sau 08 tháng nuôi, khối lượng lươn thương phẩm đạt 152-235 g/con, tỉ lệ sống từ 75,4-89,6%, năng suất lươn thương phẩm đạt 24,7-42,2 kg/m2, tỉ suất lợi nhuận của mô hình trung bình là 25,9%. Lươn thương phẩm được kiểm nghiệm đảm bảo không chứa kháng sinh, hoá chất cấm theo quy định an toàn vệ snh thực phẩm. Mô hình nuôi lươn trong hệ thống lọc tuần hoàn sử dụng dao động 0,73-0,91 m3 nước/kg lươn thương phẩm, tiết kiệm so với phương thức nuôi thay nước là 8,78 m3/kg lươn.

Đồng thời, thông qua lớp tập huấn kỹ thuật của dự án, có thêm 06 hộ dân thực hiện nhân rộng mô hình ương và nuôi thương phẩm lươn đồng trong hệ thống lọc sinh học tuần hoàn nước.   

Hội đồng đã thống nhất nghiệm thu Dự án với xếp loại Đạt.

Sở KH&CN Cần Thơ (Ngọc Duyên)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ