Cà phê Việt Nam trên đường khẳng định thương hiệu
Trong những năm gần đây, cà phê nước ta liên tục đứng vào top 5 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD/ năm. Riêng năm 2011 cà phê xuất khẩu đã đạt lên con số 2,5 tỷ USD.
Tuy vậy, xét về tiềm lực của ngành cà phê ở nước ta thì
giá trị đó vẫn chưa tương xứng; nguyên nhân là cà phê nước ta luôn bị "lép
vế” trên thị trường nước ngoài. Muốn khắc phục tình trạng này, ngành cà phê
nước ta đang tính đến việc sản xuất và chế biến cà phê mang tính bền vững, cà
phê sạch.
Những người rành về cà phê ai cũng đều biết rằng cà phê tốt
không còn chỉ là vấn đề hương vị, chất lượng và giá cả; ngày nay người tiêu
dùng ngày càng đòi hỏi cà phê họ tiêu dùng phải được trồng một cách có trách
nhiệm và họ mong muốn các nhà trồng trọt và chế biến cà phê đảm bảo rằng cà phê
họ dùng là cà phê sạch.
Tại tỉnh Đắc Lắc, vài năm gần đây người trồng cà phê đã làm
quen với việc sản xuất cà phê bền vững, đặc biệt là từ khi chương trình chứng
nhận cà phê toàn cầu được triển khai tại Đắc Lắc. Với sản phẩm cà phê được cấp
giấy chứng nhận của các tổ chức UTZ, 4C hoặc Rainforest thì thương hiệu cà phê
đã được khẳng định là cà phê sạch, giấy chứng nhận giúp người tiêu dùng biết
chính xác cà phê có xuất xứ từ đâu và nó được sản xuất một cách có trách nhiệm.
Người trồng cà phê buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt qui trình canh tác, sản xuất
cà phê sạch được đơn vị giám sát hướng dẫn và triển khai cho nông dân.
Những điểm cơ bản của chương trình này là: Đảm bảo cà phê
được trồng trên các trang trại mà ở đó sử dụng nông hoá phẩm một cách hợp lý.
Đặc biệt, trong chương trình sản xuất cà phê bền vững vấn đề xã hội được quan
tâm, công nhân và gia đình họ có nhà ở thích hợp, được chăm sóc sức khoẻ, được
đi học và được đào tạo, cũng như các quyền lao động của họ được bảo vệ. Khi thu
hái cà phê, nông dân phải thu hái ít nhất 95% quả chín, tuyệt đối không có quả
non, sau đó chọn ra 100% trái cà phê chín cho các nhà máy chế biến. Để tạo điều
kiện cho nông dân thực hiện tốt việc thu hái cà phê bảo đảm chất lượng, các đơn
vị giám sát hỗ trợ 600 đồng/1kg nhằm hỗ trợ cho những nhân công thu hái.
Sau 5 năm thực hiện chương trình cà phê bền vững tại Việt
nam, các tổ chức như UTZ, 4C và Rainforest đã cấp chứng nhận cho hơn 40 ngàn ha
cà phê tại nước ta, trong đó tỉnh Đắc Lắc chiếm hơn 2/3 diện tích.
Ngoài các doanh nghiệp sản xuất cà phê như Phước An, Thắng
Lợi... một số doanh nghiệp kinh doanh cà phê được hỗ trợ của Nhà nước cũng tham
gia liên kết với nông dân để tạo nguồn nguyên liệu cà phê sạch.
Được biết hiện nay 80% diện tích cà phê là do nông hộ quản
lý, trực tiếp canh tác. Chính vì vậy, các đơn vị quản lý nhà nước, các doanh
nghiệp tập trung hỗ trợ nông dân để người sản xuất được hưởng những quyền lợi
về mọi mặt; không vì lợi nhuận mà xem nhẹ quyền lợi của nông dân, xem nhẹ việc
bảo vệ môi trường cũng như những vấn đề xã hội khác. Được sự quan tâm của Nhà
nước, của doanh nghiệp, nông dân trồng cà phê trong thời gian qua đã góp phần
tạo nên thương hiệu cà phê Việt nam trên thị trường thế giới trong sự cạnh
tranh khốc liệt với hai thương hiệu cà phê khác trên thế giới là Brazil và
Indonesia.