Lửng lơ số phận thương hiệu Việt sau các thương vụ M&A
Trong khi nhiều thương hiệu Việt tiếp tục trở thành đích ngắm trong các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A), thì câu hỏi về giá trị thương hiệu Việt bao giờ mới xứng tầm quốc tế vẫn còn bỏ ngỏ.
Đang mạnh vẫn bán
Tư duy quen thuộc khi nói đến các thương vụ M&A là các
doanh nghiệp bị rao bán thường gặp khó khăn, hoặc hoạt động không hiệu quả,
nhưng vẫn nhìn thấy tương lai, tiềm năng phát triển phía trước.
Nhưng với trường hợp của Công ty cổ phần Diana - một thương
hiệu dẫn đầu ngành hàng tiêu dùng Việt Nam, thì khác. Công ty vẫn đạt tăng
trưởng hơn 45% trong năm 2011, so với tăng trưởng bình quân 30% các năm trước
của công ty này và mức trung bình khoảng 20% của ngành hàng tiêu dùng.
Đặc biệt, Diana có hai giá trị lớn mà đối tác nhìn thấy, là
vị thế thương hiệu và hệ thống kênh phân phối (hiện có tới hơn 30.000 cửa hàng,
siêu thị, chiếm 40% thị phần băng vệ sinh và 30% thị phần tã giấy).
Vì thế, thương vụ Diana bán 95% cổ phần cho Unicharm (Nhật
Bản) với mức giá 184 triệu USD đã thay đổi cách nhìn về M&A, rằng thương vụ
lớn vẫn có thể “nổ” ra với một doanh nghiệp đang phát triển mạnh mẽ.
Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, năm 2011 còn một thương vụ
thâu tóm nổi bật nữa là Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer)
chính thức nắm đến 50,11% cổ phần của Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa (VCF).
Vinacafé Biên Hoà đã có bề dày hoạt động 30 năm, hiện chiếm
khoảng 50% thị phần cà phê hoà tan trong nước và duy trì tốc độ tăng trưởng
bình quân từ 20 - 30%/năm liên tục những năm gần đây và đang có kế hoạch đầu tư
thêm nhà máy, nâng cao công suất.
Như vậy, so với các công ty cùng ngành, VCF có kết
quả hoạt động tốt, đặc biệt là có lượng tiền mặt dồi dào. Song dưới góc nhìn
của Masan và giới phân tích thị trường, VCF chưa đa đạng về sản phẩm; chưa tận
dụng được lợi thế thương hiệu để chiếm lĩnh thị phần, quy mô công ty nhỏ so với
quy mô thị trường để đảm bảo duy trì vị thế và khả năng cạnh tranh. Đó là lý do
khiến Masan quyết định mở hầu bao, với kỳ vọng khai thác tốt hơn những gì VCF
đang có.
Lửng lơ thương hiệu Việt
Điểm tương đồng ở những thương vụ trên là, quá trình thâu
tóm diễn ra “nhẹ nhàng”, bởi bên bán có tâm lý như được “cởi trói”, tin tưởng
rằng, bên mua sẽ thúc đẩy các hoạt động sản xuất và kinh doanh của mình lên một
tầm cao mới.
Với thương vụ Diana - Unicharm, ông Đỗ Anh Tú, Tổng giám đốc
Diana, vẫn làm CEO cho Diana 2 năm nữa để đảm bảo cho thương hiệu này phát
triển mạnh tại Việt Nam. Ông Tú, hơn ai hết là người hiểu rõ nhất sản phẩm
Diana rất có giá trị về mặt thương hiệu. Song, với điều kiện kinh tế vĩ mô Việt
Nam hiện nay, việc phát triển và khẳng định thương hiệu ra toàn cầu là điều
không dễ. Chỉ có cách bán cho công ty đa quốc gia mới hy vọng đạt được mục tiêu
đó. Điều ông Tú mong mỏi nhất là, khi nhắc đến Diana, người tiêu dùng biết ngay
đó là thương hiệu toàn cầu có xuất xứ từ Việt Nam.
Sau thương vụ này không lâu, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết
định bán nốt 50% cổ phần, với giá 93 triệu USD cho Tập đoàn Carlsberg (Đan
Mạch), nhằm giải bài toán cạnh tranh đối đầu trực tiếp với các đối thủ và vốn
đầu tư. Ông Nguyễn Mậu Chi, Tổng giám đốc Công ty Bia Huế (Huda) cho biết, tỉnh
Thừa Thiên Huế có ra điều kiện là Carlsberg phải đầu tư thêm để nâng công suất,
phát triển thương hiệu và thị trường.
Phía Carlsberg hiện cũng chưa có động thái cụ thể gì liên
quan đến việc thay đổi thương hiệu bia Huda, vốn rất gắn bó với người dân khu
vực miền Trung từ thời bao cấp. Trong nhiệm kỳ 2011 – 2016, hầu hết bộ máy lãnh
đạo, nhân lực và hệ thống phân phối của bia Huế sẽ được giữ như hiện nay. Dù
vậy, từ năm 2017 trở đi, sự thanh lọc thương hiệu Bia Huế sẽ diễn ra quyết liệt
hơn và không ai biết trước số phận thương hiệu Việt này sẽ ra sao.
Bài học về thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan (Công ty TNHH
Hóa mỹ phẩm Sơn Hải) vẫn còn đó. Thương hiệu thuần việt này từng làm mưa làm
gió trên thị trường nội địa nhưng khi được bán cho Colgate Palmolive năm 1995,
với giá trị hơn 3 triệu USD thì Dạ Lan chỉ tồn tại được vài tháng. Năm 2009,
thương hiệu này “tái xuất giang hồ” sau gần 15 năm mai danh ẩn tích. Sự trở lại
của Dạ Lan được cho là khá chật vật khi Unilever (với 2 thương hiệu P/S và
Close-Up) và Colgate Palmolive (thương hiệu Colgate) đã chiếm tới 90% thị phần
kem đánh răng tại Việt Nam. Nhiệm vụ của Dạ Lan là phải len lỏi vào 10% thị
phần còn lại, cạnh tranh cùng với những thương hiệu của Thái Lan, Anh, Công ty P&G…
Chủ thương hiệu Dạ Lan, ông Trịnh Thành Nhơn, Tổng giám đốc
Công ty Hóa mỹ phẩm Quốc tế (ICC), cho biết: “Tôi quyết tâm vực dậy đứa con vấp
ngã của mình với việc chọn mục tiêu phân khúc trung bình, giá cả thấp hơn so
với đối thủ khoảng 10 -15%”. Trên tất cả yếu tố đó, ông chỉ biết tin vào người
Việt sẽ không ngoảnh mặt với hàng Việt. Song đến giờ, các chuyên gia thị trường
cũng chưa thể đánh giá về mức độ thành công trong “cuộc trở về” của thương hiệu
này.