Xây dựng thương hiệu cho mãng cầu Tân Phú
Hiện nay ở Tân Phú, cây mãng cầu trồng tập trung ở xã Phú Lộc với diện tích gần 900 hécta. Đây là một loại cây dễ trồng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu ở địa phương, vốn đầu tư lại ít. Kể từ khi nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh, cây mãng cầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nâng cao năng suất và chất lượng
trái
Cây mãng cầu được xếp vào loại cây trồng chủ lực ở Tân Phú.
Thời gian gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã thành công với mô hình
thâm canh nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng mãng cầu và đã liên tiếp
nhiều vụ mùa bội thu. Điển hình như vườn mãng cầu của anh Phan Thanh Phong ở ấp
7, xã Phú Lộc. Hơn 2 năm nay, thực hiện kỹ thuật thâm canh do Trạm khuyến nông
huyện chuyển giao, nhờ vậy, vụ nào anh cũng thắng lớn và bán được với giá cao.
Trước đây, anh để cho cây ra hoa đậu trái tự nhiên dẫn tới lượng trái nhỏ, bị
dị dạng rất nhiều nên phải bán giá thấp. Từ khi canh tác theo phương thức áp
dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh thì cây phát triển rất tốt, ít sâu
bệnh, trái lớn đồng đều và đẹp.
Chính vì thế, mỗi khi tới vụ thu hoạch, thương lái đến mua
tận nơi do mãng cầu đẹp, dễ tiêu thụ. Hiện vườn mãng cầu của anh đang vào vụ
thu hoạch và được nhiều nông dân trong huyện đến tham quan. Anh Phong cho biết:
"Đưa kỹ thuật vào thâm canh, cây mãng cầu cho hiệu quả kinh tế gấp 3 - 4
lần so với để tự nhiên. Vườn nhà tôi trước đây chỉ thu được khoảng 15 triệu đồng/vụ,
trong đó vốn đầu tư hết 5 triệu. Nhưng mấy vụ gần đây, sau khi ứng dụng khoa
học kỹ thuật, thì thu khoảng 50 - 60 triệu đồng/vụ, trong khi đó đầu tư chỉ tốn
15 triệu đồng. Sắp tới, tôi sẽ xử lý cho ra hoa nghịch vụ và như thế thì một
năm có thể làm được hai vụ. Hiện nay, nếu nói về hiệu quả kinh tế thì trong
vườn của tôi không có loại cây trồng nào qua được cây mãng cầu. Đây là loại cây
cho thu nhập chính của gia đình".
Nhiều nông dân đến tham quan vườn mãng cầu của anh Phong đều
tỏ ra thán phục hiệu quả từ việc đầu tư thâm canh. Bởi, so với nhiều vườn mãng
cầu trên địa bàn huyện thì vườn của anh Phong xanh tốt hơn hẳn, cây chắc khỏe,
ít sâu bệnh mà chất lượng trái thì vượt trội. Hiện ở Tân Phú cây mãng cầu đang
phát triển với quy mô lớn và hầu hết các câu lạc bộ mãng cầu đều ứng dụng khoa
học kỹ thuật vào thâm canh. Anh Trương Thạch Vân ở ấp 7, xã Phú Lộc nói:
"Thực tế cho thấy vườn mãng cầu có ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm
canh thì trái đẹp và cho năng suất cao hơn rất nhiều. Việc đưa kỹ thuật vào
canh tác không khó, tất cả các nông dân đều có thể làm được. Hơn nữa, thực hiện
mô hình tưới nước nhỏ giọt và bón phân qua được ống đã tiết kiệm được nước và
nhân công, tính ra đầu tư thấp là điểm thuận lợi cho nông dân chúng tôi học
tập, thực hiện".
Xây dựng thương hiệu mãng
cầu Tân Phú
Cây mãng cầu rất thích hợp với chất đất ở nhiều vùng trong
huyện Tân Phú, do vậy khi dân tiến hành thâm canh theo quy trình khoa học kỹ
thuật thì chất lượng trái được nâng lên bội phần và đạt được tối đa năng suất.
Nhiều nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả nhờ vào cây mãng
cầu.
Đặc điểm mãng cầu Tân Phú là trái lớn, rất ngọt, hạt nhỏ và
được nhiều người biết đến. Mãng cầu Tân Phú đã xuất hiện ở hầu hết các tỉnh
thành, nhất là tại các siêu thị trái cây. Chị Nguyễn Thị Tuyết, chủ một vựa
trái cây lớn ở Tân Phú, cho hay: "Mãng cầu Tân Phú giờ đã có tiếng nên
việc nhập, xuất hàng cũng rất thuận tiện, không có sàng lọc hay ép giá như
trước kia. Tuy nhiên, cũng có vấn đề cần phải quan tâm là vào vụ thu hoạch mãng
cầu thường trùng với nhiều loại trái cây và khi vào giữa mùa hay bị dồn hàng
nên giá không cao như đầu mùa".
Vừa qua, Phòng nông nghiệp - phát triển nông nghiệp
(NN-PTNN) huyện đã phối hợp với Sở Khoa học - công nghệ Đồng Nai khảo sát quy
mô và chất lượng cây mãng cầu trên địa bàn Tân Phú. Hiện Phòng NN- PTNN đang
gửi kế hoạch lên Sở Khoa học - công nghệ để đăng ký thương hiệu cho mãng cầu
Tân Phú. Việc khẳng định thương hiệu trên thị trường sẽ giúp nông dân bán được
mãng cầu với giá cao và ổn định hơn. Hiện nay, bên cạnh việc cải thiện chất
lượng trái mãng cầu, nhiều nông dân đã tiến hành xử lý cho ra hoa nghịch vụ để
một năm có thể thu hoạch được 2 vụ. Vào vụ nghịch thường bán được với giá cao,
giúp nông dân tăng thu nhập trong năm.
Hướng tới đây, cây mãng cầu Tân Phú sẽ được mở rộng về quy
mô và quy hoạch thành từng vùng. Trạm khuyến nông huyện sẽ tập huấn kỹ thuật và
nhân rộng mô hình xử lý ra hoa nghịch vụ để mãng cầu Tân Phú có thể cung cấp
cho thị trường quanh năm, không còn tình trạng ứ hàng hay khan hiếm hàng.