SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

UpYouth: Vườn ươm khởi nghiệp cho sinh viên

[08/06/2022 08:51]

Ở Việt Nam có nhiều vườn ươm khởi nghiệp, nhưng không dễ để tìm thấy một vườn ươm dành riêng cho sinh viên chưa có kinh nghiệm. UpYouth ra đời để giải quyết khoảng trống còn đang bỏ ngỏ trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ các nhà sáng lập đang ở độ tuổi từ 18-25, không kinh nghiệm, mối quan hệ, kỹ năng, kiến thức.

Brian Minh Trần (trái) và Nam Đoàn trong buổi ra mắt vườn ươm khởi nghiệp UpYouth.

UpYouth được sáng lập bởi Brian Minh Trần và Nam Đoàn vào năm 2020, mang tới cơ hội kết nối, cố vấn, đào tạo, nghiên cứu thị trường, cùng nhiều nguồn hỗ trợ khác giúp người trẻ đang tìm kiếm con đường khởi nghiệp với ý tưởng của mình. Sau hơn một năm thành lập, UpYouth đã xây dựng được cộng đồng hơn 2000 thành viên, hỗ trợ các công ty huy động được 2,5 triệu USD, tiếp cận với hơn 10.000 sinh viên để xây dựng tư duy khởi nghiệp và đưa tới các kiến thức mới mẻ trong lĩnh vực này. Nam Đoàn – một trong hai nhà sáng lập đã chia sẻ với Khoa học và Phát triển về mục tiêu, tầm nhìn của UpYouth – một vườn ươm dành riêng cho tệp người rất trẻ.

Chào Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã có nhiều vườn ươm khởi nghiệp, vậy đâu là sự khác biệt của UpYouth so với các vườn ươm khác như ThinkZone, Vietnam Silicon Valley?

UpYouth chỉ hướng tới đối tượng sinh viên, những bạn trẻ mới ra trường ở độ tuổi từ 18-25. Vì sao lại là nhóm này? Bởi họ chưa có kinh nghiệm, không có mối quan hệ trong giới công nghệ, đầu tư, thiếu tư duy kinh doanh, vận hành doanh nghiệp, gọi vốn,… nên tỷ lệ khởi nghiệp thất bại rất cao. Với các vườn ươm, phân khúc này rủi ro hơn nhiều so với nhóm đã ra trường 3-5 năm, có kinh nghiệm. Vì thế, các vườn ươm với kỳ vọng cao về lợi nhuận sẽ ưu tiên dành nguồn lực cho tệp trưởng thành hơn.

Trong khi đó, vườn ươm trong trường đại học được điều hành bởi hầu hết giáo viên, chưa có nhiều kinh nghiệm thực chiến nên hiệu quả không cao. Các cuộc thi khởi nghiệp ở quy mô trường đại học, nguồn lực đều dừng lại sau đêm chung kết.

Là những người từng tổ chức nhiều cuộc thi khởi nghiệp cho sinh viên, chúng tôi thấy, cần có một vườn ươm để những ý tưởng không “chết non”. Được thành lập từ năm 2020, UpYouth dành nhiều thời gian để đi nói chuyện với các bạn startup đi ra từ các cuộc thi như Khởi nghiệp cùng Kawaii, I Startup… Hầu hết các bạn trẻ đều mong muốn có mentor, người đồng hành tư vấn, tìm kiếm nhà đồng sáng lập để xây dựng đội ngũ và nguồn vốn… Việc thiếu quá nhiều thứ khiến họ không biết phải làm gì và nên làm gì.

UpYouth ra đời với mong muốn đem nguồn lực thực chiến nhất, tinh túy nhất với đội ngũ mentor là những co-founder, lãnh đạo ở nhóm C-level đến từ các startup đã có tên tuổi như Cool Mate, TopCV, Finhay… Nội dung huấn luyện cũng được xây dựng dựa trên các vườn ươm lớn trên thế giới như Y Combinator, TechStar…

Người trẻ luôn là những người tham vọng và nhiệt huyết hơn bao giờ hết. Chúng ta cũng chứng kiến Microsoft, Google, Facebook hay Snapchat đã được tạo ra bởi những nhà sáng lập khi họ mới chỉ 18-25 tuổi. Đến khi nào chúng ta sẽ có một Bill Gates Việt Nam, một nhà khởi nghiệp công nghệ trẻ với phát minh thay đổi xã hội?

Vậy tệp bạn trẻ này còn thiếu yếu tố gì để khởi nghiệp ngoài những thiếu xót bạn vừa nêu?

Đó là tầm nhìn và tư duy đủ lớn. Brian Minh Trần – nhà đồng sáng lập của UpYouth đã đến Mỹ học từ năm lớp 10 và sớm được tiếp tục với một hệ sinh thái khởi nghiệp chuyên nghiệp, được dạy khởi nghiệp bài bản những năm học trường cấp 3. Ở Silicon Valley nói riêng và nước Mỹ nói chung, rất nhiều dự án do học sinh cấp 3 hoặc đại học sáng lập tung được sản phẩm ra thị trường, có doanh thu và gọi vốn được hàng triệu đô. Điều đó nghĩa là gì, rất nhiều bạn trẻ thành công dù họ ở độ tuổi nào đi nữa, miễn là được hỗ trợ, xây dựng tư duy.

Trong khi đó ở Việt Nam, nếu nhìn thấy học sinh cấp 3 đi khởi nghiệp, tâm lý chung đều nghĩ “làm thử cho biết”. Các quỹ đầu tư nước ngoài cũng chia sẻ với chúng tôi rằng, nhà sáng lập ở Việt Nam thường bị bó gọn trong lãnh thổ đất nước. Hầu hết mọi người đều vạch ra chiến lược đánh chiếm thị trường trong nước, rất ít người nói, tôi sẽ tiến ra Đông Nam Á, châu Á hay thế giới và muốn trở thành kỳ lân. Trong khi đó, tư duy này rất phổ biến ở Sillicon Valley, bởi họ đã chứng kiến nhiều người làm được việc đó. Chúng tôi muốn thay đổi tư duy này của thế hệ trẻ Việt Nam, rằng họ cần có tầm nhìn thật lớn. Trong quá trình đó, các bạn thiếu nguồn lực nào, UpYouth sẽ hỗ trợ từ người cố vấn, đối tác, quỹ đầu tư. Đó là kì vọng của chúng tôi về chương trình ươm tạo này.

Trong khu vườn ươm UpYouth, những hạt giống khởi nghiệp sẽ được chăm sóc thế nào?

Mỗi khóa huấn luyện, UpYouth sẽ nhận khoảng 5 startup. Chúng tôi xây dựng khung tuyển chọn với 23 tiêu chí. Trong đó, một trong những yếu tố tiên quyết là startup phải có sản phẩm thử nghiệm ra được thị trường và thuyết phục bằng mô hình kinh doanh đủ cho tăng trưởng với thị trường đủ lớn. Có như vậy, các yếu tố hỗ trợ sau này mới đẩy các bạn đi nhanh hơn. Tất nhiên, chúng tôi không chấp nhận những người không nghiêm túc, chỉ muốn làm thử. Những startup như vậy không có nhiều, chúng tôi phải lùng sục khắp các cuộc thi khởi nghiệp từ Bắc vào Nam, phỏng vấn trò chuyện để hiểu họ.

Khi đã được tuyển, họ sẽ được làm việc và đào tạo bởi những huấn luyện viên đầy kinh nghiệm như anh Hùng Phạm – Founder của Base.vn hay chị Lê Hàn Tuệ Lâm – Giám đốc điều hành của quỹ đầu tư Nextrans, anh Nguyễn Anh Quân – nhà sáng lập của GIMO… Việc có được những người cố vấn như thế sẽ giúp startup có tư duy rộng lớn, kỹ năng cần cho tăng trưởng, điều hành công ty, thuyết phục nhà đầu tư…

UpYouth sẽ có những buổi họp hàng tuần với startup về các chủ đề như xây dựng tư duy, hình thành mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm, chiến lược tăng trưởng, gọi vốn và các vấn đề pháp lý. Nội dung các chương trình huấn luyện này được tham khảo từ Techstar, Y Combinator nhưng có chỉnh sửa cho phù hợp với thị trường Việt Nam.

Mỗi startup cũng có một thành viên của UpYouth phụ trách để theo dõi lộ trình phát triển, KPI theo từng tuần. Thành viên đó sẽ kịp thời nắm được trong tuần vừa qua startup đã làm gì, có nhu cầu kết nối với mentor, đối tác hay quỹ đầu tư nào. Bất cứ nhu cầu nào cũng sẽ được đáp ứng và kết nối với các nguồn lực của chương trình.

Bên cạnh đó, UpYouth cũng đã làm việc với các đối tác ở Việt Nam và thế giới để mang về các gói hỗ trợ như giảm giá, hoặc dùng miễn phí cho startup. Ví như Top CV hỗ trợ tuyển dụng, Amazon Web Services (AWS) hỗ trợ về nền tảng điện toán đám mây, Google Workspace, Zoom, Slack… hỗ trợ công cụ làm việc, kết nối.

Còn với các quỹ đầu tư thì sao? Startup trưởng thành từ UpYouth có thể được ưu tiên?

Chúng tôi đã xây dựng được một mạng lưới các nhà đầu tư với cam kết startup trưởng thành từ UpYouth sẽ được vào thẳng vòng thẩm định, không cần trải qua vòng phỏng vấn, gửi đơn. Đây là một trong những hoạt động khuyến khích việc xây dựng các phong trào khởi nghiệp mà các quỹ đầu tư như ThinkZone, Genesia Ventures... hướng tới.

Đây cũng là điểm nổi bật so với chương trình khác khi chúng tôi có được một mạng lưới nhà đầu tư – điểm vốn rất yêu với các startup non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi nhận được hỗ trợ bởi đã chứng minh cho quỹ đầu tư thấy quá trình lựa chọn huấn luyện rất kỹ càng và họ xứng đáng nhận được ưu tiên.

Chân dung startup sau khi trưởng thành từ UpYouth trong mục tiêu của các nhà sáng lập ra sao?

Tất nhiên điều này chúng tôi đã nghĩ đến. Đó là lý do để chúng tôi xây dựng mục tiêu tuyển lựa chương trình huấn luyện cố vấn cũng như xây dựng đội ngũ mentor khắt khe, kỹ lưỡng. Tất nhiên, chúng tôi đều muốn những startup tốt nhất. Sau khi ra khỏi UpYouth, startup phải có tư duy giống như startup đi ra từ Silicon Valley, nghĩa là dám mơ lớn, đặt mục tiêu cho một thị trường đủ lớn và tin rằng mình làm được điều đó.

Mỗi startup phải xây dựng được mô hình kinh doanh và đã được kiếm chứng trên thị trường ở quy mô nhỏ và đã sẵn sàng cho việc gọi vốn để tăng trưởng thần tốc. Quan trọng hơn, mô hình tăng trưởng này phải bền vững trong tương lai.

 

Với những mục tiêu đó, chúng tôi tin, startup từ UpYouth sẽ không làm bất kỳ nhà đầu tư hay vườn ươm kế tiếp nào phải thất vọng. Tất nhiên hãy nhớ rằng, chúng tôi cung cấp chương trình này hoàn toàn miễn phí.

Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị này! Chúc UpYouth có một mùa ươm tạo thành công.

Bích Ngọc

www.khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ