Xử lý, tận dụng bùn thải nhà máy nước làm vật liệu xây dựng
Nhóm tác giả gồm GS.TS Lâm Minh Triết, Viện Nước và Công nghệ môi trường, ThS. Nguyễn Ngọc Thiệp, Đại học Tôn Đức Thắng cùng các cộng sự đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất công nghệ xử lý, tận dụng bùn thải, nước tách bùn từ các nhà máy cấp nước của TP HCM”.
Nhóm đã khảo sát tổng hợp về hiện trạng
hoạt động của các nhà máy nước tại TP.HCM (bao gồm Nhà máy nước Thủ Đức, Tân
Hiệp và Tân Phú), các nội dung được nghiên cứu bao gồm: lưu lượng, chất lượng
nước thô và nước sau xử lý; lượng bùn; nước tách bùn; khả năng tái sử dụng nước
tách bùn; khả năng tái sử dụng bùn thải... Nhóm đã tiến hành nghiên cứu xử lý
bùn tại chỗ bằng phương pháp làm ráo nước (tát nước) trong bùn, ổn định bằng
vôi. Bùn sau đó được tái sử dụng để làm nguyên liệu sản xuất gạch xây dựng,
chậu gốm và chén hứng mủ cao su.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, số lượng nước
tách bùn là đáng kể (nhà máy nước Thủ Đức có tỷ lệ nước thu hồi từ 1,5 - 2,7%;
nhà máy nước Tân Hiệp là 5,4 - 6,2%; nhà máy nước Tân Phú là 3 - 3,9%) và chất
lượng nước này có thể tận dụng lại như nguồn nước thô bổ sung cho các nhà máy
nước. Quy trình công nghệ đề xuất tái sử dụng nước tách bùn đơn giản, khả thi
có thể thực hiện được trong điều kiện thực tế của các nhà máy nước.
Nghiên cứu thực nghiệm về tận dụng bùn
thải để sản xuất vật liệu xây dựng đơn giản (gạch xây dựng, chậu gốm, chén hứng
mủ cao su) cho thấy với tỷ lệ pha trộn bùn thải: đất sét (2 kg:8 kg) chất lượng
vật liệu sau khi mang đi kiểm nghiệm có tính chất vật lý (cường độ nén và tính
thấm) tương tự như các loại vật liệu thông thường.