Gian nan xây dựng thương hiệu gạo riêng
Con đường đến tay người tiêu dùng trong nước của các sản phẩm gạo sạch, chất lượng cao do các công ty lương thực sản xuất có nhiều gian truân, vừa phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại, cạnh tranh với cả với gạo thả nổi chất lượng trên thị trường.
Gạo Nàng thơm Long An mang nhãn hiệu Thố Cơm của
Công ty cổ phần Xây lắp Cơ khí và Lương thực Thực phẩm Mecofood, cơm nở xốp, mềm,
khi nấu cơm có mùi thơm đặc trưng được bán tại nhiều hệ thống siêu thị lớn như
Co.op Mart, Metro, BigC và một số cửa hàng bán lẻ.
Có mặt tại siêu thị gần mười mấy năm, cũng chừng
ấy năm nhãn hiệu này tạo được uy tín với nhà phân phối và người tiêu dùng với
chất lượng ổn định, doanh nghiệp giao hàng và thanh toán sòng phẳng, giá bán
không đổi, thậm chí ngay trong thời điểm giá gạo lên cơn sốt như năm 2008.
Bán lẻ ở kênh siêu thị, theo ông Nguyễn Bình
Hiển, Phó giám đốc công ty, có ưu điểm tiếp cận được số lượng lớn khách hàng
thuộc nhiều tầng lớp trên nhiều địa điểm, khu vực dân cư. Siêu thị mở rộng hệ
thống, sản phẩm cứ thế mà đi phát triển theo, nhất là doanh nghiệp cũng không
phải đầu tư xây dựng hệ thống phân phối, bán lẻ. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh cũng
ngày càng khắt khe khi càng có nhiều nhãn hiệu gạo khác cùng tham gia thị
trường.
“Qua thời gian, doanh nghiệp muốn phát triển
thêm dòng sản phẩm, thêm lựa chọn cho khách hàng nhưng cũng rất khó khăn vì
siêu thị chỉ cho một số khá ít mã hàng của mỗi doanh nghiệp lên quầy kệ”, ông
nói.
Trong khi đó, nhận thấy thực tế người tiêu dùng
đang bị “bao vây” bởi các loại gạo pha trộn, phẩm cấp tốt, xấu lẫn lộn, ông
Huỳnh Út Phi Châu, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Sạch, đã đầu tư phát triển các
điểm và cửa hàng bán lẻ. Sử dụng trên 20 dòng sản phẩm của các thương hiệu đã
có chỗ đứng trên thị trường của Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty
Gentraco, Mecofood, Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May, kết hợp với các địa điểm khá
cơ động nằm trong khu dân cư quận 8, quận 10, mỗi ngày các điểm bán ra trên
dưới 300 kg gạo.
Ông Châu cho biết đang đăng ký thương hiệu Gạo
Sạch với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ và sau đó là kế hoạch phát
triển hệ thống ra các quận, huyện khác của TPHCM theo hình thức nhượng quyền
thương hiệu.
Tuy nhiên, khó khăn lớn của doanh nghiệp cũng
chính là cạnh tranh đến từ các cửa hàng truyền thống, cũng như ngày càng có
nhiều doanh nghiệp bước chân vào thị trường gạo nội địa trong khi sức tiêu thụ
vẫn đang ổn định.
"Sẽ rất khó cạnh tranh nếu doanh nghiệp
không có một hướng đi riêng, sản phẩm riêng để thu hút khách hàng", ông
nhận định.
Nhiều doanh nghiệp lương thực quốc doanh từ
nhiều năm nay cũng tham gia thị trường nội địa. Lợi thế có nhiều mặt bằng rải
rác khắp các quận huyện, nhưng thiếu đầu tư nghiên cứu khảo sát thị trường, có
chiến lược kinh doanh, tiếp thị nghiêm túc nên cũng không thu được lợi nhuận từ
mảng kinh doanh này.
Có đơn vị thấy bán gạo không không ổn đưa thêm
đủ loại hàng hoá tiêu dùng vào bán và trở thành một hình thức cửa hàng tiện
lợi, chỉ có khác là giờ mở - đóng cửa vẫn theo giờ… hành chánh!