FPT phủ nhận chuyện ăn cắp bản quyền tên phố có phụ đề
Ông Lê Đình Lộc, đại diện nhóm dự án gắn chú thích lịch sử các biển phố của Công ty cổ phần FPT khẳng định ý tưởng gắn biển phụ đề cho các tuyến phố ở Hà Nội được FPT học từ nước ngoài.
Gần đây, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đăng tải
thông tin Công ty Cổ phần FPT bị TS. Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội
Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, cáo buộc vi phạm bản
quyền việc gắn biển tên có phụ đề trên các phố phường Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên ICT News về khởi nguồn xung quanh ý
tưởng gắn biển phụ đề tên phố, ông Lê Đình Lộc cho biết: Giữa năm 2010, trong
không khí người dân Thủ đô Hà Nội và đồng bào cả nước sôi nổi triển khai các
hoạt động văn hóa, xã hội hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà
Nội, một nhóm cán bộ Công ty FPT đã khởi xướng và đề xuất thực hiện dự án “Gắn
biển giới thiệu truyền thống lịch sử tên các đường, phố Thủ đô Hà Nội”. Dự án
này được Công ty hết sức ủng hộ và đứng ra xin phép UBND TP HN để FPT tài trợ
và tổ chức thực hiện dự án. Sau khi được UBNDTP Hà Nội chấp thuận cho triển
khai thí điểm giai đoạn 1, nhóm dự án đã phối hợp với Sở Văn hóa TT và Du lịch
Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội triển khai thực hiện. Dự án cũng nhận được sự ủng hộ và
đóng góp ý kiến của các nhà chuyên môn như nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc, nhà sử
học Dương Trung Quốc và Tiến sĩ Nguyễn Thị Dơn. Đây là một dự án có ý nghĩa xã
hội, phi thương mại hoàn toàn.Với dự án này, những người thực hiện mong muốn
được góp phần giúp cho người dân Hà Nội cũng như các vị khách của Thủ đô hiểu
rõ hơn về nguồn gốc và truyền thống lịch sử thông qua các biển chú thích
tên đường phố của Thủ đô. Và đặc biệt hơn cả là góp phần giáo dục lịch sử
cho thế hệ trẻ, tăng thêm niềm tự hào cho những người dân đang sống và làm việc
trên những con phố có truyền thống lịch sử hào hùng, những tuyến phố mang tên
các danh nhân, anh hùng dân tộc đã lập nhiều công trạng đối với đất nước
và Thủ đô Hà Nội.
Chia sẻ thêm về việc TS. Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp
hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, người đưa ra thông tin cáo
buộc FPT ăn cắp bản quyền tác giả, đã đe dọa đưa vụ việc ra tòa, ông Lộc phủ
nhận không có chuyện FPT vi phạm bản quyền.
Ông Lộc nói: "Chúng tôi mới nhận được thông tin này qua
báo chí. Ý tưởng gắn biển giới thiệu tên đường, phố không phải là ý tưởng mới.
Một số quốc gia trên thế giới như Đức, Pháp,… đã làm từ lâu. Nhóm cán bộ FPT đề
xuất hoạt động này cũng học hỏi từ thực tiễn ở nước ngoài. Ngay như tại TP HCM
cũng đã có hoạt động giới thiệu lịch sử tên đường phố, dưới hình thức in băng
rôn và tờ phướn giới thiệu tên đường phố ở một số điểm. Nhóm dự án FPT rất tâm
huyết với dự án này, dành rất nhiều thời gian nghiên cứu tìm hiểu thực tiễn các
nước, khảo sát thực địa hàng trăm tuyến phố ở Hà Nội để đưa ra một bản đề xuất
chi tiết. Nhóm dự án cũng đã tiếp thu, điều chỉnh dự án theo ý kiến của nhiều
chuyên gia và các sở ban ngành chức năng để có một đề án khả thi nhất. Bên cạnh
đó, việc đề xuất của nhóm dự án FPT là một dự án xã hội hoàn toàn, không có mục
đích quảng cáo cũng như thương mại.Trong quá trình thực hiện chúng tôi đều tuân
theo những chỉ đạo và hướng dẫn sát sao của Sở Văn hóa Thể thao Du lịch, Sở
Giao thông Vận tải Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc đô thị nhằm đảm bảo quy cách,
thiết kế, nội dung…như đề án đã được UBND TP phê duyệt".
FPT cũng đã đưa thêm dẫn chứng về những hình ảnh mà FPT đã
thu thập được trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu thực tiễn các nước. FPT cho
biết, các thành phố của Đức và Pháp, biển giới thiệu này được gắn dưới
biển tên đường phố, ghi các nét chính về tiểu sử, sự nghiệp các danh nhân được
đặt tên đường (ảnh dưới).
Đường
phố tại Berlin. |
Đường
phố tại Hamburg. |
Còn tại Paris (Pháp), việc giới thiệu danh nhân được đặt tên
đường được in ngay trong biển tên đường. Vì không dùng biển phụ nên việc giới
thiệu danh nhân khá ngắn gọn, chủ yếu năm sinh, năm mất, nghề nghiệp…
Tên
biển đường phố tại Paris "hao hao" giống với các tên biển đường phố
có phụ đề đang được triển khai ở Hà Nội. |
Từ cuối tháng 1/2011, trên một số tuyến phố chính của Hà Nội
như Lê Lai, Quang Trung, Phan Bội Châu, Lê Trạch, Trần Nguyên Hãn xuất hiện
những biển tên đường phố có gắn phụ đề ghi rõ lại lịch của tuyến đường phố nhằm
giới thiệu địa danh lịch sử gắn với tuyến phố (ghi chiến tích, lịch sử) hoặc
giới thiệu các danh nhân lịch sử được lấy tên để đặt tên đường phố (ghi năm
sinh, công trạng, ngày mất). Sáng kiến này được công bố của Công ty Cổ phần
FPT.
Tuy nhiên, mới đây, nhiều phương tiện truyền thông đại chúng
đã đăng tải ý kiến của ông Phạm Ngọc Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả
và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng sẽ kiện Công ty FPT vì ăn cắp bản quyền
tác giả của ông.
Theo ông Hùng, ông cùng nhà báo Phạm Thị Bích Thủy đã làm Đề
án “Gắn biển phụ đề cho các tuyến phố Hà Nội”, với sự tư vấn và giúp đỡ của GS
Phan Huy Lê, GS-TSKH Trần Tiêu, nhà sử học Dương Trung Quốc, Lê Văn Lan..
Ngày 2/7/2010 Văn phòng Chính phủ đã có công văn số
4598/VPCP-KGVX thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn
Sinh Hùng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội
giao UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu giải quyết để Đề án được thực hiện.
Ngày 5/7/2010 Cục bản quyền thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và
Du lịch đã cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 2018/2010/QTG cho ông
Hùng và bà Thủy (giấy chứng nhận do Phó Cục trưởng Vũ Ngọc Hoan ký).
Tuy nhiên, do không nằm trong đề cương chương trình chào
mừng đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng long - Hà Nội, cộng thêm lý do số biển và
vị trí lắp đặt trên đường phố Hà Nội quá dày đặc, và các biển tên phố có phụ đề
lại kết hợp cả quảng cáo có thể gây phản cảm, không phù hợp với quy định về
hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố, nên Đề án không được triển khai.
Ông Hùng đã giao cho người đại diện là ông Nguyễn Quang Ngọc
– Giám đốc trung tâm tư vấn pháp luật thay mặt ông Hùng (đang đi công tác nước
ngoài) để khởi kiện Công ty cổ phần FPT về việc ăn cắp bản quyền.