SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu ứng dụng các phương pháp sắc ký phân lập Flavonoid có tác dụng sinh học trong lá sen (Nelumbon nucifera Gaertn. Nelumbonaceae).

[28/02/2012 08:17]

Đề tài do các tác giả Trần Bá Việt Quý và Đỗ Châu Minh Vĩnh Thọ - Trường Đại học Y Dược Cần Thơ thực hiện với mục tiêu chiết xuất phân lập, xác định độ tinh khiết và xác định cấu trúc của thành phần flavornoid có tác dụng sinh học trong lá sen Việt Nam.

Cây sen là một trong số ít các dược thảo mà tất cả các bộ phận đều là những vị thuốc quý, có giá trị sinh học cao trong đó lá sen được dân gian sử dụng phổ biến do có nhiều tác dụng sinh học đã được chứng minh như chống  oxy hóa, chống tăng lipid huyết, kháng khuẩn,… Những tác dụng này đã được chứng minh hầu như liên quan đến thành phần flavonoid. Việc chiết xuất, phân lập và định lượng các flavonoid chính trong lá sen đã được một số tác giả trên thế giới thực hiện. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện nay rất ít các công trình nghiên cứu về chiết xuất, phân lập, định lượng các flavonoid trong lá sen bằng các phương pháp phân tích hiện đại. Do đó việc nghiên cứu phân lập thành phần flavonoid có tác dụng sinh học trong lá sen giúp cho công tác tiêu chuẩn hóa nhằm kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu và các chế phẩm từ lá sen cũng như góp phần bổ sung cơ sở dữ liệu về thành phần hóa học cho cây sen Việt Nam là một yêu cầu rất cần thiết.

Chiết xuất cao flavonoid toàn phần và tách thành các phân đoạn đơn giản bằng phương pháp  chiết phân bổ lỏng lỏng. Phân lập chất tinh khiết bằng sắc ký cột chân không và sắc ký cột cổ đ8iển với Silicagel và Sephadex LH-20. Cấu trúc các chất phân lập được xác định bằng phổ UV-VIS, MS, NMR,

Kết quả cho thấy, từ 4g cao EtOAc (Cao DF) tiến hành sắc ký cột chân không và công Sephadex thu được 3 chất LF1, LF6, LF8 tiến hành xác định cấu trúc bằng phổ học đã xác định cấu trúc tương ứng là quercetin, isoquercetin, 3-O-glucurunic và có độ tinh khiết lần lượt trên HPLC lần lượt là 99,48%, 96,41%, 96,3%. Đồng thời sơ bộ dự đoán cấu trúc của LF2, LF3 phân lập được là kaemferol cà catechin có độ tinh khiết trên HPLC lần lượt là 97,8%, 97,22%.

Như vậy, từ lá sen Việt Nam, đã phân lập được 5 flavonoid. Cấu trúc của ba chất đã được xác định là quercetin, isoquercetin và quercetin-3-O-glucoronid và sơ bộ dự đoán cấu trúc hai chất còn lại là kaemferol và catechin. Các chất thu được có thể dùng làm chất chuẩn cho việc xây dựng phương pháp kiểm nghiệm thành phần flavonoid có tác dụng sinh học này có trong lá Sen trong các nghiên cứu xa hơn.

Tập san NCKH số 4-11/2011 của Trường ĐHYD Cần Thơ
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ