Thương hiệu cho gạo Việt: Quá khó
Là nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới nhưng thương hiệu của gạo Việt vẫn còn mập mờ trên thị trường. Ngay cả thị trường nội địa điều này cũng trở nên khó khăn.
Đó là những chia sẻ của GS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện
Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam về vấn đề định vị thương hiệu cho gạo
Việt.
Theo ông, làm thế nào để xây dựng thương hiệu cho gạo Việt
ngày một mạnh hơn?
Chưa kể đến thị trường quốc tế, ngay cả thị trường nội địa,
việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt cũng trở nên khó khăn. Người dân trong
nước vẫn khó tìm thấy gạo Việt khi trải khắp các chợ đều là tên gạo nước ngoài
như gạo Thái và Đài Loan... Nhưng vẫn chưa ai đảm bảo gạo đó nguồn gốc ở đâu.
Trong khi đó việc pha trộn nhiều loại gạo của thương lái cũng làm cho chất
lượng gạo khó được đảm bảo.
Việc thiếu hụt kho dự trữ, phân phối lại qua quá nhiều khâu
trung gian đã làm chất lượng hạt gạo Việt Nam bị giảm đi đáng kể. Đối với xuất
khẩu, hiện chỉ có duy nhất ở Việt Nam mới thực hiện việc xuất khẩu từ hạt gạo,
còn với các nước xuất khẩu từ hạt lúa vẫn là chủ đạo. Muốn định vị được thương
hiệu của gạo Việt, đầu tiên các doanh nghiệp cần phải thay đổi chiến lược kinh
doanh phù hợp với quy trình xuất khẩu của thế giới.
Vậy việc cải thiện chất lượng gạo cũng như cây giống để tăng
lượng xuất khẩu gạo cao cấp đang làm thế nào thưa ông?
Hiện Việt Nam đang có thế mạnh về xuất khẩu gạo trung cấp,
nên tập trung vào phân khúc này. Đối với gạo cao cấp, thị trường chỉ chiếm 10%
tỷ trọng xuất khẩu của thế giới. Việt Nam vẫn có thể xuất khẩu các loại gạo
thơm cao cấp nhưng với phân khúc này thì gạo Việt Nam đang bước qua khe cửa rất
hẹp vì tính cạnh tranh rất cao.
Việc đầu tư vào thị trường quá hẹp như vậy cũng không phải
là giải pháp tối ưu. Tùy vào thế mạnh và phân khúc thị trường nào chiếm tỷ lệ
cao nhất mà xây dựng chiến lược cụ thể và tập trung vào phân khúc có tính cạnh
tranh mạnh mẽ..
Một yếu tố nữa tạo nên khó khăn cho việc lựa chọn giống để
trồng là giá cả vẫn chưa cho thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa hai giống cao cấp
khi thu mua của các thương lái. Chính vì vậy việc điều chỉnh giống lúa cũng
không được nông dân chú trọng.
Hiện nay ngành nông nghiệp đang tập trung vào vấn đề an ninh
lương thực trong nước theo hướng lâu dài. Như vậy mục tiêu tăng trưởng xuất
khẩu sẽ giảm xuống?
Trong điều kiện hiện tại dân số tăng, diện tích và lượng
nước bị giảm đáng kể thì vấn đề an ninh lương thực đang được coi trọng. Đó là
mục tiêu hàng đầu của toàn ngành nông nghiệp. Tuy nhiên việc duy trì xuất khẩu
không vì thế mà bị coi nhẹ vì đây được coi như là van điều tiết giá cho thị
trường. Nếu xem nhẹ xuất khẩu thì giá gạo trong nước giảm đi đáng kể và người
thiệt thòi vẫn là nông dân. Trong khi đó xu hướng xuất khẩu đang đi lên thấy rõ
nên việc giảm ngay trước mắt là không thể. Hiện nay cách tối ưu nhất vẫn là
việc duy trì tỷ lệ 3,8 triệu ha/100 triệu dân. Cần tổ chức lại việc canh tác
trên các vùng miền canh tác và tập trung vào ĐBSCL cho thị trường xuất khẩu.
Vệc ứng dụng công nghệ như biến đổi gen nhằm tăng năng suất
có được ngành nông nghiệp quan tâm hay không?
Đúng là việc ứng dụng công nghệ sinh học để đảm bảo năng
suất cho nhiều mục đích cần được nghiên cứu. Đó cũng là vấn đề quan trọng trong
việc chống chọi với biến đổi khí hậu như hiện nay. Tuy nhiên việc áp dụng cũng
cần phải có lộ trình, từng giai đoạn.
Hiện nay trong nước vẫn chỉ dừng lại việc ứng dụng trên các
cây là thức ăn gia súc còn trên các giống lúa vẫn đang nằm trong giai đoạn
nghiên cứu. Nhưng cần lưu ý là việc sử dụng gạo biến đổi gen có thể làm gián
đoạn xuất khẩu nên cần phải thận trọng.
Cám ơn ông !