Hệ thống TBT cần có giải pháp mới để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hàng Việt
Đây là phát biểu của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh tại cuộc họp triển khai công tác TBT năm 2022 với các điểm TBT cấp Bộ diễn ra vào sáng nay
Tham dự cuộc họp còn có ông Cao Xuân Quân – Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam, đại diện điểm TBT các Bộ và các đơn vị thuộc Tổng cục TCĐLCL.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh cho biết, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường trên diện rộng, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia ngày càng quyết liệt, cùng một số vấn đề mang tính toàn cầu nổi lên (biến đổi khí hậu, phát triển của khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số,…) đã tác động mạnh mẽ tới kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu; đồng thời đặt ra những cơ hội và thách thức mới đối với các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.
Trước bối cảnh kinh tế thế giới đang có xu hướng phục hồi, cùng sự định hình và phát triển xu hướng thương mại, đầu tư mới, việc thực thi các FTAs thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP,… sẽ tạo điều kiện thuận lợi, khả năng cạnh tranh để Việt Nam tham gia vào quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng, mở ra cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến, tạo sức bật mới, tăng trưởng bền vững khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Cũng theo ông Linh, dự báo trong thời gian tới, tình hình trong nước sẽ có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Với việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid – 19, duy trì ổn định hoạt động sản xuất- kinh doanh, Việt Nam có triển vọng phục hồi kinh tế tích cực trong bối cảnh bình thường mới.
“Hiện nay, hàng rào thương mại các nước dựng lên tương đối nhiều, chúng ta cũng nhận rất nhiều cảnh báo của các nước. Cụ thể đối với nhóm sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, vấn đề đặt ra là hệ thống TBT cần có những giải pháp mới, cách thức mới để giúp phòng hộ, bảo vệ quyền lợi chính đáng sản phẩm hàng hóa của nước ta”, ông Linh nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, ông Cao Xuân Quân – Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam đã báo cáo hoạt động TBT và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2022, phương hướng hoạt động năm 2023. Theo đó, trong năm 2021 đã có 3.966 Thông báo của các nước Thành viên WTO, tăng 18% so với 2020, từ 2015 – 2019 tăng 14%/năm. Các Thành viên thông báo nhiều biện pháp TBT nhất 2021 là Uganda, Brazil, Hoa Kỳ, Kenya, Trung Quốc, Hàn Quốc & Liên minh châu Âu (EU); Các sản phẩm thuộc phạm vi điều chỉnh của biện pháp được thông báo là máy móc thiết bị cơ khí, sản phẩm sữa, trứng, mật ong, thực phẩm, các sản phẩm ăn được có nguồn gốc từ động vật, rau củ quả, dầu ăn, nước hoa, mỹ phẩm giấy vệ sinh, thiết bị máy móc và điện tử, sản phẩm hóa chất, dược phẩm, dệt may, đồ uống, nhựa, phương tiện giao thông…
Đặc biệt, trong năm 2021 có hơn 70 thông báo liên quan tới Covid-19 của các thành viên. Các biện pháp chủ yếu liên quan tới việc hợp lý hóa thủ tục chứng nhận hoặc các yêu cầu về pháp lý đối với hàng hóa y tế được thông quan do đại dịch.
Về thông báo TBT của Việt Nam, trong 2021, Việt Nam thông báo 35/240 biện pháp TBT, trong đó có 30 thông báo thường và 05 thông báo sửa đổi, bổ sung. Con số trên tăng 17% so với 2020 và là năm có số lượng thông báo cao nhất kể từ khi gia nhập WTO cho tới nay.
Chủ yếu các biện pháp được thông báo liên quan tới sản phẩm công nghiệp: vật liệu nổ, thiết bị viễn thông, phương tiện giao thông, dược phẩm, giống cây trồng nhập khẩu & thực phẩm…
Cũng theo ông Quân, trong hoạt động hỏi đáp, phối hợp các Bộ ngành xử lý gần 50 câu hỏi, góp ý từ các tổ chức trong và ngoài nước. Các câu hỏi trong nước chủ yếu liên quan tới yêu cầu, quy định của các thị trường nước ngoài về các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và một số quy định của các thị trường về khẩu trang y tế. Các câu hỏi từ nước ngoài (EU, TQ, Thái Lan, Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc): liên quan tới các biện pháp đã thông báo của Việt Nam…
Theo ông Quân, nhìn chung, hoạt động TBT đã thực hiện tương đối tốt nghĩa vụ minh bạch hóa trong các cam kết về TBT; không có thông báo thực hiện theo trường hợp khẩn cấp; số thông báo đảm bảo đủ 60 ngày góp ý theo khuyến nghị của Ủy ban TBT – 83%.
Tuy nhiên, một số Bộ, ngành vẫn chưa chủ động thực hiện việc thông báo; Thông báo khi có yêu cầu của các nước Thành viên WTO (Hoa Kỳ đề nghị TB Luật BVMT; các nước ASEAN đề nghị thông báo Dự thảo sửa đổi Thông tư 32; Hoa Kỳ, EU đề nghị Thông báo Dự thảo Nghị định Quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu).
Về phương hướng hoạt động TBT 6 tháng cuối năm 2022 và phương hướng hoạt động TBT năm 2023, ông Quân đưa ra 6 điểm. Thứ nhất, Điểm TBT cấp Bộ chủ động khắc phục các tồn tại trong việc thực hiện nghĩa vụ minh bạch hoá về TBT mà Việt Nam đã cam kết trong khuôn khổ WTO và FTAs. Quy trình và thủ tục thực hiện nghĩa vụ minh bạch hoá thực hiện theo Thông tư 16/2018/TT-BKHCN;
Thứ hai, Điểm TBT cấp Bộ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng TBT Việt Nam và cung cấp thông tin kịp thời đối với các quan ngại thương mại về TBT tại các phiên họp Uỷ ban TBT;
Thứ ba, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các điểm TBT của các mạng lưới TBT;
Thứ tư, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin biện pháp TBT các thị trường trọng điểm;
Thứ năm, đề xuất đề án: Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết TBT trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do (FTAs).
Cũng tại cuộc họp, Điểm TBT các Bộ đã có những ý kiến, nội dung trao đổi về công tác TBT năm 2022 và khó khăn vướng mắc cũng như các đề xuất trong thời gian tới. Phía Tổng cục đề nghị Văn phòng TBT Việt Nam tiếp tục tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ TBT cho các Điểm TBT trong thời gian tới, có thể hướng dẫn với từng Điểm (cả các đơn vị trực thuộc Bộ) để nắm được tầm quan trọng và các nghĩa vụ của Việt Nam trong việc thực hiện minh bạch hóa về TBT; Làm việc trực tiếp với các Bộ để nắm thông tin và thống nhất phương án giải quyết các quan ngại thương mại tại các phiên họp Ủy ban TBT, đặc biệt những quan ngại phức tạp, kéo dài; Đề nghị Văn phòng nghiên cứu những khó khăn, vướng mắc và đề xuất của các Điểm TBT cấp Bộ để tư vấn hướng tháo gỡ và báo cáo LĐTC.
Tổng cục cũng đề nghị Điểm TBT các Bộ: Tổ chức nghiên cứu, đánh giá những cảnh báo về TBT mà Văn phòng TBT Việt Nam gửi, đặc biệt làm việc với các Hiệp hội, doanh nghiệp trong phạm vi lĩnh vực quản lý, để tăng cường làm việc với các nước ở cấp song và đa phương tháo gỡ sớm khó khăn cho doanh nghiệp, Hiệp hội khi xuất khẩu. Tổng cục hiện chỉ nhận được ý kiến góp ý của Bộ Công Thương đối với một số biện pháp TBT mà các nước thông báo. Bộ Công Thương đã phân tích và có góp ý rất cụ thể. Góp ý gần nhất của Bộ Công Thương đối với quy định của EU đã được gửi cho EU để tiếp thu và phản hồi;
Cần làm việc chặt chẽ với Văn phòng TBT Việt Nam để giải quyết các quan ngại thương mại phát sinh trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023; Phối hợp với Văn phòng TBT Việt Nam để rà soát các biện pháp TBT đang xây dựng đảm bảo không vi phạm quy định về TBT và thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ minh bạch hóa, tránh trở thành các quan ngại thương mại tại WTO.
Hà My