SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bản quyền những bài thơ phổ nhạc vẫn đang tìm chủ

[06/03/2012 17:02]

Theo đại diện của Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) thì hiện nay cùng với một số nhạc sĩ (có bài hát phổ thơ) và các nhà thơ có thơ được phổ nhạc một số chưa nhận được tiền bản quyền. Con số tồn đọng lên đến trên 2 tỉ đồng.

Sở dĩ có tình trạng này, có lẽ bởi những tác giả có thơ được phổ nhạc không biết mình có tiền bản quyền (3/10 số tiền của một tác phẩm âm nhạc phổ thơ được dành cho tác giả thơ) từ các đơn vị sử dụng gửi trả các nhạc sĩ là thành viên của VCPMC. Theo nguyên tắc, trừ khi tác giả thơ có văn bản ủy quyền cho tác giả nhạc nhận giúp tiền bản quyền, VCPMC phải trả trực tiếp cho các nhà thơ.

Những tác giả thơ không biết mình có cần ủy thác quyền cho Trung tâm trước khi nhận tiền hay không? Về điều này đại diện của VCPMC cho biết các tác giả thơ có thể ủy thác quyền chỉ với những bài thơ đã được phổ nhạc của mình, hoặc không, đều được nhận tiền bản quyền đã có. Nếu muốn ủy thác quyền thì VCPMC cũng tiếp nhận. Cũng nên hiểu rằng, khi các nhạc sĩ (phổ thơ) đã ủy thác quyền tác phẩm có thơ (của người khác) mà bài hát đó có lợi nhuận từ các đơn vị sử dụng thì lẽ đương nhiên các tác giả thơ cũng có 3/10 lợi nhuận đó. Nếu nhà thơ nào có văn bản tặng toàn bộ tiền bản quyền cho tác giả nhạc thì VCPMC sẽ chi trả 100% tiền bản quyền của tác phẩm âm  nhạc phổ thơ cho tác giả nhạc. Nếu tác giả thơ từ chối nhận tiền bản quyền hoặc đã mất không có người thừa kế thì VCPMC sẽ báo cáo lại với các  cơ quan liên quan để giải quyết số tiền đó theo quy định của pháp luật hiện hành.

Để tránh tình trạng này, VCPMC đề nghị kể từ nay, những nhạc sĩ có tác phẩm gửi ủy thác quyền tới VPMC phải kèm theo hợp đồng, hoặc thỏa thuận (bằng văn bản) với các nhà thơ để VCPMC trả tiền cho các nhà thơ được nhanh chóng và thuận tiện.

Danh sách những nhà thơ có tiền bản quyền được in trên trang web của VCPMC, có tên http://www.vcpmc.org, bài “Danh sách nhà thơ cần tìm để trả tác quyền”.

Tổng số tiền tồn được cộng dồn trong nhiều năm kể từ khi thành lập, mức tiền “truy lĩnh” có thể chỉ là vài trăm ngàn đồng, còn cao nhất là hơn 10 triệu đồng. Có nhà thơ chỉ có một một bài được phổ nhạc nhưng số lượt sử dụng lại rất cao như trường hợp nhà thơ Đoàn Thị Tảo với bài “Chị tôi” (nhạc sĩ Trọng Đài phổ thành ca khúc cùng tên) thu về gần 10 triệu đồng cho tới nay.

Hiện nay có gần 100 nhà thơ (tuy đây chỉ là số lượng nhỏ so với số nhà thơ đã nhận bản quyền) chưa làm việc với VCPMC để nhận bản quyền. Theo Trung tâm, có nhiều lý do: một số nhà thơ sống tại các địa phương xa, nên không tìm ra địa chỉ lẫn số tài khoản để chuyển tiền. Một số khác tỏ ra không quan tâm tới số tiền này... “Có những trường hợp biết số tiền không nhiều nên qua điện thoại họ nói rằng... họ ủng hộ VCPMC luôn, hoặc  tự lĩnh mà đi ăn trưa… Song, là nơi làm nhiệm vụ thu và trả tiền cho người sáng tác, chúng tôi tuyệt đối không thể giải quyết theo kiểu tình cảm như vậy - đại diện VCPMC bày tỏ - Dù ít, dù nhiều, VCPMC sẽ tìm được cách chuyển tiền tới các nhà thơ này”.

Sau các nỗ lực thu và trả tiền cho các nhạc sĩ trong khuôn khổ pháp luật quy định, nhằm hướng tới lành mạnh và công bằng trong hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật, việc tính tới tiền thù lao của các nhà thơ có thể coi là một bước mới trong hoạt động của VCPMC. Thống kê chính thức cho thấy số tiền bản quyền Trung tâm thu về trong năm 2011 là hơn 41 tỉ đồng (tăng 27% so với năm 2010).

laodong.com.vn (ntctu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ