Trong lễ ra mắt chiếc máy tính bảng thế hệ mới đêm qua (sáng 8/3, giờ Việt Nam), nhiều người không khỏi sửng sốt khi nhìn thấy logo của hãng Apple huyền ảo với các màu xanh, đỏ, tím, vàng đan xen nhau.
Tuy không chia thành các vạch như dạng cầu vồng trước đây,
nhưng nhiều người tự hỏi, phải chăng Apple đang trở lại quá khứ?
Cho tới nay, vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về ý nghĩa logo
của Apple. Một số người cho rằng, hình ảnh quả táo cắn dở là bểu tượng cho sự
ham muốn, sự hiểu biết, niềm hy vọng và sự nổi loạn. Song cũng có người lại cho
rằng đó thể hiện sự chưa hoàn hảo và mong muốn đổi mới không ngừng để đạt tới
độ hoàn hảo của hãng công nghệ.
Jean Louis Gassée, cựu quan chức của Apple (1981 - 1990)
từng cho biết rằng, logo hình quả táo mất góc chính là một trong những bí mật
lớn nhất của hãng công nghệ này. Đây là biểu tượng hoàn hảo cho lòng ham muốn
và sự hiểu biết, với một góc khuyết và được phủ đầy các dải màu cầu vồng, sắp
xếp theo một trật tự ngẫu nhiên.
Quá trình biến màu của "quả táo" từ đa sắc sang
đơn sắc và giờ trở lại với đa sắc.
|
Song, khi Apple thay đổi logo không còn những dải màu thì ý
nghĩa mà Gassée nói tới không còn phù hợp. Theo Rob Janoff, tác giả của logo
này, miếng cắn dở trên quả táo chỉ đơn giản là một điểm nhấn về nhận dạng. Khi
thu nhỏ hoặc nhìn từ xa, quả táo giống quả cherry hơn, nếu không có miếng cắn
dở thì rất khó nhận ra đó là loại quả gì.
Khi nhận công việc thiết kế logo cho Apple, yêu cầu duy nhất
mà Rob Janoff nhận được khi đó từ Giám đốc điều hành Steve Jobs là “Đừng làm nó
trông dễ thương”. Janoff đã đưa ra hai phương án thiết kế, một có miếng cắn và
một là quả táo nguyên vẹn. Kết quả, Jobs đã chọn phương án quả táo bị cắn dở,
vì trông nó có cá tính hơn.
Tuy nhiên, cách giải thích của Janoff quá đơn giản và thuần
chất về thiết kế, nên khó lòng được người hâm mộ Apple chấp nhận và logo này
vẫn được xem là điều bí ẩn với tầng tầng lớp lớp ý nghĩa bao quanh, nhất là mỗi
khi Apple đổi màu quả táo từ đa sắc sang đơn sắc. Và lần đổi mới này chắc chắn
sẽ gia tăng thêm độ bí ẩn cho "quả táo".