SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Startup blockchain trong mùa đông crypto

[15/11/2022 08:32]

Cuối năm 2020, khi mà COVID-19 vẫn đang khiến cả thế giới loay hoay, các nhà đầu tư dè dặt với chuyện rót vốn thì bà Lê Hoàng Uyên Vy – Giám đốc điều hành của Do Ventures cho biết, bất chấp những rủi ro, các nhà đầu tư vẫn tìm đến quỹ đầu tư này để hỏi về các startup blockchain tiềm năng.

Các startup blockchain cần tập trung vào các giá trị cốt lõi giải quyết thách thức của đời sống bằng công nghệ chứ không nên tập trung vào giá trị của token.

Chu kỳ 4 năm

Bà Vy nói: “Đây là điều chưa từng xảy ra trước đó và cho thấy sự đánh giá cao của nhà đầu tư đến từ châu Âu, châu Mỹ với startup Việt Nam trong việc đi đầu ở lĩnh vực công nghệ này”.

Dù có tiềm năng như vậy nhưng năm nay, mùa đông gọi vốn của startup blockchain đã bắt đầu. Các quỹ đầu tư cảnh báo tới startup trong danh mục của mình khi nhìn thấy những cuộc sa thải nhân sự hàng loạt từ giữa năm nay. Startup blockchain đương nhiên cũng không thoát khỏi làn sóng đó. Coinbase - sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới đã cắt giảm tới 1/5 nhân sự, tương đương 1000 người khi mà thị trường mất đáy liên tục.

BlockFi - nền tảng cho vay và giao dịch tiền điện tử sau khi tăng trưởng từ 150 lên 850 nhân sự vào cuối năm 2020 cũng đã phải sa thải 20% nhân viên với lý do “thị trường thay đổi đột ngột”. Ở châu Á, Crypto.com - công ty có trụ sở tại Singapore cũng cắt giảm 260 nhân viên, tương đương 5% nhân sự. Các startup trong lĩnh vực tiền số khác như Gemini, Mercado Bitcoin và Bitso cũng đã sa thải ít nhất 10% nhân viên.

Lý giải về "những sự sụt giảm này tại webinar Lối đi nào cho startup blockchain trong mùa đông crypto" do Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức hồi tháng bảy, anh Nguyễn Mạnh Khôi -Trưởng ban xúc tiến đầu tư Hiệp hội blockchain Việt Nam cho rằng, nguyên nhân sâu sa do ảnh hưởng chung của kinh tế vĩ mô. Năm 2022, khi lãi suất ngân hàng tăng cao do ảnh hưởng của chính sách tiền tệ được nới lỏng trong hai năm COVID-19 và sự ảnh hưởng nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do bất ổn chính trị.

“Khi những bất ổn gia tăng và lãi suất ngân hàng tăng thì việc dòng vốn rút khỏi các mảng đầu tư trong đó có blockchain là dễ hiểu. Nhìn công bằng hơn thì không chỉ lĩnh vực blockchain, tất cả các ngành đầu tư khác đều bị ảnh hưởng” – anh Nguyễn Mạnh Khôi nhận định.

Có chung quan điểm, anh Đinh Quang Lộc – Founder của LaunchZone cho rằng, blockchain chỉ là một phần của thị trường tài chính chung nên việc bị tác động không thể tránh khỏi. Thoát khỏi dịch bệnh, cuộc sống bình thường quay trở lại, để khôi phục nền kinh tế, chính phủ buộc phải có chính sách để đưa dòng tiền quay trở lại sản xuất. “Trong thị trường tài chính ảm đạm, không có gì lên mãi được, mùa đông crypto là điều rất hiển nhiên” - anh Đinh Quang Lộc nói.

Sự kiện đồng LUNA – một trong những đồng tiền số tiêu biểu của thời kì đỉnh cao bị mất hết giá trị được cho là đã “kích hoạt trạng thái hòn tuyết lăn” – nghĩa là tạo ra ảnh hưởng tới hầu hết của đồng tiền khác, do nhà đầu tư lo lắng, đồng tiền họ đang nắm giữ có thể rơi vào tình trạng tương tự như LUNA. Vì vậy, họ đều đồng loạt bán ra.

Trong tình thế này, theo quan sát của đại diện của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, các startup blockchain đang phân hóa thành hai xu hướng. Một là những startup có kinh nghiệm quản lý, biết quản trị dòng tiền và cơ hội chốt lãi từ mùa trước thì dòng vốn khá rủng rỉnh để tiếp tục đầu tư cho dự án mới để vượt qua mùa đông. Hai là những nhóm không có kinh nghiệm và vốn dự trữ sẽ rơi vào tình trạng khó khăn do mất cân đối về thu chi. Điều đó sẽ dẫn tới những “sự ra đi không mong muốn”.

Vậy “mùa đông lạnh giá” này sẽ kéo dài bao lâu là câu hỏi nhiều người quan tâm. Theo quan sát và phân tích cá nhân từ lịch sử của đồng tiền điện tử, anh Đinh Quang Lộc nói: “Chu kì của tiền điện tử là bốn năm một lần. Ở chiều đi xuống, các đồng tiền sẽ giảm tối thiểu 50%. Sau sáu tháng đến một năm sẽ bước vào chu kỳ tăng giá tiếp theo. Cá nhân tôi cho rằng năm 2024 và 2025 sẽ là chu kì tăng trưởng tiếp theo”.

Chu kì tăng trưởng sẽ bắt đầu khi phần lớn người sở hữu tiền điện tử sau thời gian dài “gồng lỗ”, do tác động ngoài cách quyết định “cắt lỗ bằng cách bán ra”, thì khi đó, thị trường bước vào trạng thái cân bằng “khởi động lại từ con số 0”để bắt đầu cho một chu kì tăng trưởng mới.

Ngồi chờ hay hành động?

Câu hỏi tiếp theo mà nhiều startup quan tâm nên làm gì cho tới mùa xuân tiếp theo của crypto? Còn nhớ anh Nguyễn Thành Trung của Sky Mavis từng chia sẻ rằng: “Ở giai đoạn năm 2018 khi thị trường đi xuống, nhóm của anh chọn cách đóng cửa và làm sản phẩm, không quan tâm tới bất kỳ điều gì”. Khoảng thời gian hai năm đó được cho là vừa đủ để thai nghén và tạo ra Axie Infinity làm mưa làm gió trên thị trường GameFi năm 2020 và 2021 với mô hình “play to earn”. Như vậy câu chuyện rõ ràng phải làm là hành động, tập trung các mô hình kinh doanh, đầu tư cho xây dựng sản phẩm, hoàn thiện công nghệ. Blockchain vốn được ví như internet giai đoạn đầu, nên nhiều công nghệ thực tế mới đang ở giai đoạn thử nghiệm, chưa ứng dụng nhiều và chính các nhà phát triển công nghệ cũng chưa có hiểu biết đầy đủ.

Nhận định về thực tế đang diễn ra, anh Nguyễn Mạnh Khôi cho rằng: “Điểm khác biệt của mùa đông 2022 với mùa đông năm 2018 là các nhà đầu tư đang nhìn nhận nghiêm túc về blockchain. Mới đây, quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore cũng tuyên bố đầu tư cho dịch vụ hạ tầng mạng đánh giá về dữ liệu và công nghệ phân tích dữ liệu dựa trên thuật toán của blockchain”. Điều đó cho thấy, nhà đầu tư có cái nhìn dài hơi về tiềm năng của công nghệ này. Về chất lượng, nhiều công nghệ đã hoàn thiện với nhiều mô hình kinh doanh mới, nhiều bài toán của đời sống đã ứng dụng blockchain vào giải quyết. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để mùa đông này sớm qua so với các mùa đông khác, khi kinh tế vĩ mô ổn định. Kinh nghiệm của các mùa đông trước cho thấy, dẫu thị trường có đi xuống thì những startup có dòng tiền tốt vẫn tăng trưởng, mà điển hình nhất chính là Binance và đồng BNB.

Đồng ý với góc nhìn lạc quan đó, anh Thái Thanh Liêm – Founder của Topbox cũng chia sẻ một vài câu chuyện thực tế. Đó là nhiều startup khi gặp gỡ không nói chuyện về sản phẩm mà thường than phiền chuyện không gọi được vốn. Khi hỏi sâu về dự án, các startup lại cho thấy cái nhìn sơ sài về sản phẩm và không giải quyết được bất cứ thách thức nào cụ thể.

“Cách lựa chọn của quỹ đầu tư giờ đây tập trung vào mô hình kinh doanh, dòng tiền lợi nhuận chứ không tập trung vào giá trị của token như trước” – anh Liêm nhận định.

Từ kinh nghiệm phát triển LaunchZone, anh Đinh Quang Lộc cũng khuyên các startup nên tập trung vào tìm kiếm và giải quyết vấn đề của thị trường có quy mô đủ lớn. Khi mới phát triển dự án, anh Lộc cùng một cộng sự khác đã phát triển sản phẩm trong căn phòng thuê trị giá 2,5 triệu/tháng. Theo họ, giai đoạn khởi đầu, vốn không phải vấn đề mà sản phẩm mới là điều quan trọng.

Cần nhớ, lợi thế của Việt Nam chính là nhân lực giá rẻ, chi phí bằng 1/3 so với nước ngoài lại có chất lượng đầu ra tốt. “Cá nhân tôi lại thấy rằng, khi thị trường đi xuống là lúc người ta không quan tâm tới giá trị của token mà quan tâm tới các công nghệ đứng sau. Khi xưa mình muốn làm mới một sản phẩm trên thị trường rất dễ bị lu mờ nhưng giờ là lúc cho những sản phẩm khác biệt lên ngôi và dễ dàng thu hút người dùng” - anh Thái Thanh Liêm bày tỏ.

Trong khi đó, founder của LaunchZone nhắn nhủ các startup rằng, hãy coi blockchain và crypto như công nghệ hỗ trợ để tăng thêm giá trị cho startup chứ không phải điểm mấu chốt. Quan trọng là startup phải tập trung vào vấn đề của thị trường, sản phẩm, người đồng hành để vượt qua khó khăn. Nếu tập trung vào giá trị của token thì sẽ phụ thuộc vào sự lên xuống của thị trường. Hệ quả là vào những thời điểm như thế này, startup đương nhiên phá sản do không có bất kỳ giá trị nào để nhà đầu tư rót vốn.

Bích Ngọc

www.khoahocphattrien.vn (nhnhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ