SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

10 startup dẫn đầu Techfest 2022

[25/11/2022 10:45]

Họ đã vượt qua 260 đội thi trên khắp cả nước để có tên trong danh sách này.

2021 là một năm thăng trầm khi đại dịch COVID-19 bao phủ toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, nhiều startup đã bắt tay vào thử nghiệm những ý tưởng kinh doanh hoàn toàn mới. Một số thất bại, nhưng một số vẫn đang nỗ lực vươn lên để tìm kiếm cơ hội thị trường.

Trong số này, Khoa học & Phát triển xin giới thiệu 10 công ty khởi nghiệp hàng đầu đang hướng tới vòng chung kết Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2022.Họ đã vượt qua 260 đội thi trên khắp cả nước để có tên trong danh sách này.

Sổ Bán Hàng

Khi thấy các tiểu thương phải đóng cửa do giãn cách xã hội giữa năm 2021, một số nhà công nghệ và doanh nhân khởi nghiệp đã khởi động một dự án hackathon trong vòng hai tuần để tìm kiếm giải pháp giúp mọi người dễ dàng mở cửa hàng online trên điện thoại và quản lý mọi hoạt động thu chi. Kết quả là Sổ Bán Hàng ra đời.

Đến nay, trung bình mỗi tháng có hơn 30,000 cửa hàng mới mở ra trên ứng dụng, bao gồm tất cả các ngành nghề, từ bán sỉ, bán lẻ, tạp hóa, nông sản, thời trang, quán ăn, cho tới dịch vụ spa, cắt tóc. Sổ Bán Hàng đặt mục tiêu trong vòng ba năm tới sẽ hỗ trợ một triệu doanh nghiệp và giúp họ phục vụ thị trường nội địa tốt hơn.

Xuất hiện trong thời gian ngắn nhưng Sổ Bán Hàng đã huy động được 4 triệu USD vốn đầu tư từ FEBE Ventures, Class 5, AlleyCorp và Trihill Cap. Hai nhà đồng sáng lập công ty Bùi Hải Nam và Bùi Hải Long đều có kinh nghiệm quản lý sàn thương mại điện tử Lazada và các chuỗi bán lẻ.

Fina

 

Thành lập từ năm 2019, Fina giúp khách hàng tiếp cận các khoản vay mua nhà từ phía ngân hàng với lãi suất thấp, các gói bảo hiểm tài sản hoặc sản phẩm đầu tư bất động sản. Khách hàng có thể tìm kiếm, so sánh và nộp hồ sơ vay với nhiều ngân hàng dưới sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên viên tư vấn tài chính chuyên nghiệp. Hai nhà đồng sáng lập, Alex Phạm và Tim Đỗ, đã làm việc nhiều năm trong lĩnh vực tài chính bất động sản.

Công ty cho biết trong hai năm qua đã giúp khách hàng thực hiện tổng khoản vay trị giá 3.500 tỷ đồng, chiếm gần 0.1% thị trường trong nước. Nền tảng này đã thiết lập được quan hệ hợp tác với hơn 20 ngân hàng, và trong quá trình làm việc đã giúp một số khách hàng tìm kiếm thêm ngân hàng cho vay hoặc chuyển đổi giữa các ngân hàng cho vay. Các nhà sáng lập của Fina nhận thấy tiềm năng trong việc phát triển mô hình mortgage broker vốn đã rất thành công ở các nước Úc, Mỹ và đang dần được chấp nhận tại một số quốc gia đang phát triển như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia.

Cyberpurify

Cyberpurify ra đời năm 2020 ở California bởi chuyên gia công nghệ Nguyễn Hữu Bình và nhà hoạt động về trẻ em Nguyễn Như Quỳnh. Ban đầu, Cyberpurify phát triển các phần mềm AI có khả năng tự động phát hiện và che mờ nội dung độc hại đối với trẻ nhỏ khi dùng trình duyệt Internet. Thuật toán của họ có thể xử lý trên 10 triệu nội dung hình ảnh và video mỗi ngày.

Tháng chín vừa qua, công ty đã giới thiệu một thiết bị phần cứng tên là Cyberpurify Eggs để tích hợp vào các bộ phát WiFi tại nhà. Chúng có thể phát ra tín hiệu WiFi mới đến những máy tính, điện thoại được chỉ định, nhằm ngăn chặn trẻ em tiếp xúc với nội dung độc hại một cách triệt để hơn. Đến thời điểm hiện tại, công ty cho biết đã nhận được 1.500 đơn đặt hàng trước từ các bậc phụ huynh, và một hợp đồng cung cấp 50.000 thiết bị cho một công ty viễn thông lớn trong nước.

Năm 2023, startup này dự kiến sẽ cùng chính quyền triển khai một chiến dịch cung cấp thiết bị đến 100 trường học ở Việt Nam. Họ cũng có kế hoạch bán các thiết bị trên những nền tảng thương mại điện tử như Amazon và đưa sản phẩm sang Mỹ. Cyberpurify cho biết công ty có tính đến thị trường châu Á, tuy nhiên mỗi thị trường sẽ cần thay đổi cách tiếp cận dựa trên những vấn đề đối với con trẻ mà phụ huynh quan tâm.

Forte Biotech

Forte Biotech cung cấp các bộ công cụ chẩn đoán nhanh để nông dân có thể tự xét nghiệm bệnh nhiễm trùng ở tôm trong vòng 60 phút. Là một công ty khởi nghiệp hình thành từ chương trình đổi mới nghiên cứu toàn cầu của Đại học Quốc gia Singapore, Forte Biotech gồm hai nhà sáng lập trẻ Kit Young (khoa học sự sống) và Michael Nguyễn (quản lý thực phẩm) cùng đội ngũ cố vấn giàu kinh nghiệm về công nghệ sinh học và kinh doanh.

Thành lập năm 2021, Forte Biotech đã thử nghiệm công cụ chẩn đoán nhanh của mình tại 30 trang trại ở Cần Giờ, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Bà Rịa-Vũng Tàu. Họ nhắm tới thị trường 200.000 trang trại nuôi tôm ở Việt Nam bằng cách giới thiệu các thiết bị xét nghiệm cầm tay với giá khoảng 400 USD/bộ (gần 10 triệu đồng), và thuốc thử để xét nghiệm bệnh cho thủy sản 4-6 USD/bệnh (từ 100-150.000 đồng). Thiết bị xét nghiệm của Forte Biotech cũng được tích hợp công nghệ IoT để thu thập vị trí và dữ liệu chẩn đoán, từ đó đưa ra các giải pháp kỹ thuật hoặc tài chính cho người nuôi tôm.

Đến nay, công ty đã thu hút được 152.000 USD đầu tư từ Touchstone Partners. Họ dự kiến sẽ gọi vốn cho vòng hạt giống vào đầu năm 2023 để triển khai bản thử nghiệm Beta ở Việt Nam.

Pva Pro

Thành lập năm 2021, Pva Pro là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam chuyên về công nghệ bao bì có thể hòa tan trong nước. Giải pháp được cấp bằng sáng chế Aquaflex đã kết hợp đặc tính bền, dẻo của nhựa PVA, đồng thời có khả năng tan rã khi gặp nước ở nhiều mức nhiệt độ khác nhau. Aquaflex được cho là an toàn vì chúng không gây nguy hiểm khi động vật biển ăn phải và không tạo ra vi nhựa.

Đội ngũ của Pva Pro - gồm các nhà đồng sáng lập Thái Như Hằng, Lê Minh, Raphael Cazalbou, Jonathan Sourintha và cố vấn toàn cầu Todd Rosin - là những người có hiểu biết về phát triển vật liệu phân hủy sinh học và mở rộng quy mô sản xuất.

Họ đang đặt một nhà máy sản xuất nhựa phân hủy sinh học Aquaflex tại Long An và nhắm tới việc đưa các bao bì này vào hai ngành: may mặc, vận chuyển bưu kiện. Công ty cho biết những nhãn hàng thời trang nổi tiếng như Inditex, Ralph Lauren, Toyoshima, Rudholm đang tỏ ra quan tâm đến công nghệ, do vậy họ sẽ thúc đẩy giới thiệu sản phẩm và tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu.

Halana

Thành lập năm 2019, Halana là một nền tảng thương mại điện tử B2B cho các ngành công nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp mua bán vật tư, máy móc, thiết bị, phụ tùng, linh kiện, hóa chất một cách thuận tiện.

Sau hai năm triển khai, Halana quyết định thay đổi chiến lược tiếp cận khi nhận thấy thị trường Việt Nam chưa sẵn sàng với việc mua bán các thiết bị bảo trì, sửa chữa, vận hành cho doanh nghiệp đa quốc gia trên sàn. Thay vào đó, họ nhắm tới các cửa hàng bán lẻ vật tư xây dựng để giúp những cửa hàng này gia tăng khả năng quản lý hàng tồn kho và nâng cao lợi nhuận. Điều này dẫn đến giá trị giao dịch hàng hóa trên nền tảng năm 2022 tăng bảy lần so với năm trước đó. Halana hiện có hơn 2.400 doanh nghiệp trên nền tảng và hơn 100.000 cửa hàng bán lẻ/cá nhân đang chờ tham gia.

Lợi nhuận của Halana đến từ phí giao dịch các mặt hàng (lên tới 10%). Startup này đã nhận đầu tư hạt giống 670.000 USD từ Cocoon Capital và Beenext vào cuối năm 2021 và đang chuẩn bị gọi vốn vòng tiếp theo. Đội ngũ sáng lập của công ty là những người có kinh nghiệm đa dạng về thị trường B2B, bao gồm Hồ Phi Ân (Anthony Ho), Sophie Trần và Jacky Nguyễn.

Vifo

Vifo kết nối tất cả các bên tham gia các loại bảo hiểm khác nhau (nhà cung cấp bảo hiểm, nhà phân phối bảo hiểm và khách hàng) vào một nền tảng duy nhất. Sử dụng giao diện OpenAPI và nền tảng blockchain, Vifo đang biến đổi quy trình làm việc của các bên để số hóa các khâu bảo hiểm, tăng cường khả năng quản lý hợp đồng bảo hiểm và tối ưu hóa hiệu suất cho những đại lý bảo hiểm. Ba nhà đồng sáng lập Vương Việt Linh, Maisa Ksor và Võ Quốc Đại là những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm và IT.

Hoạt động trong một lĩnh vực tự gọi là “chưa có đối thủ cạnh tranh rõ ràng”, startup này muốn chạm tay vào thị trường bảo hiểm trị giá hơn 9 tỷ USD và đang tăng trưởng với tốc độ cao ở Việt Nam. Thành lập năm 2019, đến nay Vifo đã hợp tác được với 19 hãng bảo hiểm để đưa hơn 4.000 sản phẩm bảo hiểm khác nhau lên nền tảng. Doanh thu chính của công ty đến từ hoa hồng (2-10%) của các hợp đồng bảo hiểm bán qua nền tảng. Cuối năm 2021, Vifo nhận được đầu tư tiền hạt giống trị giá 100.000 USD.

Wareflex

Wareflex là nền tảng cho thuê kho bãi đầu tiên ở Việt Nam do Rajnish Sharma và Rod Davariz sáng lập hồi cuối năm 2021. Họ cùng một nhóm chuyên gia về vận tải, kho bãi và công nghệ đã tạo ra một marketplace cho phép các công ty có thể trả tiền thuê kho bãi theo lượt sử dụng, thay vì ký hợp đồng dài hạn như trước kia. Nó cũng giải quyết vấn đề số hóa dữ liệu kho bãi và góp phần làm giảm chi phí logistics ở Việt Nam.

Startup này đang trong giai đoạn phát triển sản phẩm. Ngoài việc kết nối, những phiên bản tiếp theo sẽ lần lượt bổ sung những tính năng về quản lý, thanh toán, bảo hiểm, tín dụng và đề xuất thiết kế mạng lưới kho bãi dựa trên phân tích AI. Đưa sản phẩm ra thị trường từ tháng 2/2022, đến nay Wareflex đã có gần 120 kho bãi đa dạng, đồng thời tạo ra doanh thu từ việc kết nối thành công hơn 70 giao dịch thuê kho bãi trong nhiều ngành khác nhau (trung bình khoảng 2.5% giá trị giao dịch). Công ty vừa kết thúc hai vòng gọi vốn tiền hạt giống trị giá 785.000 USD từ quỹ đầu tư Antler.

Dizim

Dizim cung cấp công cụ AI tự động chuyển văn bản thành giọng nói và người đại diện ảo để người dùng có thể tạo ra hàng loạt video marketing cho riêng mình. Họ hướng đến hai đối tượng khách hàng là những người sáng tạo nội dung và các KOLs cần liên tục duy trì hình ảnh cá nhân.

Triển khai từ năm 2020, nền tảng dự tính đạt mức 300 người dùng trả tiền và tạo ra hơn 9.000 video vào cuối năm nay. Doanh thu của Dizim đến từ phí đăng ký các gói sử dụng và hoa hồng giao dịch nội dung sáng tạo. Đội ngũ của doanh nghiệp gồm những người trẻ có chuyên môn sâu trong lĩnh vực phát triển thuật toán thị giác máy tính và kinh nghiệm về digital marketing.

WeShare

Ra đời năm 2020 bởi một nhóm các nhà khởi nghiệp trẻ xuất thân từ nhiều trường đại học thuộc khối ngành khoa học và kinh tế tại Việt Nam, WeShare là một nền tảng quyên góp miễn phí cho các tổ chức xã hội, thiện nguyện thông qua đơn hàng mua sắm online.

Khi người dùng mua sắm thành công trên các trang thương mại điện tử hoặc các nhãn hàng liên kết với WeShare, những đối tác này sẽ trả một phần hoa hồng hoặc phí marketing cho WeShare và nền tảng sẽ đại diện người dùng quyên góp số tiền này (có thể lên tới 30% giá trị đơn hàng) đến các tổ chức xã hội mà họ đã chọn trước. Người mua sắm sẽ không phải mất thêm bất kỳ chi phí nào.

Tính đến tháng 11/2022, WeShare đã tích lũy được 30.000 lượt quyên góp thông qua các đơn hàng với tổng trị giá là 11.500 USD (trên 285 triệu đồng) để hỗ trợ cho hơn 100 học sinh. Họ kỳ vọng giai đoạn 2023-2026 có thể tăng mạnh mẽ để đạt mức quyên góp 3 triệu USD/năm phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững về chống đói nghèo và giáo dục trẻ em.

Ngô Hà

www.khoahocphattrien.vn (nhnhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ