Tương quan triều – lũ khu vực đầu nguồn sông Cửu Long
Nghiên cứu do nhóm tác giả Trần Đình Phương (Đài KTTV Khu vực Nam bộ) và Lê Trung Tri (trường Đại học Tài Nguyên Môi Trường TP. Hồ Chí Minh) thực hiện, nhằm phân tích mối tương quan giữa biên độ lũ thượng nguồn và mức độ nước lên tại đầu nguồn sông Cửu Long dưới tác động của thủy triều Biển Đông, từ đó xây dựng các phương án dự báo mực nước tại Tân Châu và Châu Đốc cho các mùa lũ tiếp theo.
Lũ thượng nguồn sông MeKong
là do mưa lớn vùng trung, hạ Lào, lượng dòng chảy ở khu vực thượng nguồn chỉ
chiếm 10 - 20%. Lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long thường lên chậm, cường suất trung
bình 3-4cm/ngày. Đỉnh lũ tại Tân Châu chủ yếu xuất hiện trong thời gian từ 20/9 - 20/10; đỉnh lũ trên sông Hậu tại Châu Đốc xuất hiện muộn hơn, chủ yếu là
trong tháng 10.
Thủy triều Biển Đông mang đặc tính bán nhật
triều không đều, mỗi ngày xuất hiện 2 chân và 2 đỉnh không đều nhau, các đỉnh
triều kế tiếp nhau chênh lệch 30 – 40 cm, các chân triều lại chênh lệch rất lớn
đến 2m. Trong 1 năm, dao động mực nước triều cũng có tính chu kỳ: cao nhất vào
các tháng 10, 11, 12, 01, thấp nhất vào các tháng 5, 6, 7. Như vậy, đỉnh lũ
trên sông Cửu Long xuất hiện vào đúng thời kỳ cao ở Biển Đông.
Qua thời gian nghiên cứu cho thấy, mối
tương tác lũ-triều khu vực đầu nguồn sông Cửu Long phụ thuộc nhiều yếu tố:
lượng nước thượng nguồn, độ lớn của thủy triều, mực nước tại chỗ,… Tùy theo cấp
mực nước mà mức độ ảnh hưởng của lũ thượng nguồn hay thủy triều có khác nhau;
tùy theo mức độ lũ thượng nguồn cao hay thấp, thủy triều Biển Đông mạnh hay yếu
mà tác động của nó đến dòng chảy tại Tân Châu hoặc Châu Đốc cũng khác nhau. Với
những kết quả phân tích năm 2011 cho thấy những thay đổi so với trước đây, đặc
biệt là cơ chế truyền triều trên sông Cửu Long, sự thay đổi này cũng cần được
xem xét đánh giá trong thời gian tới.