Nghiên cứu công nghệ tổng hợp tinh bột phốt phát hoá ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm
Nguồn nguyên liệu tinh bột ở nước ta rất dồi dào nhưng các nhà máy chế biến tinh bột trong nước vẫn chủ yếu dừng lại việc thu tinh bột gốc.
Một số nước như Thái Lan, Singapo, Malaixia, Đài Loan... đã và đang đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất tinh bột sắn ở nước ta. Tuy nhiên phần lớn lượng tinh bột sản xuất ra là tinh bột thô có giá rẻ. Trong khi đó nhu cầu về các loại tinh bột biến tính phục vụ các ngành công nghiệp trong nước là rất lớn mà hiện nay đa phần đang phải nhập ngoại, đặc biệt là các loại tinh bột biến tính dùng trong thực phẩm và dược phẩm. Mỗi năm các nhà máy chế biến thực phẩm phải nhập hàng chục nghìn tấn tinh bột biến tính để phục vụ sản xuất. Trong khi đó giá thành của các sản phẩm này lại khá cao so với tinh bột gốc.
Một trong những loại tinh bột biến tính
được nhập về với số lượng lớn phục vụ sản xuất của các ngành công nghiệp giấy,
công nghiệp dệt, công nghiệp thực phẩm,...là tinh bột phốt phát hoá.
Với khả năng sử dụng rộng rãi trong nhiều
ngành công nghiệp đặc biệt trong công nghiệp thực phẩm, đề tài "Nghiên cứu công nghệ tổng hợp tinh bột phốt
phát hoá ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm" do ThS. Vũ Văn Hà làm chủ nhiệm đề tài đã
cho thấy việc nghiên cứu mang tính thực tiễn cao và có ý nghĩa kinh tế cao.
Trong công nghiệp thực phẩm tinh bột phốt
phát hoá có nhiều ưu điểm: tinh bột phốt phát sau khi được hồ hoá có độ nhớt
lớn, bền và trong hơn tinh bột gốc, kể cả trong điều kiện đông lạnh. Vì những
đặc tính đó nên nó được sử dụng rộng rãi trong sản xuất các sản phẩm cần bảo
quản đông lạnh, để làm chất ổn định, giữ màu sắc và độ ẩm cho các sản phẩm như
chất trộn salat, nước sốt, bánh, kem, sữa, bơ...
Đề tài đã nghiên cứu quy trình công nghệ
tổng hợp tinh bột phốt phát hoá từ nguồn tinh bột trong nước. Khảo sát các yếu
tố ảnh hưởng đến hiệu suất của phản ứng và tính chất của sản phẩm tinh bột phốt
phát hoá. Xây dựng quy trình công nghệ tối ưu, sử dụng quy trình này tổng hợp 2
kg sản phẩm tinh bột phốt phát hoá quy mô phòng thí nghiệm. Phân tích chất lượng
của sản phẩm tổng hợp được đối chứng với mẫu thương phẩm trên thị trường.
Đã khảo sát và phân tích các yếu tố ảnh
hưởng đến độ thế và hiệu suất của phản ứng cho thấy: Khi tăng nồng độ tác nhân
phốt phát hoá thì DS tăng; khi tăng nhiệt độ phản ứng thì DS tăng và đạt cực
đại; điều kiện pH có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành liên kết ngang trong
phân tử tinh bột phốt phát.
Từ các kết quả khảo sát các yếu tố ảnh
hưởng đến độ thế và hiệu suất của phản ứng thì đã xây dựng được quy trình công
nghệ thích hợp tổng hợp tinh bột phốt phát hoá ứng dụng trong công nghiệp thực
phẩm.
Đề tài đã phân tích, đánh giá chất lượng
sản phẩm bằng nhiều phương pháp khác nhau như phân tích hàm lượng phốt pho,
phân tích độ nhớt và độ trong,...Qua phân tích phổ hồng ngoại IR và xác định độ
thế DS cho thấy trong các tác nhân dùng để phốt phát hoá tinh bột, tác nhân
natri tripoly phốt phát là phù hợp hơn cả xét về mặt hiệu quả sản xuất và giá thành
sản phẩm, cho tinh bột phốt phát có chất lượng tương đương mẫu ngoại.
Có
thể tìm đọc toàn bộ Báo cáo KQNC Đề tài (số lưu trữ: (7642/2010) tại Cục Thông
tin KH&CN Quốc gia (http://db.vista.gov.vn).