Nghiên cứu các chỉ tiêu kỹ thuật của nền san hô và tương tác giữa kết cấu công trình và nền san hô
Nghiên cứu san hô và nền san hô là một lĩnh vực kỹ thuật rất phức tạp, từ trước tới nay còn rất ít tài liệu và công trình được công bố. Trên thế giới, việc nghiên cứu san hô được tiến hành tương đối sớm, đã đạt được một số kết quả nhất định, đặc biệt là tại các quốc gia Đông Nam Á và vùng các nước thuộc châu Á-Thái Bình Dương.
Đề tài “Nghiên cứu các chỉ tiêu kỹ thuật
của nền san hô và tương tác giữa kết cấu công trình và nền san hô” do
tác giả là GS.TS
Hoàng Xuân Lượng làm chủ nhiệm đề tài cho biết đây là một bài toán khó
và còn mới mẻ, việc nghiên cứu phần lớn mới tập trung vào bài toán tương tác cơ
học giữa kết cấu công trình và nền đất đá nói chung với mô hình nên thường là
đàn hồi tuyến tính, đàn dẻo, đàn nhớt, nền nhiều lớp. Đề tài có ý nghĩa khoa
học và tính ứng dụng cao, đặc biệt với các công trình phòng thủ của Bộ quốc
phòng ở quần đảo Trường Sa.
Với những mục tiêu chính là nghiên cứu về
san hô và nền san hô, xây dựng bộ số liệu về tính chất cơ lý của san hô và nền
san hô của vùng quần đảo Trường Sa phục vụ xây dựng dự án tiền khả thi và thiết
kế khả thi các công trình dân sinh và quốc phòng. Đề xuất thuật toán tính toán
tương tác giữa công trình và nền san hô dưới tác dụng của tải trọng động (tương
tác giữa cọc, tấm, vỏ, ống dẫn và nền san hô); và các giải pháp hợp lý khi xây
dựng công trình trên nền san hô (bao gồm giải pháp vật liệu, kết cấu và thi
công).
Nhằm đạt được các mục tiêu, đề tài đã tập
trung nghiên cứu theo các hướng như: tổ chức khảo sát địa chất để có được bộ số
liệu đầy đủ và có độ tin cậy cao, hoàn chỉnh về địa chất công trình ở một số
vùng trọng điểm thuộc khu vực quần đảo Trường Sa; tiến hành thí nghiệm ở hiện
và phòng thí nghiệm để xác định các chỉ tiêu kỹ thuật của san hô và nền san hô;
mô tả nền san hô một số vùng điển hình của quần đảo Trường Sa; tính toán tương
tác giữa kết cấu công trình và nền san hô; xây dựng cơ sở khoa học, đề xuất các
giải pháp công trình trên nền san hô; xác định và liên hệ địa chỉ ứng dụng kết
quả nghiên cứu phục vụ an ninh quốc phòng và kinh tế quốc dân.
Đề tài đã hoàn thành được 2 đợt khảo sát và
công tác tại đảo Sinh Tồn và Song Tử Tây - quần đảo Trường Sa, trong đó nổi bật
là đã khoan được 2 lỗ khoan sâu 56,4 m và 54,6 m làm cơ sở cho việc xây dựng
mặt cắt địa chất công trình các đảo này; đã đo vẽ một khối lượng bản đồ địa
hình, địa chất của 5 đảo thuộc quần đảo Trường Sa; đưa ra được các chỉ tiêu kỹ thuật
của san hô và nền san hô, kiểm định tính đúng đắn của kết quả bằng phương pháp
lý thuyết các bài toán tương tác; nghiên cứu lý thuyết, xây dựng mô hình, thuật
toán và chương trình phần mềm tính tương tác giữa kết cấu công trình dạng cọc,
tấm, vỏ, ống dẫn và nền san hô dưới các dạng tải trọng thường gặp, như tải
trọng điều hoà, tải trọng do nổ của bom đạn gây ra, ứng dụng các kết quả thực
nghiệm thu được như là các tính chất cơ lý, các thông số động học của nền san
hô, hệ số ma sát, các đồ thị thay đổi lực ma sát theo thời gian trong việc đưa
ra các giả thiết, mô hình, thuật toán và phương pháp giải, nên các bài toán
được giải quyết phản ánh thực sự làm việc của chúng trong nền san hô; xây dựng
bộ số liệu về cấu trúc địa chất và chỉ tiêu kỹ thuật của nền san hô vùng quần
đảo Trường Sa phục vụ xây dựng dự án tiền khả thi và thiết kế khả thi; phân
tích các yếu tố ảnh hưởng chất lượng công trình và từ đó đề xuất các giải pháp
hợp lý khi xây dựng công trình trên nền san hô.
Có
thể tìm đọc toàn bộ Báo cáo KQNC Đề tài (số lưu trữ: 7992/2010) tại Cục Thông
tin KH&CN Quốc gia (http://db.vista.gov.vn).