Hoàn thiện công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật đối kháng phòng bệnh thối rễ cho cây cà phê, bông vải vùng miền Trung Tây Nguyên
Trong những năm gần đây phân hoá học, thuốc trừ cỏ được sử dụng với số lượng lớn trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đất đai bạc màu, làm chết các sinh vật có ích, làm tăng khả năng kháng thuốc của sinh vật gây hại. Kết quả là việc sản xuất nông nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn. Đặc biệt, ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, cây bông vải và cây cà phê thường bị thối cổ rễ và héo xanh.
Để giảm tới mức thấp nhất hậu quả xấu do
phương pháp canh tác hoá học mang lại, đồng thời làm tăng hiệu quả kiểm soát,
dẫn tới tiêu diệt nguồn bệnh vi sinh vật gây hại cho cây trồng, các nhà khoa
học đang chú ý đến nguồn tài nguyên lớn thứ ba của giới tự nhiên - tài nguyên
vi sinh vật có ích. Phương pháp sử dụng vi sinh vật trong bảo vệ môi trường
không những mang lại hiệu quả cao, an toàn, sản phẩm thu hoạch không ảnh hưởng
tới người sử dụng, có lợi cho cân bằng sinh thái, mà còn giảm phần lớn lượng
thuốc hoá học sử dụng.
Chủ nhiệm đề tài TS Phạm Việt Cường đã cùng
các đồng nghiệp nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật
đối kháng phòng bệnh thối rễ cho cây cà phê, bông vải vùng miền Trung và Tây
Nguyên.
Đề tài sử dụng một số chủng vi sinh vật
được phân lập và tuyển chọn tại các vùng sinh thái miền Trung, Tây Nguyên, như
vậy để phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây. Công nghệ sản xuất chế phẩm phân
bón đối kháng cho cây trồng công nghệ chủ yếu là công nghệ lên men chìm và lên
men xốp các chủng vi sinh vật đối kháng, có bổ sung các chủng vi sinh vật hữu
ích khác và các nguyên tố đa, vi lượng, hoạt chất sinh học vào chất nền.
Qua quá trình nghiên cứu đề tài đã hoàn
thiện công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật đối kháng gốc qua hai công đoạn
là lên men chìm với 2 chủng vi khuẩn được nuôi cấy trong môi trường với các
thông số như nhiệt độ, tốc độ, thời gian thu hồi đã đạt được hiệu quả tốt nhất.
Công đoạn lên men xốp thực hiện với 2 chủng vi nấm và xạ khuẩn. Các tác giả đã
so sánh lên men đơn chủng và lên men chung 2 chủng và thấy rằng mặc dù có khác
nhau về nhiệt độ và thời gian nuôi cấy, nhưng khi lên men đa chủng với các
thông số độ ẩm, nhiệt độ, môi trường, cám bùn mía, vỏ cà phê sau 48-52h cho hiệu
quả cao nhất.
Đã hoàn thiện công nghệ lên men ủ các loại
bán thành phần hữu cơ và chế phẩm vi sinh đối kháng gốc. Sản phẩm thu được đã
được khảo nghiệm trên mô hình diện rộng và diện hẹp cho cây cà phê và cây bông.
Có
thể tìm đọc toàn bộ Báo cáo KQNC Đề tài (số lưu trữ: 8068/2010) tại Cục Thông
tin KH&CN Quốc gia (http://db.vista.gov.vn).