Phân lập, tuyển chọn, định danh và đánh giá các đặc tính probiotic của các chủng vi sinh vật hữu ích
Để sản xuất được các sản phẩm probiotic, nhà sản xuất cần có các vi sinh vật hữu ích, có đầy đủ các đặc tính probiotic như có khả năng tồn tại và phát triển trong đường tiêu hoá của vật nuôi và con người, kìm hãm sự phát triển của các vi sinh vật có hại trong đường tiêu hoá thông qua việc sản sinh các bacteriocin, axit hữu cơ, cạnh tranh dưỡng chất và vị trí bám dính trên niêm mạc ruột…
Để có được các vi sinh vật probiotic,
cần phải phân lập chúng từ các nguồn khác nhau trong tự nhiên, sau đó đánh giá
các đặc tính sinh học và các đặc tính probiotic của chúng. Những vi sinh vật
nào hội đủ các điều kiện của các vi sinh vật probiotic sẽ được phân loại, định
danh để đảm bảo rằng chúng thực sự là những vi sinh vật hoàn toàn vô hại đối
với sức khoẻ của vật nuôi và con người.
Nhóm tác giả do TS Trần Quốc Việt làm chủ
nhiệm đề tài đưa ra mục tiêu của đề tài nhằm tổng kết một cách có hệ thống các
kết quả nghiên cứu về phân lập, tuyển chọn, định danh và đánh giá các đặc tính
probiotic của các chủng vi sinh vật hữu ích.
Các vi sinh vật probiotic thường được sử
dụng trong chăn nuôi gồm 3 nhóm chính: vi khuẩn latic; vi khuẩn bacillus và nấm
men. Khi vào đường tiêu hoá của vật nuôi thông qua thức ăn hoặc nước uống, tuỳ
theo loài mà cơ chế tác động có lợi của chúng đến vật chủ theo các phương thức
khác nhau.
Để có thể được sử dụng như nguồn gốc
probiotic, các vi sinh vật cần hội đủ các điều kiện như phải là các vi sinh vật
hữu ích, vô hại đối với vật nuôi và con người; sống được trong đường tiêu hoá
của vật nuôi với các điều kiện khá bất lợi; có khả năng ức chế các vi sinh vật
có hại bằng nhiều cách khác nhau; có thể sinh trưởng và phát triển trong các
điều kiện môi trường khác nhau; tương thích cao với các thành phần có hoạt tính
trong khẩu phần thức ăn và có khả năng sống sót cao trong các điều kiện chế
biến và bảo quản.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, đề tài
đã mang lại những kết quả đó là trong 66 chủng được phân lập, đã đánh giá,
tuyển chọn và định danh bằng phương pháp sinh học phân tử được 4 chủng gồm 2
nấm men và 2 chủng vi khuẩn lactic. Bốn chủng này đều là những vi sinh vật lành
tính, có các đặc tính probiotic đặc trưng (bám dính tốt vào biểu mô ruột, sinh
trưởng và phát triển bình thường trong điều kiện tương tự như trong đường tiêu hoá
của vật nuôi, kháng các vi khuẩn kiểm định và có khả năng sản sinh enzyme tiêu
hoá và axit hữu cơ).
Các chủng vi sinh vật hữu ích đã được tuyển
chọn đều có tính tương thích cao với nhau, cho phép tạo nên nhiều dạng tổ hợp
phục vụ cho sản xuất sản phẩm probiotic.
Có
thể tìm đọc toàn bộ Báo cáo KQNC Đề tài (số lưu trữ: 7984/2010) tại Cục Thông
tin KH&CN Quốc gia (http://db.vista.gov.vn).