Doanh nghiệp cần xác định quyền được bảo vệ SHTT
Trong báo cáo đánh giá về tình hình thực thi sở hữu trí tuệ (SHTT), chống hàng giả trong lĩnh vực hải quan giai đoạn 2007 - 2011, Tổng cục Hải quan cho biết, một trong những kết quả nổi bật là chủ sở hữu quyền SHTT cần thực hiện tốt hơn quyền được pháp luật bảo vệ.
Xác định quyền được bảo vệ
Thực hiện Chương trình
hành động 168 của liên Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công
nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Thương mại (nay là Bộ
Công Thương), Công An ( gọi tắt là Chương trình 168) về H\hợp tác phòng và
chống xâm phạm quyền SHTT, Tổng cục Hải quan đã ban hành một số văn bản làm cơ
sở pháp lý cho hoạt động. Nhờ đó các chủ sở hữu quyền SHTT, chủ sở hữu hàng hóa
bị làm giả, người tiêu dùng đã thực hiện tốt hơn quyền được pháp luật bảo
vệ trước những thiệt hại do hành vi XNK hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu
trí tuệ của các tổ chức, cá nhân gây ra.
Bên cạnh đó, trách nhiệm
của cơ quan Hải quan các cấp, các tổ chức cá nhân liên quan (DN XNK, chủ sở hữu
quyền SHTT, chủ sở hữu hàng hóa bị làm giả hoặc đại diện hợp pháp của họ, tổ
chức giám định, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) cũng được xác định rõ.
Một mặt, tạo thuận lợi cho người bị thiệt hại trong việc thực hiện quyền của
mình. Mặt khác, góp phần tăng cường trách nhiệm của các đơn vị hải quan, của
công chức hải quan trong quá trình thực thi công vụ.
Nhận thức của xã hội và
cộng đồng DN về nhiệm vụ, vai trò của cơ quan Hải quan trong công tác thực thi
bảo vệ quyền SHTT cũng được nâng cao. Qua đó, tạo điều kiện cho các chủ thể
quyền tham gia, hỗ trợ trực tiếp cho cơ quan Hải quan trong quá trình bắt giữ,
xử lý cũng như hoạt động phối hợp trong công tác tuyên truyền, đào tạo.
Theo Tổng cục Hải quan,
trong 5 năm thực hiện Chương trình 168 từ 2007 đến 2011, số lượng đơn yêu cầu
giám sát SHTT tại biên giới đã tăng dần.
Năm 2007, ngành Hải quan
đã tiếp nhận và xử lý 27 đơn yêu cầu giám sát sở hữu trí tuệ tại biên giới và
đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK có liên quan đến
sở hữu trí tuệ. Tạm dừng làm thủ tục hải quan, bắt giữ và xử lý 13 vụ vi phạm.
Năm 2010, ngành Hải quan tiếp nhận và chấp nhận kiểm tra, giám sát SHTT tại
biên giới 115 đối tượng quyền SHTT. Năm 2011, ngành Hải quan tiếp nhận và xử lý
66 đơn yêu cầu giám sát SHTT tại biên giới. Tính đến 31-12-2011 có tổng cộng
275 đối tượng quyền được giám sát SHTT tại biên giới.
Các loại hàng hóa vị phạm
chủ yếu là điện thoại di động và linh kiện, máy tính và linh kiện máy tính, túi
xách các loại, rượu, thuốc lá…
Mặc dù số đơn yêu cầu giám
sát SHTT tại biên giới đã tăng, nhưng theo Thống kê của Tổng cục Hải quan,
số lượng các DN đăng ký bảo hộ quyền SHTT tại cơ quan Hải quan để được bảo vệ
cho chính sản phẩm của mình còn rất khiêm tốn.
Doanh nghiệp vẫn thờ ơ về SHTT
Theo Tổng cục Hải quan,
tình trạng hàng hóa mang nhãn hiệu của các DN Việt Nam đã có uy tín trên thị
trường bị làm giả từ nước ngoài, sau đó được chuyển lậu vào nội địa tiêu thụ đã
được cảnh báo từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, chính sự “thờ ơ” của các DN đã tạo
cơ hội cho hàng giả xâm nhập vào nội địa, ảnh hưởng đến uy tín của chính DN,
gây thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế và xã hội.
Mặc dù, một số DN tuy được
cơ quan Hải quan chủ động thông báo về việc đã xuất hiện hàng giả của chính DN
được đưa từ nước ngoài vào nội địa nhưng cũng không có sự phản hồi để cùng với
cơ quan Hải quan xây dựng những biện pháp phối hợp triển khai trong thực tế.
Bên cạnh đó, công tác đấu
tranh chống hàng giả, thực thi bảo vệ quyền SHTT hiện được giao cho các lực
lượng liên quan thực hiện trên cơ sở có sự phân định rõ ràng về chức năng, phạm
vi hoạt động theo thẩm quyền của các lực lượng này. Nhưng một trong những vấn
đề tồn tại lớn nhất hiện nay là hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin giữa các
lực lượng thực thi chưa được quan tâm đẩy mạnh.
Hàng năm đã có một lượng
hàng giả không nhỏ bị các lực lượng thực thi khác bắt giữ và xử lý có nguồn gốc
và hàng nhập lậu, gian lận thương mại trong khâu NK. Tuy nhiên, cơ quan Hải
quan chỉ nắm được những thông tin này chủ yếu qua các báo cáo tổng kết hàng năm
hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng mà không phải qua các kênh thông
tin nội bộ giữa các cơ quan thực thi. Điều này dẫn đến việc thông tin về số
liệu bắt giữ, hình thức xử lý, nguồn gốc hàng hóa bị bắt giữ thường không đầy
đủ, không chính xác và kịp thời. Do đó, cơ quan Hải quan không thể sử dụng các
thông tin này để phục vụ cho hoạt động hải quan.
Khuyến nghị
Để hoạt động phòng chống
xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt được hiệu quả hơn nữa, theo Tổng cục Hải quan
các cơ quan liên quan cần duy trì mối quan hệ phối hợp hiệu quả giữa các cơ
quan chức năng.
Cụ thể, các cơ quan chức
năng cần phối hợp xây dựng những chương trình đấu tranh, tuyên truyền cụ thể
đối với một số loại hàng hóa nhất định và trong một khoảng thời gian hợp lý
nhằm tập trung hơn nữa nguồn lực của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, cần
sớm xây dựng phương thức trao đổi và chia sẻ thông tin hợp lý và hiệu quả hơn
nữa giữa các lực lượng thực thi.
Đồng thời, tăng cường đào
tạo tập huấn, khảo sát thực tế học hỏi kinh nghiệm một số nước tiên tiến trong
khu vực và trên thế giới (nâng cao năng lực thực thi cho cán bộ hải quan chuyên
trách, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác thực thi
quyền SHTT, chống hàng giả).
Đặc biệt, cơ quan Hải quan
cũng sẽ học hỏi hơn nữa kinh nghiệm của các cơ quan chức năng Việt Nam và Hải
quan các nước bạn trong công tác thu thập, phân tích thông tin, phát triển cơ
sở dữ liệu, áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro về SHTT nhằm đẩy mạnh hiệu quả công
tác thực thi SHTT, chống hàng giả tại biên giới.
Năm 2007,
ngành Hải quan đã tiếp nhận và xử lý 27 đơn yêu cầu giám sát sở hữu trí tuệ
tại biên giới và đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa
XNK có liên quan đến sở hữu trí tuệ. Tạm dừng làm thủ tục hải quan, bắt giữ
và xử lý 13 vụ vi phạm. Năm 2010, ngành Hải quan tiếp nhận và chấp nhận kiểm
tra, giám sát SHTT tại biên giới 115 đối tượng quyền SHTT. Năm 2011, ngành
Hải quan tiếp nhận và xử lý 66 đơn yêu cầu giám sát SHTT tại biên giới. Tính
đến 31-12-2011 có tổng cộng 275 đối tượng quyền được giám sát SHTT tại biên
giới.
|