Startup công nghệ nông nghiệp FoodMap huy động thành công 1 triệu USD
Công ty dự định tập trung vào việc xuất khẩu nông sản, trong đó Trung Quốc và New Zealand là những thị trường mục tiêu.
Năm 2021, trong suốt thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại TPHCM, FoodMap là một trong số ít startup được cấp phép hoạt động liên tục và đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm cho người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội. Ảnh: FoodMap
Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành FoodMap, Phạm Ngọc Anh Tùng, cho biết các nhà đầu tư hiện tại gồm Vulpes Investment Management, Beenext và Wavemaker Partners đã tham gia vào vòng này. Một công ty gia đình Singapore cũng tham gia với tư cách nhà đầu tư mới.
Như vậy, tổng số tiền công ty huy động được kể từ khi thành lập vào năm 2020 là 4,5 triệu USD. Năm ngoái, công ty huy động được 3 triệu USD trong vòng gọi vốn tiền Series A do Vulpes Ventures và Beenext đồng dẫn đầu, với sự tham gia của Ascend Vietnam Ventures và Wavemaker Partners. Khi mới thành lập, FoodMap cũng đã huy động được 500.000 USD khoản tiền tài trợ hạt giống từ Wavemaker Partners.
FoodMap vận hành nền tảng thương mại điện tử công nghệ nông nghiệp duy nhất của Việt Nam, kết nối trực tiếp nông dân và nhà sản xuất thực phẩm vừa và nhỏ với khách hàng, cả theo hình thức doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2C).
Trước khi thành lập FoodMap, anh Tùng đã có hai năm làm Giám đốc Nông trại trà và cà phê Cầu Đất Farm với diện tích 200 ha. Giờ đây, Cầu Đất Farm đã trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng tại Đà Lạt.
Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành FoodMap, Phạm Ngọc Anh Tùng. Trước khi thành lập FoodMap, anh đã có kinh nghiệm làm Giám đốc Nông trại trà và cà phê Cầu Đất Farm. Ảnh: Danviet
Với niềm đam mê mãnh liệt dành cho nông nghiệp và sự đồng cảm trước những khó khăn mà người nông dân gặp phải, anh quyết định tạm dừng ước mơ triển khai ứng dụng IoT vào nông nghiệp và bắt đầu chặng đường với FoodMap để giải quyết những vấn đề nhức nhối nhất của người nông dân: nhu cầu bán hàng và tăng thu nhập.
"Nhờ công nghệ, FoodMap đã tạo ra nhiều ứng dụng và giải pháp để cải thiện từng mắt xích trong chuỗi cung ứng, chẳng hạn như việc thu mua nông sản và quy trình vận hành, giúp công ty đến gần hơn với khách hàng. Ngoài ra, FoodMap đã tạo ra hệ thống truy xuất nguồn gốc nội bộ của riêng mình, Dtrack, chủ yếu phục vụ khách hàng B2B," anh Tùng trả lời tờ Nikkei Asia.
Khách hàng có thể truy cập vào các sản phẩm của FoodMap thông qua nền tảng thương mại điện tử và ứng dụng di động. Tất cả các sản phẩm được liệt kê trên FoodMap đều có mã QR. FoodMap giúp nông dân tăng thu nhập khoảng 10-20% đối với các sản phẩm chưa qua chế biến. Ngoài ra, startup này cũng dựa vào các hiểu biết về thị trường và lượng tiêu thụ để lập kế hoạch thu hoạch trong tương lai.
Tính đến năm 2022, FoodMap đã cung ứng sản phẩm của hơn 300 nông dân và nhà sản xuất trên toàn Việt Nam. Công ty tuyên bố rằng cho đến nay, họ đã phục vụ 100.000 khách hàng cả B2C và B2B.
Mới đây, FoodMap đã bắt tay với các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada để giới thiệu dự án Tôn vinh nông sản Việt, hỗ trợ người nông dân xây dựng các doanh nghiệp bền vững, nâng cao giá trị thương hiệu và góp phần phát triển nền kinh tế khu vực.
Anh Tùng tiết lộ sắp tới FoodMap tập trung vào xuất khẩu nông sản, trong đó Trung Quốc và New Zealand là những thị trường mục tiêu.
Công nghệ nông nghiệp đang dần trở thành xu hướng. Nền tảng nuôi tôm Tép Bạc đã gọi vốn thành công 2,25 triệu USD trong vòng tiền Series A vào tháng Tư vừa qua. Cricket One, startup chuyên phát triển dòng sản phẩm protein bền vững với chi phí hợp lý bằng việc ứng dụng công nghệ và cách thức nuôi dế thâm canh, cũng đã đảm bảo được nguồn tài chính để vận hành. Gần đây, Cricket One kết hợp với FoodMap ra mắt sản phẩm snack dế sấy mang thương hiệu Rec Rec. Sản phẩm này đã có mặt ở các chuỗi nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, địa điểm giải trí và sẽ tiến vào các cửa hàng, tiệm tạp hóa thuộc kênh truyền thống.