SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nhiều hoạt động tôn vinh sáng tạo, đổi mới nhân ngày sở hữu trí tuệ

[13/04/2012 07:33]

Ngày sở hữu trí tuệ thế giới (26/4 hàng năm) là cơ hội để tôn vinh đóng góp của sở hữu trí tuệ đối với những sáng chế và sáng tạo văn hoá.

Thế giới tôn vinh...

Nhằm lưu ý cả thế giới về vai trò, ý nghĩa đó của sở hữu trí tuệ đối với tương lai phát triển của mình, và nhằm kỷ niệm ngày ra đời của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO (26/04/1970), cũng như khích lệ các thành quả của WIPO trong việc nỗ lực phát triển các hoạt động sở hữu trí tuệ trên thế giới, tại cuộc họp lần thứ 26 Đại hội đồng WIPO (năm 1999) đã quyết định lấy ngày 26/ 4 hàng năm là “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới”.

Ngày sở hữu trí tuệ thế giới nhằm nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của sáng chế, quyền tác giả, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp v.v…tới cuộc sống thường nhật; Tăng cường hiểu biết về vai trò của việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ đối với việc thúc đẩy hoạt động sáng tạo và đổi mới; Tôn vinh hoạt động sáng tạo và những thành quả mà các nhà sáng chế đã đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu; Khuyến khích tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác… Điều đó càng được khẳng định qua số lượng các nhà sáng tạo được đánh giá thông qua số văn bằng về sáng chế được các cơ quan SHTT của các quốc gia cấp.

Lý giải điều này, trong thông điệp với chủ đề “tôn vinh những sáng tạo vĩ đại”, Tổng giám đốc tổ chức SHTT thế giới, ông Francis Gurry nhận định, đây là cơ hội để tạo nên sự hiểu biết nhiều hơn về sở hữu trí tuệ với vai trò là cơ chế cân bằng các lợi ích cạnh tranh đối với sáng chế và sáng tạo văn hoá: lợi ích của cá nhân người sáng tạo và của xã hội; lợi ích của nhà sản xuất và người tiêu dùng; lợi ích trong khuyến khích sáng tạo và đổi mới, và lợi ích trong chia sẻ những lợi ích được tạo ra từ đây.

Ông cũng đưa ra các ví dụ như trường hợp của nhà sáng chế người Trung Quốc Thái Luân. Ông đã đặt nền tảng cho nền công nghiệp sản xuất giấy – công nghệ đã thay đổi mọi thứ, vì nó cho phép ghi lại kiến thức của nhân loại. Sau đó, phương pháp in ấn “movable type” (sử dụng các ký tự rời rạc) của thợ kim hoàn Johannes Gutenberg đã thúc đẩy quá trình phổ biến và dân chủ hoá kiến thức. Trong thời đại ngày nay, chúng ta đã chứng kiến sự dịch chuyển của nội dung từ dạng in sang dạng số, và quyền lực phân bổ các tác phẩm sáng tạo đã được đảm nhận bởi Internet và sự phát triển của World Wide Web – và để có được điều này chúng ta phải cảm ơn nhiều người, đặc biệt là Tim Berners Lee.

Đặc biệt hơn, đằng sau nhiều thành tựu phi thường là những câu chuyện cũng rất phi thường về con người. Vào thời gian khi mới chỉ có rất ít các nhà khoa học nữ, Marie Curie Sklodowska phải tranh đấu rất kiên cường để trở thành một nhà khoa học đúng nghĩa, chứ không chỉ là vợ của một nhà khoa học. Ao ước học hỏi và tìm hiểu của Marie Curie đã dẫn tới nhiều khám phá mang tính nền tảng. Nhờ đó, bà đã được trao hai giải Nobel cho hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau – vật lý và hoá học. Bà là người duy nhất từng đạt được thành tựu này.

“Chúng ta phụ thuộc và sáng chế, sáng tạo để tiến bộ. Không có các sáng tạo, chúng ta sẽ vẫn giậm chân tại chỗ. Nhưng các sáng chế, sáng tạo – như trong lĩnh vực y tế - sẽ tạo ra ít giá trị đối với xã hội nếu chúng không được chia sẻ và sử dụng. Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan về chính sách. Một mặt, chi phí để mua công nghệ và thuốc mới cực kỳ đắt đỏ. Mặt khác, nhu cầu cứu người và chia sẻ thành tựu hữu ích cũng cực kỳ lớn”, Francis Gurry nói.

Việt Nam hưởng ứng

Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 năm nay, Cục trưởng Cục SHTT Tạ Quang Minh cho biết, Cục Sở hữu trí tuệ  tổ chức “Tuần lễ Sở hữu trí tuệ” với nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ảnh hưởng của sáng chế, quyền tác giả, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp… tới cuộc sống thường nhật; đồng thời tăng cường hiểu biết về vai trò của việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ đối với việc thúc đẩy hoạt động sáng tạo và đổi mới. Đây cũng là dịp tôn vinh hoạt động sáng tạo và những thành quả mà các nhà sáng chế đã đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Năm nay, các hoạt động sẽ hướng đến đối tượng trí thức trẻ, sinh viên để tạo động lực và thu hút sự sáng tạo của tuổi trẻ, khuyến khích sinh viên tích cực nghiên cứu khoa học về sở hữu trí tuệ, đồng thời tuyên truyền rộng rãi về sở hữu trí tuệ cho sinh viên.

Đặc biệt là cuộc thi “Nhà quản lý với SHTT” và Tọa đàm “Nghiên cứu của sinh viên về SHTT” nhằm khuyến khích sinh viên tích cực nghiên cứu khoa học về SHTT, đồng thời tuyên truyền rộng rãi về SHTT cho sinh viên.

Nhằm nâng cao chất lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, Cục SHTT sẽ tổ chức các “Bàn tư vấn, hỗ trợ về xác lập quyền sở hữu công nghiệp” nhằm  hướng dẫn soạn thảo các tài liệu của đơn đăng ký; giải đáp các vấn đề liên quan đến thủ tục đăng ký sở hữu công nghiệp cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trong 4 ngày, từ ngày 23 – 26/4/2012. Tại đây, các tổ chức, cá nhân sẽ được giải đáp các thắc mắc về trình tự, thủ tục nộp đơn, tình trạng đơn đã nộp và cách khắc phục các thiếu sót của đơn v.v., nhất là đối với đơn đăng ký sáng chế.

http://khoahoc.baodatviet.vn (lntkhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ