SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đưa quyền sở hữu trí tuệ vào trường học

[20/04/2012 19:21]

Hai trường nghệ thuật vừa đưa quyền sở hữu trí tuệ vào giảng dạy nhằm giúp sinh viên hiểu quyền và trách nhiệm, thực hiện ngay từ ghế nhà trường.

Ở nhiều nước cũng quy định cụ thể việc sao chép tài liệu học tập đến trích dẫn trong làm bài. Liệu có nên mở rộng thực hiện quy định này trong sinh viên?

Vừa qua, hơn 70 sinh viên của các lớp: Sáng tác âm nhạc, chỉ huy (ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội), biên đạo múa, huấn luyện múa (Trường Trung cấp Múa TP.HCM) đã có buổi học đầu tiên môn Quyền tác giả và quyền liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ. Có thể nói, đây là lần đầu tiên quyền sở hữu trí tuệ được đưa vào học ở một trường không phải chuyên ngành luật.

Tạo nhận thức và thói quen cho sinh viên

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại tá-nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Hiệu trưởng trường, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy môn học này cần cho sinh viên, đặc biệt là những sinh viên múa, sáng tác, sân khấu điện ảnh… Vào đầu năm học tới, trường sẽ áp dụng dạy môn này trong toàn bộ chương trình đào tạo của trường”. Ông Trịnh cũng chia sẻ thêm, dạy môn học này để sinh viên hiểu, nắm rõ được luật và quan trọng hơn cả là tạo cho sinh viên thói quen trong việc sử dụng tác phẩm bản quyền. “Từ thói quen đó sinh viên có ý thức hơn với việc áp dụng bản quyền trong cuộc sống hằng ngày” - ông Trịnh nói.

Và, chính các nghệ sĩ hiện tại cũng chưa biết thực sự về quyền của mình nên tình trạng kiện tụng về tác quyền ca khúc, bản quyền âm nhạc, tác phẩm… vẫn thường diễn ra trên mặt báo.

Trường bỏ lỏng, vi phạm tràn lan

Bộ Giáo dục và Đào tạo từng ban hành Quy định về quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học (Số 78/2008/QĐ-BGDĐT) vào năm 2008.

Thế nhưng lâu nay, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường đại học, cao đẳng hầu như bỏ ngỏ. Sinh viên vi phạm bản quyền vẫn không biết đó là vi phạm hoặc xem chuyện vi phạm là bình thường, hiển nhiên đến độ thành thói quen. Bởi giá sách gốc đắt hơn sách sao chép (photocopy) nên sinh viên mượn sách của thư viện hoặc giảng viên để sao chép nguyên quyển với giá thành chỉ bằng một nửa giá gốc. Sinh viên xem việc mua và sử dụng những sản phẩm sao chép này là chuyện bình thường không có gì sai trái. Hay việc sinh viên chép tài liệu từ trên mạng khi làm tiểu luận, khóa luận nhưng không trích dẫn nguồn, tác giả, xuất xứ… Vì thế từ khi còn là sinh viên đã có thói quen sao chép, khi trở thành giảng viên những thói quen sao chép vẫn thường xảy ra. Không ít bài giảng của giảng viên lấy ví dụ từ sách, báo, các trang mạng nhưng không ghi rõ nguồn. Sao chép không trích dẫn tạo thành thói quen từ bài giảng, từ tiểu luận đến khóa luận rồi luận văn, luận án cũng không ghi nguồn. Chính từ đây mà những đề tài nghiên cứu khoa học cứ giông giống nhau liên tục xảy ra. Để chấn chỉnh thực trạng này nên chăng cần đưa việc giảng dạy và thực hiện quyền sở hữu trí tuệ vào chính nhà trường?

Không nên là môn học chính

Từ năm 2009, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đã ban hành Quy định về sở hữu trí tuệ trong nội bộ của trường. Theo đó, đối tượng quyền sở hữu trí tuệ của trường gồm: Quyền tác giả đối với tác phẩm giáo trình, bài giảng, báo cáo khoa học, các giống cây, các quy trình kỹ thuật. Quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, các máy móc thiết bị nông nghiệp, bí mật kinh doanh, logo, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, tên thương mại. Và quyền đối với giống cây trồng và vật liệu nhân giống.

Từ việc hai nhà trường đã nêu đưa quyền sở hữu trí tuệ vào chương trình học, có ý kiến đề nghị cần nhân̉ rộng mô hình này trong các trường ĐH và cao đẳng. Có thể môn Pháp luật đại cương vài tiết dành cho sở hữu trí tuệ. Hoặc có thêm những buổi nói chuyện cho sinh viên, đặc biệt áp dụng các trích dẫn trong làm luận văn, luận án, sử dụng sách sao chép…

TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, có ý kiến phản biện: “Cái tệ nhất hiện nay của xã hội là thấy cái gì cần thiết đều muốn đưa vào chương trình học làm chương trình học của sinh viên rất nặng nề. Không phải cái gì cũng đưa vào trường học. Sở hữu trí tuệ là cần thiết nhưng nó phù hợp giảng dạy ở những ngành quản lý trực tiếp về khoa học chứ không phải ngành nào cũng giảng dạy. Dù đưa vào môn tự chọn hay bắt buộc cũng vậy thôi! Sinh viên muốn biết phải đọc, tìm hiểu từ báo chí, mạng Internet… chứ trường không thể dạy mọi thứ trên đời”.

Luật sư Lê Quang Vy, Công ty Luật VLT Lawers, giảng viên phụ trách bộ môn Quyền tác giả và quyền liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ cho rằng: “Với sinh viên dù bất cứ ngành nào cũng đều cần biết quy định về trích dẫn để thực hành trong bài tập, khóa luận. Với môn học này, quan trọng là làm sao sinh viên phải hiểu và ý thức được việc tôn trọng bản quyền là việc hiển nhiên và thoải mái với việc đó”.

“Luật” dẫn nguồn ở Trường Kaplan Higher Education Academy

Tại Trường Kaplan Higher Education Academy (Singapore), ngày nhập học đầu tiên, sinh viên sẽ được học 6 tiếng đồng hồ về sở hữu trí tuệ và hướng dẫn các cách dẫn nguồn để sử dụng khi làm bài kiểm tra, tiểu luận trong toàn bộ chương trình học. Sau một tháng trường sẽ cho kiểm tra lại bằng hình thức trắc nghiệm. Trên thế giới hiện có nhiều hệ thống dẫn nguồn khác nhau. Hệ thống của APA (American Psychological Association) và Harvard. Khi làm bài tiểu luận, người viết sẽ ghi chú mình làm theo hệ thống nào để giám khảo có thể kiểm tra lại. Những trường học, tổ chức áp dụng hệ thống nào thì phải tuân theo quy tắc của hệ thống đó. Khi làm tiểu luận, có hai việc phải làm để cho việc dẫn nguồn được hợp lệ: trích dẫn (citation) và nguồn tham khảo (reference list).

Trích dẫn: Có ba cách đưa ý của một người khác vào bài của mình: trích dẫn nguyên văn (quote), rút gọn ý (summarize), diễn giải theo ý mình (paraphrase). Phải chia đều ra ba dạng khi trích dẫn. Tức là nếu trong một bài có 12 trích dẫn thì sử dụng mỗi kiểu bốn trích dẫn. Phía sau các đoạn trích dẫn phải ghi trong ngoặc ngắn gọn về tên của tác giả và thời gian lúc ý đó được viết ra. Tùy theo loại nguồn (sách, báo, tạp chí…) mà có nhiều cách để ghi trích dẫn. Ví dụ: Khi trích dẫn một đoạn trong cuốn sách cần phải ghi: tên tác giả, trang chứa đoạn trích dẫn và năm xuất bản. Trường Kaplan khống chế tỉ lệ trích dẫn là 30% dung lượng văn bản, nếu trích dẫn quá 30% sẽ bị xem là đạo văn.

Nguồn tham khảo là nguồn chứa trích dẫn trong bài luận mà người viết trích dẫn nằm ở cuối bài luận, nhằm để người đọc hoặc giám khảo có thể biết được nguồn gốc trích dẫn nằm ở đâu. Người viết có thể trích dẫn từ rất nhiều nguồn như sách, báo, ebook, blog, các nguồn từ Internet. Mỗi một loại nguồn như thế đều có một quy tắc riêng.

Ví dụ: Quy tắc ghi nguồn của sách giáo khoa theo kiểu APA gồm: tên các tác giả, thời gian xuất bản, tựa cuốn sách, tái bản lần thứ mấy, địa điểm xuất bản (tên thành phố hay đất nước) và tên nhà xuất bản.

Một sinh viên Kaplan Higher Education Academy

http://phapluattp.vn (lntkhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ