SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thanh Hóa: Tràn lan đồ chơi trung thu không rõ nguồn gốc, không tem nhãn

[26/09/2023 09:26]

Chỉ còn một tuần nữa là tới tết Trung thu nên các sản phẩm đồ chơi trẻ em đang được bày bán rất nhiều trên thị trường nói chung và địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Tuy nhiên các sản phẩm này đa phần đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn bằng tiếng Việt.

Đồ chơi trẻ em bán tại nhiều shop trên địa bàn TP.Thanh Hóa. Ảnh: Tạp chí Thương hiệu và Công luận

Đồ chơi trẻ em không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán tràn lan

Bên cạnh bánh dẻo, bánh nướng - món quà không thể thiếu trong ngày Tết Trung thu chính là đồ chơi cho trẻ em. Theo khảo sát trên địa bàn TP.Thanh Hóa, hiện, hoạt động mua bán đồ chơi những ngày này diễn ra hết sức sôi nổi.

Ghi nhận tại Shop Khánh Ben, đây là cơ sở kinh doanh khá nổi tiếng tại Thanh Hóa có địa chỉ tại 531 Nguyễn Trãi, TP.Thanh Hóa, tại đây bày bán la liệt các loại đồ chơi có dấu hiệu trôi nổi, không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại cho trẻ em.

Không chỉ shop Khánh Ben, tại shop Cua Party ở địa chỉ 217 Tống Duy Tân, TP.Thanh Hóa cũng bày bán không ít mặt hàng có dấu hiệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có chứng nhận hợp quy và cảnh báo an toàn theo quy định. Shop Cua Party ở địa chỉ 217 Tống Duy Tân, TP.Thanh Hóa bày bán không ít mặt hàng có dấu hiệu trôi nổi. Các sản phẩm không có chứng nhận hợp quy và cảnh báo an toàn theo quy định.

Liên quan tới hàng hóa đón tết Trung thu, trước đó thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường chất lượng sản phẩm hàng hóa đến hết năm 2023.

Ngay từ đầu tháng 9, các Đội quản lý thị trường đã tiến hành rà soát, nắm bắt số cơ sở kinh doanh mặt hàng bánh trung thu, đồ chơi trẻ em trên địa bàn quản lý; đồng thời chủ động phối hợp các ngành liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Trong quá trình kiểm tra, các Đội còn kết hợp đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các hộ kinh doanh để họ không tham gia, không tiếp tay cho hành vi vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, dù lực lượng chức năng đã nỗ lực tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng thực tế trên thị trường đồ chơi trẻ em vẫn tồn tại không ít “gam màu xám”.

Cụ thể, bên cạnh các đồ chơi hàng Việt như đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn cá chép trông trăng, đèn kéo quân giấy bóng kính, đèn cù, mặt nạ giấy, đầu lân, sư, rồng, trống mặt da… vẫn còn nhiều sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ được trà trộn bày bán, gây nguy hại cho sức khỏe trẻ em.

Cụ thể, ngày 08/09/2023, Đội Quản lý thị trườnh số 2 phát hiện 286 sản phẩm đồ chơi trẻ em gồm: đồ chơi câu cá trẻ em, đồ chơi đập chuột trẻ em, súng nhựa… Toàn bộ là hàng hoá do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. 

Từ khi triển khai tăng cường công tác kiểm tra, xử lý trong dịp Tết Trung thu 2023 đến nay, Đội QLTT số 3 đã tổ chức kiểm tra được 14 vụ, trong đó xử lý 04 vụ vi phạm về các hành vi: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu xử phạt: 5,25 triệu đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy 11,020 triệu đồng; 10 vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm xử phạt 20 triệu đồng…

Đồ chơi trẻ em cần đảm bảo tiêu chuẩn, an toàn

Theo ý kiến và phản ánh của nhiều người tiêu dùng, các mặt hàng này đều có xuất xứ từ Trung Quốc, dù nhận biết được sự độc hại của sản phẩm tuy nhiên vì giá cả phải chăng, nhiều màu sắc, mẫu mã bắt mắt nên vẫn được nhiều cơ sở kinh doanh nhập về bán.

Thực tế cho thấy, đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể gây hại đã được cảnh báo từ lâu nhưng mặt hàng này vẫn có mặt khắp nơi, từ nông thôn đến thành thị. Bất chấp cảnh báo, người tiêu dùng cũng như người buôn bán vẫn đưa mặt hàng này vào kinh doanh và sử dụng.

Theo ý kiến của các chuyên gia, mặt hàng đồ chơi trẻ em phải được sản xuất với tiêu chuẩn, kiểm soát khắt khe, đảm bảo nhựa dùng phải là nhựa nguyên chất, không phải nhựa tái sinh có nhiễm tạp chất bẩn.

Thêm nữa, các chất đưa vào như chất làm dẻo hóa, chất ôxy hóa, chất chống lão hóa… đều phải là những chất nằm trong danh mục được sử dụng cho sản xuất đồ chơi trẻ em. Bởi, những chất này nếu tồn dư nồng độ cao phơi nhiễm với hàm lượng thì có khả năng gây tác động đến sức khoẻ.

Những đồ chơi được sản xuất ở các nhà máy, công ty được kiểm soát thì tương đối an toàn. Còn hàng trôi nổi có thể người sản xuất sử dụng nhựa tái sinh, dùng các hoá chất công nghiệp hoặc các chất cấm để làm cho đồ chơi bắt mắt, giá siêu rẻ, không rõ nguồn gốc… rõ ràng chứa nguy cơ gây hại đến sức khỏe của trẻ.

Do đó, để Tết Trung thu diễn ra vui tươi, an toàn, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với người kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em; đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng; đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực, nhập lậu; kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và các quy định khác của pháp luật trong quản lý mặt hàng đồ chơi trẻ em. Từ đó, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong mùa Tết Trung thu.

Đồ chơi trẻ em bắt buộc phải chứng nhận hợp quy

Trên thị trường hiện có vô số loại đồ chơi trẻ em đến từ nhiều thương hiệu trong và ngoài nước. Bên cạnh sản phẩm nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cũng có không ít mặt hàng trôi nổi, nguy cơ mất an toàn. Chính điều này tạo nên sự khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng. Người tiêu dùng cũng khó có thể nhận diện được đâu là sản phẩm đồ chơi trẻ em có chất lượng đảm bảo nếu không có căn cứ để đối chiếu.

Trước tình hình đó, Bộ KH&CN đã ban hành QCVN 3:2019/BKHCN quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em để quản lý về sản phẩm này.

Quy chuẩn quy định yêu cầu đối với đồ chơi trẻ em nhằm giảm thiểu các mối nguy và rủi ro liên quan đến an toàn, sức khoẻ của trẻ, phương pháp thử tương ứng, các nội dung quản lý đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường. Quy chuẩn áp dụng với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ đồ chơi trẻ em, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Việc ghi nhãn đồ chơi trẻ em thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá. Các quy định về cảnh báo nêu trong tiêu chuẩn tương ứng phải được thể hiện trên nhãn hàng hóa. Đồ chơi trẻ em phải được công bố hợp quy phù hợp quy định của Quy chuẩn này trên cơ sở kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức chứng nhận được chỉ định. Đồ chơi trẻ em trước khi lưu thông trên thị trường phải gắn dấu hợp quy.

Danh mục sản phẩm đồ chơi trẻ em bắt buộc phải công bố hợp quy: Đồ chơi hoặc bộ phận tiếp xúc với đồ chơi có trọng lượng ≤150g được thiết kế dành cho trẻ em dưới 3 tuổi và có thể cầm nắm bằng tay. Đồ chơi hoặc bộ phận tiếp xúc với đồ chơi được thiết kế cho trẻ em từ 3 tuổi trở xuống. Phần khởi động của đồ chơi. Đồ chơi tiếp xúc với mũi hoặc miệng. Vật liệu rắn được sử dụng cho đồ chơi với mục đích để lại dấu vết. Chất lỏng màu có thể tiếp cận được trong đồ chơi. Các loại đất nặn dùng để nặn, nặn. Tác nhân tạo bọt khí. Các loại đồ chơi mô phỏng hình xăm. Các sản phẩm còn lại không được coi là đồ chơi trẻ em đã được quy định rõ trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 3:2019/BKHCN.

https://vietq.vn (nnttien)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ