Hà Nội: 'Cuộc chiến' truy xuất nguồn gốc nông sản còn nhiều khó khăn
Mặc dù thời gian qua TP.Hà Nội đã nỗ lực không ngùng trong việc áp dụng việc truy xuất nguồn gốc nông sản tuy nhiên quá trình này vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi như kỳ vọng.
Dù TP Hà Nội đã cấp 12.802 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm lên hệ thống tuy nhiên việc áp dụng vẫn chưa rộng rãi và còn nhiều hạn chế. Ảnh: NNVN
Truy xuất nguồn gốc là một trong 8 vấn đề trọng tâm của chuyển đổi số nông nghiệp. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là với hàng hóa nông sản tại thị trường Việt Nam vì sản phẩm hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng ngày càng tràn lan.
Nhận thức được tầm quan trọng của truy xuất nguồn gốc, cách đây 2 năm TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 15 về thực hiện đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030” chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ năm 2021-2025, TP.Hà Nội đã tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kiến thức về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, mã số, mã vạch cho khoảng 1.500 lượt cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, ban ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã cùng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Lĩnh vực mà Hà Nội ưu tiên là nông, lâm, thủy sản, thuốc chữa bệnh; sản phẩm, hàng hóa chủ lực, trong đó sử dụng mã số, mã vạch để truy xuất nguồn gốc.
Giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2030, bên cạnh việc đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp TP còn hoàn thiện hệ thống quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội, đơn vị vẫn duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm trên địa bàn. Đã cấp tài khoản tham gia quản lý cho 3.346 cơ sở là các HTX, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm, thủy sản đồng thời đã cấp 12.802 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm lên hệ thống.
Song song với đó, TP.Hà Nội đã sử dụng hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn qua phần mềm ứng dụng công nghệ GIS nhằm nắm bắt kịp thời các nguy cơ và siết chặt công tác quản lý.
Việc dán mã QRcode và đọc mã QRcode để minh bạch nguồn gốc xuất xứ nông sản thực phẩm dần đã trở nên phổ biến hơn với các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất cũng như người tiêu dùng trong quá trình bán và mua. Đồng thời QRcode cũng góp phần ngăn chặn nạn “thực phẩm bẩn” không rõ nguồn gốc, xuất xứ bày bán tràn lan trên thị trường. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, sản phẩm sản xuất theo chuỗi an toàn, có tem nhãn đều bán được với giá cao hơn sản phẩm sản xuất thông thường 10 - 30%. Nhờ đó hệ thống điện tử check.vn đã dần dần được các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh tự nguyện ứng dụng.
Dẫu vậy, quá trình truy xuất nguồn gốc bằng QRcode vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi như kỳ vọng. Nguyên nhân là do đặc thù của ngành nông nghiệp Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Các doanh nghiệp, tổ nhóm hay HTX trên địa bàn ít vốn, lực yếu nên việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị để áp dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, lưu thông, sơ chế, chế biến đến kinh doanh phần lớn chỉ được từng khúc, từng đoạn.
Tiếp đến là do hệ thống quy định, chế tài pháp luật về truy xuất nguồn gốc sản phẩm chưa cụ thể, chưa là bắt buộc phải có nên không thực hiện chủ cơ sở vẫn bán được hàng.
Việc tuyên truyền mục đích, ý nghĩa khi truy xuất nguồn gốc nông sản và dán nhãn QRcode cho sản phẩm còn chưa được thấm nhuần tới các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất. Nông sản, thực phẩm vẫn chủ yếu được tiêu thụ qua các chợ truyền thống, nơi không có yêu cầu, ràng buộc nào về xuất xứ hàng hóa, nơi người tiêu dùng có thói quen cứ thấy rẻ, đẹp mắt là mua chứ không mấy khi yêu cầu phải minh bạch các quá trình sản xuất, lưu thông, sơ chế, chế biến thế nào.
Để tháo gỡ khó khăn trong việc ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản, nhiều đại diện HTX kiến nghị các sở, ngành tiếp tục hỗ trợ HTX về ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, đưa thông tin lên hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc của TP Hà Nội. Đồng thời, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản với các DN để đưa vào kênh bán hàng hiện đại. Về phía HTX sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ việc ghi chép nhật ký sản xuất hàng ngày của nông dân, sau đó nhập lên hệ thống để quản lý nguồn gốc.
Đề cập về giải pháp dài hạn, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, TP. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng được 50 liên kết chuỗi đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với các vùng sản xuất chuyên canh tập trung của thành phố. Trong đó 100% liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn được ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc để minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.
Theo đó, TP.Hà Nội sẽ có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ liên kết hợp tác trong sản xuất; sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn có truy xuất nguồn gốc; ứng dụng kinh doanh thương mại điện tử nhằm tăng cường khả năng phân phối, lưu thông hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN hướng tới xuất khẩu.
Về phía các địa phương cần hỗ trợ DN, HTX, cơ sở sản xuất về truy xuất nguồn gốc trên địa bàn như: Tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký mã số, mã vạch, mã QR... Cùng với đó hỗ trợ gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm an toàn, hỗ trợ tham gia các hội chợ trưng bày, kết nối sản phẩm.