Đặc điểm ra hoa, đậu quả và ảnh hưởng của 3,5,6 TPA, GA3 đến năng suất và phẩm chất vải chín sớm Bình Khê.
Nghiên cứu do nhóm tác giả Đào Quang Nghị, Trịnh Khắc Quang (Viện Nghiên cứu Rau quả) và Hoàng Minh Tấn (trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) thực hiện nhằm nâng cao tỷ lệ đậu quả cũng như năng suất, chất lượng của vải chín sớm ở vùng trồng vải xã Bình Khê, Uông Bí, Quảng Ninh.
Vải Bình Khê là giống vải chín sớm đã được
Viện Nghiên cứu Rau quả tuyển chọn và Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận, cho
phép đưa vào cơ cấu giống sản xuất từ năm 2006 nhằm rải vụ thu hoạch ở các vùng
trồng vải lớn, tập trung. Giống vải chín sớm Bình Khê có thời gian ra hoa sớm,
khoảng từ 10 – 25 tháng 12 và bắt đầu nở vào khoảng từ 5 tháng 2 đến 10 tháng
2, kích thước chùm hoa lớn, tổng số hoa nhiều nhưng tỷ lệ hoa cái và hoa lưỡng
tính thấp. Với kiểu đa số hoa đực nở trước, những đợt nở hoa sau có rất ít hoặc
không có hoa đực nở sẽ không thuận lợi cho hoa vải thụ phấn, thụ tinh. Đây
là một trong những nguyên nhân làm cho
tỷ lệ đậu quả thấp. Áp dụng biện pháp kỹ thuật phun chất điều hòa sinh trưởng
3,5,6 TPA 30 ppm và GA3 50 ppm riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau sau
tắt hoa 10 ngày có tác dụng làm tăng tỷ lệ đậu quả và năng suất quả.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ đậu quả của các
công thức phun 3,5,6 TPA 30 ppm và GA3 50 ppm riêng rẻ hoặc kết hợp với 6,1 –
7,0 % năng suất đạt từ 50,4 – 61,8 kg/cây, tương đương 17,6 – 21,6 tấn/ha; đối
chứng không phun tỷ lệ đậu quả chỉ đạt 5,5% và năng suất đạt 46,6 kg/cây tương
đương 16,3 tấn/ha. Phun GA3 50 ppm riêng rẽ và phun kết hợp với
3,5,6 TPA 30 ppm làm tăng kích thước quả và giảm khối lượng hạt của vải Bình
Khê đáng kể, từ đó làm tăng tỷ lệ phần ăn được cũng như một số chỉ tiêu về phẩm
chất quả . Tuy nhiên, khi phun riêng rẽ GA3 thì không có tác dụng
làm giảm khối lượng hạt cũng như khi phun riêng rẽ 3,5,6 TPA cũng không có tác
dụng làm tăng độ lớn của quả.
Tạp Chí Nông nghiệp & PTNT, 6/2012