SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phát triển tài sản trí tuệ: Vấn đề cấp thiết

[03/05/2012 15:36]

Tài sản trí tuệ (TSTT) - loại tài sản vô hình, ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong tổng tài sản của các doanh nghiệp. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khác nhau, TSTT vẫn chưa được phát triển, thương mại hóa rộng rãi. Do đó, hỗ trợ phát triển TSTT đang là vấn đề cấp thiết.

Ở Việt Nam, bên cạnh sự phát triển của nền kinh tế, TSTT dần được coi trọng. Công tác nghiên cứu, sáng tạo không chỉ phát triển ở các viện nghiên cứu, các trường đại học mà đã phát triển tại nhiều doanh nghiệp, cá nhân.

Số lượng đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích của người Việt Nam nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ tăng trung bình khoảng  hơn 10 % mỗi năm. Điều này chứng tỏ nhận thức về bảo hộ thành quả sáng tạo công nghệ trong xã hội được nâng cao. Đồng thời, khẳng định chính sách bảo hộ TSTT của Việt Nam tạo được lòng tin từ các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Việt Nam dần hoàn thiện hệ thống pháp luật như: xây dựng Nghị định Bảo hộ sở hữu công nghiệp; Nghị định thi hành Luật Sở hữu Trí tuệ (sửa đổi). Tích cực tham gia đàm phán các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ các hiệp định hợp tác như: Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương; Hiệp định khung về hợp tác toàn diện Việt Nam – EU; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU...

Dù vậy, xét về tổng thể, phát triển TSTT còn gặp không ít khó khăn. Lượng đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ chiếm 10% tổng số đơn đăng ký sáng chế nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ;  90% đơn đăng ký còn lại là của  nước ngoài. Việt Nam hiện chưa có văn bản pháp luật quy định riêng cho định giá TSTT. Hệ thống tiêu chuẩn định giá TSTT cũng chưa có. Về phía doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến TSTT cũng như làm thế nào để loại tài sản này mang lại lợi ích lớn nhất.

Theo kết quả tìm hiểu nhu cầu chuyển giao và áp dụng sáng chế để hỗ trợ trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT (Chương trình 68) thì tình hình thương mại hóa các sáng chế đang được bảo hộ tại Việt Nam rất hạn chế. Nguyên nhân do số lượng sáng chế, công nghệ có khả năng thương mại hóa không nhiều. Chưa tạo ra được thị trường chuyển giao sáng chế, công nghệ hoạt động hiệu quả. Tổ chức, cơ quan hỗ trợ hướng dẫn chuyển giao sáng chế, công nghệ còn ít. TS. Phạm Hồng Quất - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN (Bộ KH-CN) - cho biết thêm, một khó khăn nữa hạn chế thương mại hóa sáng chế là độ “vênh” giữa nhà sáng chế và nhà đầu tư. Nhà đầu tư tính toán đến chi phí, khả năng thu lợi, khai thác như thế nào trong khi nhà sáng chế lại nghĩ đến việc làm thế nào để sáng chế vươn cao, vươn xa, có giá trị cao nhất.

Để hỗ trợ việc ứng dụng và phát triển TSTT, mới đây,  Bộ trưởng Bộ KH-CN đã phê duyệt danh mục các dự án thuộc Chương trình 68 để tuyển chọn, cho triển khai thực hiện trong 2 năm 2013-2014. Theo đó, danh mục gồm 79 dự án, trong đó có 22 dự án do Trung ương quản lý và 57 dự án thuộc loại Trung ương ủy quyền cho địa phương quản lý.

Ông Tạ Quang Minh - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - cho biết, so với danh mục được đăng ký hàng năm, Bộ KH-CN đã đẩy mạnh và ưu tiên một loạt dự án trong các lĩnh vực mới. Đặc biệt là dự án áp dụng sáng chế, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học để quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; dự án tổ chức triển khai hoạt động sở hữu trí tuệ trong các trường đại học. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả, phải nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về ý nghĩa kinh tế của tài sản trí tuệ. Từ đó, có chiến lược tạo dựng, duy trì, phát triển TSTT hợp lý.

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ