SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng thương hiệu cho hàng hóa xuất khẩu: Không thể chậm trễ!

[03/05/2012 15:55]

Với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt trên 96 tỷ USD, trong đó có nhiều mặt hàng đạt giá trị và sản lượng ở nhóm đầu trên thế giới, nhưng thương hiệu cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa được các doanh nghiệp, nhà quản lý quan tâm, đầu tư và phát triển xứng tầm.

Điểm yếu của DN Việt Nam

Thực tế cho thấy, hầu hết những mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu vẫn chỉ ở dạng xuất thô, xuất khẩu nguyên liệu hoặc nếu đã qua chế biến thì lại mang tên của đối tác nước ngoài. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng: Giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam so với các nước có trình độ tương đương thấp hơn nhiều. Một trong những nguyên nhân là việc xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản chưa được quan tâm đúng mức.

Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, thế nhưng giá trị lại thấp - lý do rất đơn giản là vì chưa có thương hiệu, do đầu tư dàn trải, không tập trung vào những giống lúa chất lượng cao nên thường chỉ xuất được gạo từ lúa cao sản, chất lượng thấp. Sản lượng nhiều mà giá trị không được bao nhiêu.

Cá tra Việt Nam hiện có mặt ở 125 thị trường thế giới, nhưng câu chuyện thương hiệu vẫn là rào cản khiến phần lớn cá tra Việt Nam xuất khẩu dưới cái tên của các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng thế giới ít biết đến sản phẩm đặc thù của Việt Nam. Còn với ngành dệt may, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền- Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May 10 - cho biết: Ngành may mặc của Việt Nam chưa có một thương hiệu nào đủ mạnh để cạnh tranh với thế giới, cũng như ngành nông sản hay thủy hải sản vậy.

Bà Nguyễn Thị Minh Lý- Phó giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp - QUACERT - nhận xét: Khi tham gia thị trường toàn cầu, nếu nông sản Việt Nam cứ tiếp tục cạnh tranh bằng giá thì không những chúng ta không thể có lãi suất cao để duy trì chất lượng thương hiệu mà còn có nguy cơ tự đánh mất thị trường xuất khẩu.

Là đơn vị đầu mối của Chương trình Xúc tiến thương hiệu quốc gia, ông Đỗ Thắng Hải- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - bày tỏ lo ngại: Thương hiệu vẫn là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông Hải, càng hội nhập sâu thì thương hiệu hàng Việt càng bị che lấp bởi các thương hiệu lớn trên thế giới và điều này cũng đồng nghĩa với việc giá trị của sản phẩm Việt không cao, không có vị trí xứng tầm trên thị trường quốc tế.

Chiến lược tổng thể: Không thể chậm trễ

Luôn đứng đầu trong nhóm ngành có kim ngạch XK cao nhất và tăng trưởng ổn định, hàng dệt may Việt Nam đang dần thoát khỏi cái bóng của các nhà nhập khẩu nước ngoài khi giảm dần tỉ lệ hàng gia công và tăng dần hàng tự thiết kế, sản xuất. Bà Huyền chia sẻ: Đây là lợi ích giữa doanh nghiệp và quốc gia. Nếu quốc gia hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển thương hiệu thì thế giới sẽ biết đến quốc gia nhiều hơn.

Xây dựng phát triển thương hiệu hàng xuất khẩu là việc không thể chậm trễ, cần một chiến lược tổng thể, bài bản, tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp để làm nên những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia. Gợi ý để xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt, Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho rằng: Phải bắt đầu từ doanh nghiệp. Sự hợp tác của doanh nghiệp và nông dân cùng với nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ tạo ra vùng sản xuất rộng lớn.

Về phía DN và hiệp hội, có nhiều ý kiến khá tâm huyết cho việc xây dựng thương hiệu sản phẩm xuất khẩu. Bà Trịnh Thị Ngọc Sâm - Giám đốc Công ty TNHH Vinh Sâm (Phú Yên) - cho biết, DN đã hợp tác với 5 nhà đầu tư Nhật Bản thành lập một công ty liên doanh kinh doanh, chế biến xuất khẩu cá ngừ đại dương, khi đi vào hoạt động liên doanh xuất khẩu mỗi năm 2.000 - 3.000 tấn cá ngừ. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Vinh Sâm quyết xây dựng cho bằng được thương hiệu “cá ngừ đại dương Phú Yên” trên thị trường quốc tế. Ông Nguyễn Văn Thâm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định lại cho rằng: “Để xây dựng thương hiệu gỗ Việt Nam thì doanh nghiệp phải làm theo đúng quy trình sản xuất của quốc tế”.

Trong chiến lược phát triển xuất khẩu giai đoạn 2011-2020, Chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia được đề cập là một trong những nội dung quan trọng của các biện pháp tăng xuất khẩu. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng thương hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho những mặt hàng nông sản có thế mạnh.

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ