Con đường trở thành kỳ lân của startup thủy sản eFishery
Là một trong những startup kỳ lân đầu tiên trong ngành thủy sản trên thế giới, eFishery hiện phục vụ 70.000 nông dân và 280.000 ao nuôi cá ở Indonesia.
Đồng sáng lập Gibran Huzaifah tại văn phòng của công ty ở Bandung, Indonesia. Ảnh: TechInAsia
Công ty được thành lập vào năm 2013 tại Bandung, thủ phủ của tỉnh Tây Java, Indonesia. Người sáng lập công ty Gibran Huzaifah nói rằng ước mơ ban đầu của anh là muốn cải thiện sinh kế cho các hộ nghèo nuôi cá tại địa phương. Bản thân Huzaifah cũng sinh ra trong một gia đình nghèo và anh thấu hiểu các khó khăn về kinh tế có thể gây trở ngại đến việc tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới.
Huzaifah ghi danh chuyên ngành sinh học tại Học viện Công nghệ Bandung. Trong một giờ học về nuôi trồng thủy sản, anh cảm thấy bài giảng về cá da trơn vô cùng cuốn hút. Anh bị thuyết phục rằng nuôi trồng thủy sản là tương lai của thực phẩm, và quan trọng hơn, đó là con đường giúp thoát khỏi cảnh nghèo khó. Ngay lập lức, Huzaifah thuê một ao nuôi cá da trơn. Trong vòng ba năm, Huzaifah đã phát triển lên thành 76 ao nuôi.
Trong suốt quá trình làm trang trại, Huzaifah trực tiếp trải qua những thách thức của ngành nuôi trồng thủy sản. Đó là tỷ suất lợi nhuận quá nhỏ vì chi phí thức ăn cao, nhưng giá bán sản phẩm lại thấp vì phải qua tay các thương lái. Nhờ hỗ trợ của một người bạn có kiến thức công nghệ từng học cùng trường là Chrisna Aditya, họ đã chế tạo một mô hình cho cá ăn tự động, sử dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) để giải quyết vấn đề cá ăn quá nhiều hoặc quá ít. Không lâu sau, họ quyết định thành lập công ty eFishery để đưa sản phẩm công nghệ này ra thị trường.
Thiết bị cho ăn thông minh eFishery Feeder gồm phần mềm và phần cứng với các cảm biến để theo dõi chuyển động nước trong ao nuôi. Khi các cảm biến phát hiện một số chuyển động nhất định, máy cho ăn có thể xác định rằng cá bị kích động và đói, sau đó giải phóng thức ăn. Người nông dân có thể theo dõi tiến trình này theo thời gian thực và điều khiển hệ thống từ xa bằng một ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Máy cho ăn tự động tại các ao nuôi cá ở Indonesia. Ảnh: eFishery
eFishery Feeder cũng cho phép chủ trang trại theo dõi và lên lịch cho ăn. Giả sử, họ muốn giải phóng 150 gram thức ăn vào lúc bảy giờ sáng, 50 gram vào lúc 3 giờ chiều và 100 gram lúc 11 giờ tối, họ chỉ cần đặt hẹn giờ trên app. Thông tin trên app sẽ truyền tới máy cho ăn để đẩy lượng thức ăn viên thích hợp ra đều trên mặt ao vào những thời điểm được chỉ định. Thiết bị này cũng thu thập dữ liệu về mô hình sản xuất của trang trại và hành vi của cá, từ đó đưa ra các dự đoán cho người nông dân.
eFishery tuyên bố họ giúp các trang trại giảm tới 21% chi phí và giải quyết được một vấn đề dai dẳng trong nuôi trồng thủy sản: sự không nhất quán trong việc cho cá ăn. Thói quen cho ăn bất thường có thể khiến cá tăng trưởng không đồng đều, gây lãng phí tài nguyên, cản trở lợi nhuận và hiệu quả của ngành nuôi trồng thủy sản.
Mặc dù hữu ích nhưng thiết bị eFishery Feeder không được đón nhận ngay lập tức. Công ty phải đối mặt với sự thờ ơ từ những người nông dân vốn quen với các tập quán truyền thống. Nhiều người từ chối công nghệ vì không quen với Internet hoặc không phải là người dùng Internet thường xuyên.
Hai nhà đồng sáng lập nhanh chóng nhận ra rằng đổi mới sáng tạo không chỉ là về công nghệ, mà còn nằm ở cách thức giao tiếp và tôn trọng trí tuệ bản địa của người nông dân. Nhóm của Huzaifah đã mở các khóa học "Internet 101" để dạy nông dân cách tạo email, sử dụng Facebook, thu thập thông tin trên YouTube và các hoạt động dựa trên Internet khác. Điều này khiến họ có được sự tin tưởng của các chủ trang trại địa phương và nhanh chóng mở rộng.
Kể từ năm 2020, eFishery đã mở rộng mạng lưới nông dân của mình gấp 10 lần, đạt con số70.000 ngàn người sử dụng cho hơn 280.000 ao nuôi tại 280 thành phố của Indonesia.
Aditya thấy lạc quan về tương lai của ngành này. "Tỷ lệ đánh bắt cá biển có xu hướng trì trệ, tăng trưởng chỉ 3%, so với nuôi trồng thủy sản tăng 21% trong sáu năm qua. Triển vọng của ngành này ngày càng sáng sủa vì tiềm năng còn rất lớn", anh chia sẻ trong lễ ra mắt eFishery Academy, một đơn vị được mở ra để đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trẻ cho ngành thủy sản tại Indonesia.
Bên cạnh đó, eFishery sử dụng dữ liệu thu thập ở trang trại để đưa ra các sản phẩm mới cho người nông dân, bao gồm tài chính, tiếp cận thị trường và chuỗi cung ứng.
"Dữ liệu sẽ là phần thú vị nhất của doanh nghiệp vì từ dữ liệu, chúng tôi có thể làm được rất nhiều. Chúng tôi có thể dự đoán. Chúng tôi có thể kết nối nông dân với người mua. Chúng tôi có thể kết nối nông dân với các nhà sản xuất, và thậm chí chúng tôi có thể xây dựng một số điểm tín dụng," Huzaifah nói. "Người nuôi trồng thủy sản rất khó tiếp cận vốn vay vì đây là một ngành kinh doanh không thể đoán trước được, nhưng chúng tôi có thể sử dụng điểm tín dụng mà chúng tôi đánh giá để giúp các ngân hàng, công ty bảo hiểm cung cấp các khoản vay và sản phẩm bảo hiểm cho người nuôi cá."
Mạng lưới thiết bị IoT của eFishery có thể thu thập dữ liệu từ nhiều trang trại để dự đoán nhu cầu thức ăn chăn nuôi, thị trường buôn bán, và tính điểm tín dụng. Ảnh: eFishery
Tất cả những kế hoạch này đang bắt đầu thành hiện thực. Công ty đã cho ra mắt các gói thuê thiết bị cho ăn tự động mà nông dân chỉ cần trả khoảng 5.000 rupiah/ngày (khoảng 8.000 đồng/ngày), eFishery Mall (sàn thương mại điện tử, nơi tập trung buôn bán thức ăn chăn nuôi cho cá, tôm), eFishery Fresh (sàn thương mại điện tử tập trung bán cá và tôm tươi, áp dụng mô hình B2B), và Kabayan (chương trình tài chính trả sau dành cho người nuôi cá).
Chỉ trong năm 2022, eFishery bán ra 63 triệu con cá, 14 triệu con tôm, 179 triệu kg thức ăn thủy sản. Dhianendra Laksmanagement, giám đốc tài chính của eFishery tiết lộ rằng thu nhập ròng của công ty đã dương trong năm ngoái, dù rất mỏng. Các nguồn tin riêng biệt của DealStreetAsia cho biết công ty có doanh thu khoảng 260 triệu USD năm ngoái.
Đóng góp của eFishery cho nền kinh tế Indonesia rất đáng kể, chiếm 1,55% GDP vào năm 2022. Để hiểu tầm quan trọng của thành tựu, hãy nhớ rằng Indonesia tự hào có ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản lớn thứ hai trên toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc, sản xuất khoảng 23 triệu tấn cá mỗi năm.
eFishery là một công ty phần cứng với thị trường ngách mà không nhiều nhà đầu tư mạo hiểm (nếu có) sẽ hiểu. Rất nhiều nhà đầu tư chỉ ném tiền của họ vào các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số thuần túy với chi phí thấp.
Amy Novogratz, đồng sáng lập của Aqua-Spark, một trong những quỹ đầu tư đầu tiên rót vốn vào eFishery, cho biết: “Khi chúng tôi gặp eFishery vào năm 2014, có rất ít công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, và không cái nào phù hợp với túi tiền của các tiểu nông. Hiện nay, chỉ sau chưa đầy một thập kỷ, eFishery đang cho thế giới thấy định nghĩa về “sự chuyển đổi”. Hàng trăm nghìn ao nuôi ở Indonesia đang sử dụng công nghệ của họ. Ngày càng nhiều nông dân có nhu cầu trở thành thành viên của cộng đồng eFishery để tiếp cận sản phẩm đầu vào với giá hợp lý, đảm bảo chất lượng, từ đó tăng năng suất, tăng lợi nhuận, hướng tới sản xuất bền vững”.
Về một mặt, eFishery đang số hóa ngành nuôi trồng thủy sản của Indonesia. Mặt khác, họ đang góp phần nâng chất lượng và lợi nhuận của ngành nuôi trồng thủy sản của Indonesia lên.
Với số vốn hơn 200 triệu USD mới huy động được từ các quỹ đầu tư do42XFund dẫn đầu trong năm nay, eFishery đã trở thành công ty khởi nghiệp đầu tiên trong ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu đạt mức định giá 1,4 tỷ USD. Với vị thế kỳ lân này, eFishery đang đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng như mở rộng phạm vi tiếp cận lên một triệu ao nuôi trồng thủy sản vào năm 2025.
eFishery cũng có chiến lược mở rộng ra nước ngoài. Những thị trường mà họ hướng tới là Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh, vì đây là những nhà xuất khẩu các sản phẩm nuôi trồng thủy sản lớn, đồng thời cũng là thị trường tiêu dùng lớn. eFishery tiết lộ đã có các cuộc thảo luận ban đầu với các đối tác địa phương tiềm năng ở những quốc gia này.
www.khoahocphattrien.vn (nnttien)