Không nên sử dụng tên địa phương làm nhãn hiệu
Hiện nay, có một số trường hợp tên địa danh được sử dụng làm nhãn hiệu. Mặc dù, các địa phương này có thể có một số đặc sản địa phương do đặc tính địa lý vùng miền nhất định.
Tuy nhiên, nhiều sản phẩm chưa nổi tiếng, cũng như chưa đạt điều
kiện để bảo hộ như một chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Do vậy, có một số trường hợp địa
danh này được bảo hộ dưới hình thức đăng ký nhãn hiệu.
Trong trường hợp này, pháp luật về SHTT của Việt Nam và cũng như
nhiều nước trên thế giới không cản trở việc chuyển nhượng nhãn hiệu bao gồm việc
chuyển nhượng cho một bên nước ngoài.
Đối với đối tượng SHTT là CDĐL như dấu hiệu "Phú Quốc"
cho sản phẩm nước mắm, thì mọi đối tượng không đảm bảo các tiêu chí của CDĐL
Phú Quốc sử dụng không được sự đồng ý của Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc đều là vi
phạm. Thậm chí, các hộ dân trên đảo Phú Quốc nếu sản xuất không đạt tiêu chí của
CDĐL Phú Quốc mà sử dụng cũng có thể bị coi là vi phạm. Tuy nhiên, không phải địa
phương nào cũng đạt đủ điều kiện để trở thành CDĐL.
Theo quy định tại Điều 79, Luật SHTT 2005: Điều kiện chung đối với
CDĐL được bảo hộ "CDĐL được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau: 1.Sản phẩm
mang CDĐL có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước
tương ứng với CDĐL; 2. Sản phẩm mang CDĐL có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc
tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước
tương ứng với CDĐL đó quyết định".
Thương hiệu nông sản của người nông dân không nên sử dụng chính
tên địa phương làm nhãn hiệu. Bản chất của nhãn hiệu theo nghĩa đơn giản chính
là phân biệt nhà sản xuất này với nhà sản xuất khác. Đối với những địa phương
thực sự có những đặc sản nông sản do tính chất địa lý vùng miền đem lại, đạt chất
lượng cao, ổn định được nhiều người biết mới có thể đáp ứng điều kiện bảo hộ
CDĐL. Theo đó, các hiệp hội sẽ có quy định quản lý chuẩn mực cho cá nhân, tổ chức
có sản phẩm đủ điều kiện để sử dụng CDĐL.