Hiệu quả từ việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng trong ngành dược
Ðối với hàng hóa nói chung, thuốc chữa bệnh nói riêng, việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng là vô cùng quan trọng. Bởi những sản phẩm này tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, đòi hỏi phải được giám sát chặt chẽ tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm cuối cùng.
Trải qua nhiều thập kỷ nghiên cứu, ngày nay ngành dược
đã thiết lập được một hệ thống tiêu chuẩn hóa, kiểm soát sản phẩm khá hoàn
thiện và không phải ngành sản xuất nào cũng đạt được. Ðể bảo đảm chất lượng sản
phẩm đầu ra, mỗi giai đoạn trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, bảo quản, phân
phối, cung cấp đến khi hướng dẫn sử dụng thuốc đều phải được quy chuẩn hóa một
cách phù hợp. Các tiêu chuẩn này được tổng kết thành hệ thống hướng dẫn thực
hành tốt và được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có
Việt Nam. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã từ lâu được coi là cơ quan đóng
vai trò trung tâm trong việc hòa hợp tiêu chuẩn y tế nói chung và ngành dược
nói riêng, đồng thời hỗ trợ các nước đang phát triển để xây dựng bộ hướng dẫn
thực hành tốt của riêng mình (bộ tiêu chuẩn GPs-WHO). Trải qua quá trình phát triển
và hoàn thiện, đến nay, về cơ bản các hướng dẫn thực hành tốt đã bao gồm tất cả
các giai đoạn của ngành dược như: Thực hành tốt thử nghiệm lâm sàng (GCP); Thực
hành tốt sản xuất thuốc (GMP); Thực hành tốt kiểm nghiệm thuốc (GLP); Thực hành
tốt bảo quản thuốc (GSP); Thực hành tốt phân phối thuốc (GDP); Thực hành tốt
nhà thuốc (GPP).
Tại nước ta, đến nay, Bộ Y tế cũng đã ban hành đầy đủ
và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn hóa trong ngành dược, từ nguyên liệu đầu vào
đến thành phẩm tới tận tay người tiêu dùng. Chính vì vậy, chất lượng thuốc sản
xuất trong nước ngày càng được nâng cao, bằng chứng là tỷ lệ thuốc kém chất lượng
của thuốc nội ngày càng giảm. Một số tập đoàn dược phẩm đa quốc gia đã đến khảo
sát, đánh giá và quyết định cho phép sản xuất nhượng quyền thuốc tại Việt Nam.
Thông thường, một loại thuốc sẽ có thời gian bảo hộ
bằng sáng chế 20 năm, trước khi các chế phẩm generic khác được phép xuất hiện.
Khoảng thời gian đó đủ để doanh nghiệp thu hồi chi phí bỏ ra ban đầu và tiếp
tục đầu tư vào nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Tuy nhiên, chính những ràng
buộc độc quyền này đôi khi lại là rào cản khiến người dân không thể tiếp cận
với thuốc trị bệnh, nhất là những bệnh hiểm nghèo như HIV/AIDS, lao hay ung
thư. Chìa khóa để giải quyết mâu thuẫn này nằm ở lộ trình tiêu chuẩn hóa trong
nghiên cứu phát triển (R&D). Tiêu chuẩn hóa giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả
nghiên cứu, giảm chi phí tìm ra được thuốc mới. Do đó, lợi thế này cho phép
doanh nghiệp giữ giá bán ở mức vừa phải trong khi vẫn thu được lợi nhuận tương
đối đủ để tái đầu tư và nghiên cứu. Không những thế, phía người bệnh cũng sẽ dễ
dàng chấp nhận hơn nếu hiệu quả điều trị của thuốc tương xứng với số chi phí
phải bỏ ra.
Ngành công nghiệp dược nước ta chủ yếu vẫn đang sản
xuất thuốc generic, với các hoạt chất đã biết chứ chưa đi sâu vào nghiên cứu
phát triển sản phẩm mới. Vì vậy, việc thực hiện các tiêu chuẩn đóng vai trò chủ
yếu trong những lĩnh vực sản xuất, phân phối lưu thông và hướng dẫn thực hành
sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả. Ngoài ra, đối với cơ quan quản lý, áp
dụng tiêu chuẩn hóa vào các hoạt động tác nghiệp thường xuyên sẽ giúp tăng
cường hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động của thị trường; bảo
đảm cân bằng lợi ích của cả Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp.
Tính đến hết năm 2011, ngành công nghiệp dược Việt Nam
đã có 112 nhà máy sản xuất thuốc đạt GMP-WHO, cùng với hàng nghìn doanh nghiệp
và cơ sở bán lẻ thuốc đạt các chứng nhận GDP - GLP - GSP và GPP. Nếu tất cả các
khâu của quá trình sản xuất thuốc generic được giám sát chặt chẽ theo các tiêu
chuẩn thực hành tốt GPs, chất lượng thuốc Việt Nam hoàn toàn có thể so
sánh với thuốc phát minh và người bệnh có thể an tâm sử dụng với mức phí không
cao.
http://www.nhandan.org.vn (nthieu)