Sóc Trăng: Tích cực kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường chất lượng và ghi nhãn hàng hóa
Để kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm hàng hóa, tỉnh Sóc Trăng chú trọng công tác kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và ghi nhãn hàng hóa.
Sóc Trăng chú trọng công tác kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và ghi nhãn hàng hóa. (Ảnh: Đài PTTH Sóc Trăng)
Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua tình hình hoạt động thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và ghi nhãn hàng hóa lưu thông trên địa bàn tỉnh được các đơn vị trực thuộc triển khai tích cực, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành thanh tra, kiểm tra hơn 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh xăng dầu; vàng trang sức, mỹ nghệ; kinh doanh mũ bảo hiểm; đồ chơi trẻ em…
Nội dung kiểm tra tập trung vào việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các văn bản liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Kiểm tra hàng đóng gói sẵn. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, phương tiện đo nhóm 2 và ghi nhãn hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa trong kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ… Qua kiểm tra chưa phát hiện hành vi vi phạm, các cơ sở chấp hành tốt các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bùi Minh Châu cho biết, nhằm ngăn chặn việc kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, sản phẩm hàng hóa được các ngành chức năng quản lý chặt chẽ về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn mác ghi rõ ràng, không chỉ tạo uy tín cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà quyền lợi của người tiêu dùng cũng được đảm bảo.
Để nâng cao hiệu quả quản lý tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hóa trong sản xuất, lưu thông trên thị trường, trong thời gian tới, đơn vị sẽ chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Thanh tra sở tiếp tục thực hiện công tác thanh, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Đồng thời, thanh tra theo chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Phối hợp Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh về việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và ghi nhãn hàng hóa sản phẩm lưu thông trên địa bàn tỉnh. Việc thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.
Trong diễn biến liên quan, ngày 15/4/2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg ban hành “Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa”. Qua hơn 12 năm thực thi Quy chế này đã bộc lộ một số hạn chế, bật cập. Theo đó, về phối hợp trong công tác chia sẻ thông tin và xây dựng Kế hoạch, hiện nay, Quy chế quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Tổng cục, cục và tương đương trực thuộc các Bộ, đã giao cho nhiều đơn vị có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của mình, trong đó có công tác kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Do đó, hằng năm, các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của mình. Quá trình xây dựng kế hoạch thường được thực hiện trong nội bộ của mỗi đơn vị, chưa có cơ chế phối hợp chia sẻ, tiếp cận thông tin, dẫn đến nhiều chồng chéo, trùng lặp về nội dung, đối tượng kiểm tra, gây khó khăn cho doanh nghiệp, chưa đúng tinh thần tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Về phối hợp trong công tác kiểm tra triển khai kế hoạch, Quy chế phối hợp ban hành kèm theo Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg hiện nay chỉ giới hạn trong việc phối hợp kiểm tra chất lượng, chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm kiểm tra được giao tại các Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Đo lường, trong khi chất lượng sản phẩm, hàng hóa có sự gắn kết chặt chẽ, không tách rời của hai luật này.
Về phối hợp công tác giữa cơ quan kiểm tra với cơ quan thanh tra, mặc dù hệ thống pháp luật về thanh tra đã quy định đầy đủ và chặt chẽ về việc xây dựng kế hoạch thanh tra, xử lý chồng chéo, trùng lặp, tuy nhiên, pháp luật thanh tra chỉ quy định phối hợp giữa các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, chưa có cơ chế phối hợp giữa cơ quan kiểm tra với cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về xử lý chồng chéo, trùng lặp.
Ngoài ra, còn một số nội dung khác liên quan đến công tác phối hợp qua thực tiễn tổng kết Quyết định 36 cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, thay thế nhằm phù hợp với quy định của các Luật, Nghị định mới ban hành và thực tiễn yêu cầu.
Trước những bất cập, hạn chế của Quy chế hiện hành, việc sửa đổi, bổ sung Quy chế là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy chế phối hợp thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng” để thay thế Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg ngày 15/4/2010, hiện đang được Bộ Khoa học và Công nghệ lấy ý kiến rộng rãi.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự thảo Quyết định ban hành “Quy chế phối hợp thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng”; cùng nhau đánh giá và thống nhất những hạn chế, bất cập qua 12 năm thực thi “Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa” và thảo luận các nội dung xem xét đưa vào để sửa đổi Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg. Ngày 11/7/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ có công văn số 2176/BKHCN-TĐC gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo thay thế Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, quan điểm xây dựng dự thảo Quyết định phải phù hợp với định hướng của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra; bảo đảm tính kế thừa và tính phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, dự thảo cần có nội dung sửa đổi những quy định chưa phù hợp, bổ sung, cập nhật những quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Các quy định trong dự thảo cần có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra giữa các bộ, ngành và địa phương, tránh chồng chéo, trùng lặp.
Ông Hà Minh Hiệp - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết,Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ là đầu mối, phối hợp với Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình hoàn thiện hồ sơ dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg cho phù hợp với tình hình thực tế và hội nhập quốc tế.