Sản xuất than thương phẩm theo TCVN 8910:2020 giúp kiểm soát chất lượng
Thời gian qua, tình trạng vận chuyển than không rõ nguồn gốc xuất xứ diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành gây ra nhiều hệ lụy. Do đó, để kiểm soat chất lượng trước khi lưu hành than thương phẩm cần đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo TCVN 8910:2020.
Phương tiện vận chuyển than không rõ nguồn gốc bị phát hiện. (Ảnh: Đỗ Văn Phung)
Than đá sử dụng nhiều trong sản xuất và đời sống. Trước đây, than dùng làm nhiên liệu cho máy hơi nước, đầu máy xe lửa. Sau đó, than làm nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện, ngành luyện kim.
Gần đây than còn dùng cho ngành hóa học tạo ra các sản phẩm như dược phẩm, chất dẻo, sợi nhân tạo. Mặc dù than đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt cũng như nhiều ngành công nghiệp tuy nhiên hiện nay tình trạng vận chuyển than không rõ nguồn gốc diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành.
Liên tiếp thu giữ lượng lớn than không rõ nguồn gốc xuất xứ
Thời gian qua, lực lượng chức năng nhiều tỉnh thành liên tiếp phát hiện và thu giữ lượng lớn than không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điển hình, chiều 30/5/2023, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) phối hợp Phòng CSGT, Công an tỉnh Hưng Yên kiểm tra, bắt giữ 2 tàu đẩy đang vận chuyển khoảng 7.000 tấn than không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp trên tuyến sông Hồng, thuộc địa phận xã Phú Cường, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.
Ngày 13/6, Đội Cảnh sát kinh tế chủ trì, phối hợp với Đội CSGT của Công an TP.Cẩm Phả và Công an phường Quang Hanh (Quảng Ninh) đã kiểm tra, phát hiện tàu chở khoảng 100 tấn than không rõ nguồn gốc. Ngày 7/7/2023, Phòng Cảnh sát đường thủy thuộc Công an tỉnh Quảng Ninh cũng phát hiện một phương tiện đường thủy không có biển kiểm soát, chở 40 tấn than không có hóa đơn, chứng từ.
Tại Hải Phòng, lực lượng chức năng cũng liên tiếp phát hiện lượng lớn than không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngày 11/10/2023, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TP.Hải Phòng cho biết, đơn vị đã tạm giữ để điều tra và hoàn chỉnh hồ sơ xử lý chiếc tàu chở hơn 1.200 tấn than không rõ nguồn gốc. Thuyền trưởng khai nhận đã mua gom số than này từ nhiều nguồn khác nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trên đường vận chuyển đi tiêu thụ thì bị lực lượng biên phòng TP.Hải phòng phát hiện, bắt giữ.
Ngày 9/11/2023 tại khu vực biên giới biển thuộc vùng nước cảng Hải Phòng, Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng chủ trì, phối hợp Hải đội Biên phòng 2 phát hiện, bắt giữ tàu có biển kiểm soát HP 6028 do Phạm Đức Việt (trú tại xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) làm thuyền trưởng cùng 02 thuyền viên đang vận chuyển 615 tấn than không rõ nguồn gốc.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8910:2020 về than thương phẩm
Than thương phẩm là nguyên liệu không thể thiếu trong các ngành công nghiệp chế biến và sản xuất, từ sản xuất điện đến sản xuất xi măng. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng than thương phẩm được sử dụng trong ngành công nghiệp này, cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8910:2020 được áp dụng cho than thương phẩm sản xuất trong các nhà máy than tại Việt Nam và được sử dụng để kiểm soát chất lượng sản phẩm này. Tiêu chuẩn quy định yêu cầu kỹ thuật cho các loại than thương phẩm gồm than cục, than cám, than bùn tuyển và than không phân cấp.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8910:2020 quy định tỷ lệ giữa khối lượng phần cỡ hạt than có kích thước nhỏ hơn kích thước giới hạn xác định so với tổng khối lượng xác định, tính theo phần trăm khối lượng. Tỷ lệ giữa khối lượng phần cỡ hạt có kích thước lớn hơn kích thước giới hạn xác định so với tổng khối lượng xác định, tính theo phần trăm khối lượng. Phần khoáng không cháy được sau khi đốt cháy hoàn toàn than ở điều kiện xác định, tính theo phần trăm so với khối lượng than được quy về trạng thái khô.
Tổng của ẩm trong và ẩm ngoài của mẫu khô không khí và có thể loại bỏ dưới các điều kiện xác định. Tỷ lệ phần trăm theo khối lượng của lượng khí và hơi đã trừ đi hàm lượng ẩm được giải phóng khỏi nhiên liệu khi được gia nhiệt trong môi trường không có không khí ở điều kiện tiêu chuẩn so với khối lượng nhiên liệu được quy khô.
Giá trị năng lượng riêng tuyệt đối của quá trình đốt, tính bằng calo, đối với đơn vị khối lượng nhiên liệu rắn được quy về trạng thái khô, được đốt cháy với oxy trong bom nhiệt lượng dưới các điều kiện tiêu chuẩn. Sản phẩm cháy thu được bao gồm khí oxy, nitơ, carbon dioxit, lưu huỳnh dioxit, nước (tương đương trạng thái bão hòa với carbon dioxit dưới điều kiện phản ứng trong bom) và tro rắn. Tổng hợp các dạng lưu huỳnh trong mẫu than khô được xác định trong điều kiện tiêu chuẩn.
Về độ tinh khiết của than thương phẩm được xác định bằng phương pháp đo hàm lượng các chất không cháy lại (S-content) trong mẫu than phải đạt từ 0,5% – 1,5%.
Yêu cầu về cỡ hạt khi giao nhận ban đầu không lớn hơn từ 66mm đến 100mm đối với than cục, than cám không lớn hơn 25mm, than bùn tuyển không lớn hơn 0,5mm, than không phân cấp không lớn hơn 200mm.
Về độ tro, khô từ 3,00 % đến 16,00% đối với than cục; từ 5,00% đến 45,00% đối với than cám; từ 27,01 % đến 35% đối với than bùn tuyển; từ 31,01% đến 45,00% đối với than không phân cấp.
Hàm lượng ẩm toàn phần không lớn hơn 6,00% đới với than cục; không lớn hơn 23,00% đối với than cám; không lớn hơn 25,00% đối với than bùn tuyển; không lớn hơn 16,00% đối với than không phân cấp. Hàm lượng lưu huỳnh tổng khô không lớn hơn 1,75% đối với than cục; không lớn hơn 4,00% đối với than cám; không lớn hơn 1,75% đối với than bùn tuyển; không lớn hơn 9,00% đối với than không phân cấp.
Trị số tỏa nhiệt toàn phần khô không nhỏ hơn 6700Cal/g đối với than cục, 4100Cal/g đối với than cám; 5000Cal/g đối với than bùn; 3650Cal/g đối với than không phân cấp.
Việc than thương phẩm đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chuẩn trên sẽ giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm đúng với các tiêu chuẩn quy định. Điều này đảm bảo rằng than thương phẩm được sử dụng trong các ngành công nghiệp có chất lượng đúng và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của sản xuất. Giúp người tiêu dùng có thể tin tưởng rằng sản phẩm mà họ sử dụng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất.
Việc sử dụng than thương phẩm đạt tiêu chuẩn còn giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, bởi vì sản phẩm có chất lượng đảm bảo đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, giảm thiểu các thành phần không mong muốn và tối ưu hóa quá trình sản xuất.