Tạo môi trường thử nghiệm đặc thù, thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Chuyên gia đề xuất cơ chế sandbox đối với mô hình kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo trong bối cảnh pháp luật hiện hành chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ.
Theo TS Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) cho biết, sandbox (khung pháp lý riêng để tiến hành thử nghiệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo) là mô hình linh hoạt và cách tiếp cận mới, đáp ứng sự phát triển và nhu cầu đổi mới sáng tạo của các startup lĩnh vực kinh tế chia sẻ trong bối cảnh pháp luật hiện hành chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ.
Sandbox là khung pháp lý thử nghiệm áp dụng trong phạm vi hạn chế, cho phép doanh nghiệp triển khai và ứng dụng các công nghệ mới, thử nghiệm hoạt động kinh doanh mới, có tính chất đổi mới sáng tạo trong phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý để đánh giá, kiểm nghiệm và điều chỉnh trước khi trở thành chính sách chung.
Theo bà, trước những vấn đề "quản không được" hoặc hoặc chưa hiểu rõ, việc áp dụng cơ chế sandbox là lựa chọn mà nhiều quốc gia đã thực hiện. Tuy nhiên việc áp dụng cơ chế này cho lĩnh vực nào và trong điều kiện nào phải được phân tích từng tình huống chính sách cụ thể.
TS Hoa nhìn nhận, mỗi lĩnh vực cũng cần một sandbox riêng biệt bởi không có một công thức chung cho mọi lĩnh vực. Cần đặt ra giới hạn về đối tượng áp dụng, thiết lập quy định của khung pháp lý thử nghiệm theo hướng mở, linh hoạt để nhanh chóng điều chỉnh. Theo bà, Việt Nam cần khung pháp lý về sandbox, khung pháp lý thí điểm sandbox không áp dụng đại trà, mà chỉ dành cho một số ít các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đáp ứng đủ các điều kiện đặt ra.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Thái Lan, bà Nirada Werasopon, Văn phòng Hội đồng chính sách quốc gia về đào tạo sau đại học, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo Thái Lan (NXPO) ủng hộ việc xây dựng cơ chế thử nghiệm. Thái Lan từng phát triển mô hình dựa trên công nghệ sinh học, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh. Cụ thể, dựa trên nguồn tài nguyên sinh học có thể tái tạo và chuyển đổi thành thành sản phẩm có giá trị gia tăng. Kinh tế tuần hoàn với mục đích tối đa hóa nguồn tài nguyên có hạn, trong khi kinh tế xanh giúp giữ vững phát triển xã hội môi trường.
Bà cho biết có 13 cơ chế chính thực hiện, trong đó nổi bật với hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp sản phẩm địa phương, đảm bảo an toàn thực phẩm. Việc áp dụng yếu tố kỹ thuật xanh đảm bảo bền vững hàng hóa dịch vụ, tạo hành lang nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ, hỗ trợ startup, ý tưởng khởi nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm chuyển giao công nghệ hoạt động.
Mô hình thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, chính sách thí điểm cho một số lĩnh vực kinh doanh ứng dụng máy bay không người lái tại Việt Nam hay phát triển kinh tế trang trại ứng dụng chuyển đổi số cũng được các đại biểu nêu.
Các ý kiến cho rằng cần thiết có mô hình thử nghiệm, trong đó cách ứng xử với mô hình đó ở mỗi quốc gia là khác nhau, cần học hỏi và tham khảo để áp dụng phù hợp với Việt Nam. Hiện chưa có hành lang pháp lý cho sandbox. Bản chất xây dựng cơ chế thí điểm dựa trên đổi mới sáng tạo đặc thù, phù hợp đặc tính riêng của từng lĩnh vực, do đó cần nghiên cứu tránh các vấn đề phát sinh vượt tầm kiểm soát hay miễn trừ rủi ro như thế nào, xử lý vấn đề phát sinh ra sao.