Giải thưởng Vifotec ngày càng gần gũi với cuộc sống
Tối 15-5, tại Hà Nội, 38 tác giả và nhóm tác giả có công trình khoa học xuất sắc đã được vinh danh và trao giải trong Lễ tổng kết và trao Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec), giải thưởng WIPO và giải thưởng Cúp vàng sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2011.
Tới dự lễ có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện
Nhân, đại diện các bộ, ngành và đông đảo các nhà khoa học. Phó Thủ tướng Nguyễn
Thiện Nhân đã nhiệt liệt chúc mừng thành tích của các cá nhân và đơn vị nhận được
giải thưởng, đồng thời bày tỏ mong muốn, các nhà khoa học, các doanh nghiệp tiếp
tục đóng góp nhiều “chất xám” hơn nữa, để mỗi sản phẩm mang thương hiệu Việt
Nam trở thành mẫu mực trong khu vực và trên trường quốc tế.
Năm 2011, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được
109 công trình tham gia ở 6 lĩnh vực: cơ khí tự động hóa; công nghệ thông tin,
điện tử viễn thông; công nghệ sinh học; công nghệ môi trường... Hội đồng giám
khảo đã chọn ra 38 công trình để trao giải. 4 giải nhất, 9 giải nhì, 13 giải ba
và 12 giải khuyến khích. Ngoài ra, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cũng
đã trao bằng chứng nhận và biểu trưng cho 5 công trình, tác giả xuất sắc và 1
doanh nghiệp.
Nhóm tác giả thuộc Viện Khoa học Công nghê quân sự nhận giải thưởng
|
Một điều dễ nhận thấy là các công trình khoa
học nhận được giải năm 2011 thực sự xuất phát từ thực tế cuộc sống, vì vậy các
công trình có tính ứng dụng trong thực tiễn đời sống cao.
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TSKH Đặng Vũ
Minh, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ
thuật Việt Nam (VUSTA) cho biết, trong 17 năm qua, đã có hơn 2000 công trình
khoa học tham gia dự thi, trong số này đã có hơn 500 công trình nhận được các
giải thưởng. Sự đóng góp, cống hiến của các nhà khoa học có ý nghĩa vô cùng
quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, giúp các sản
phẩm của Việt Nam có thể cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác trong khu vực
và trên thế giới.
Phấn khởi chia sẻ niềm vui khi được vinh
danh tại buổi lễ, Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thoát nước và phát triển đô thị tỉnh
Bà Rịa - Vũng Tàu - một người được biết đến với rất nhiều “biệt hiệu” như
doanh nhân đam mê nghiên cứu khoa học; kỷ lục gia Việt Nam về khoa học công nghệ;
“người hùng” ngành cấp thoát nước…cho biết, công trình "Nghiên cứu ứng dụng
giếng khoan thăm bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn liên kết nối cống trong hệ
thống hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường" của ông cùng các cộng sự là một
trong 4 công trình được trao giải nhất năm nay.
Ông Thảo cho biết thêm, hiện ông đang
giữ kỷ lục là “Người có nhiều công trình đoạt giải thưởng trong lĩnh vực sáng tạo
khoa học công nghệ (Vifotec) nhất” (5 lần); và hôm nay, ông lại tự phá kỷ lục của
chính mình khi lần thứ 6 đoạt giải Nhất Vifotec năm 2011.
Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo nhấn mạnh,
sở dĩ ông hướng doanh nghiệp của mình trở thành một doanh nghiệp khoa học công
nghệ, bởi khoa học chính là động lực để công ty phát triển. “Trong thời gian
qua, bằng nỗ lực của bản thân và tập thể cán bộ trong Tổng công ty, rất nhiều
công trình sáng tạo khoa học công nghệ độc đáo trong xử lý môi trường đô thị đã
được cộng đồng ghi nhận. Công trình vừa nhận giải thưởng - Giếng thăm (hố ga)
bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn liên kết mối nối cống là một minh chứng điển
hình. Công trình có công dụng góp phần hóa giải vấn nạn “hố tử thần” đang xảy
ra ngày càng nhiều ở các đô thị do nguyên nhân sụt lún khi nứt, bể mối nối cống,
hố ga”, ông Thảo nói.
Với những đóng góp tích cực cho cộng đồng,
Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo là một trong 10 gương mặt được bình chọn tham
gia chương trình giao lưu “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Báo
Quân đội nhân dân tổ chức, diễn ra tại Hà Nội vào tháng 6 tới.
Cũng tại buổi lễ, “màu xanh” của những người
lính làm công tác khoa học đã nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt của các nhà
khoa học có mặt tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Là công trình duy nhất trong quân đội
nhận được giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Giải 3), các thành
viên trong nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học công nghệ quân sự không giấu được
sự tự hào. Đại tá, Tiến sĩ Trần Minh Công, Phó phòng Tham mưu – Kế hoạch Viện
Khoa học công nghệ quân sự cho biết, công trình Nghiên cứu chế tạo hỏa cụ phát
xạ hồng ngoại phục vụ huấn luyện và thử nghiệm tên lửa của nhóm đã được ứng dụng
trong thực tế. Mặc dù rất vui, nhưng Đại tá, Tiến sĩ Trần Minh Công cũng trăn
trở “giá có thêm nhiều ‘sắc xanh’ hơn nữa thì tốt biết mấy”.