Nghiên cứu biến tính sericit làm chất độn cho hóa - mỹ phẩm
Nhóm nghiên cứu Hoàng Anh Sơn, Nguyễn Hồng Nhung (Viện Khoa học vật liệu), Vũ Văn An (Công ty Cổ phần Sao Thái Dương) đã thành công trong việc nghiên cứu biến tính sericit để sử dụng làm chất độn cho ngành công nghiệp hóa - mỹ phẩm.
Sericit tự nhiên rất ưa nước nên khó trộn
với các thành phần hữu cơ có trong mỹ phẩm, do vậy cần phải biến tính hóa học
bề mặt. Hiện nay trên thế giới, sericit đã được nghiên cứu để biến tính và sử
dụng rộng rãi trong công nghiệp hóa mỹ phẩm, làm chất độn, chất nền cho các
loại phấn nền, kem dưỡng da, kem chống nắng, kem làm trắng da, vì sericit có độ
mịn cao, giữ ẩm tốt và có ái lực với da nên giữ được mỹ phẩm trong một thời
gian dài, đồng thời không gây dị ứng.
Ở nước ta, khoáng sericit mới được nghiên
cứu khai thác, chế biến trong thời gian gần đây, về số lượng và chất lượng đều
chưa đáp ứng đươc nhu cầu của các nhà sản xuất hóa mỹ phẩm trong nước, nên toàn
bộ nguồn nguyên liệu làm phụ gia đều phải nhập khẩu.
Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn được 2 phương
pháp xử lý bề mặt sericit, đó là: xử lý bằng kỹ thuật lai, dùng dimethicone
(hàm lượng 3% khối lượng) và phương pháp xử lý bằng thành phần tự nhiên
lecithin (hàm lượng 1% khối lượng). Sericit được biến tính có độ ổn định cao ở
môi trường pH từ 3,5 đến 5,5 phù hợp với độ pH của da nên thích hợp với các
loại mỹ phẩm nói chung. Việc thử nghiệm bào chế chế phẩm (kem chống nắng) theo
công thức chuẩn hóa đã thu được hỗn hợp cream SERIC đồng nhất, không bị phân
tách lớp dù theo dõi trong khoảng thời gian tương đối dài. Đánh giá tác dụng
làm trắng da và chống nắng của SERIC theo cảm quan cho thấy: SERIC có tác dụng
làm trắng da khá tốt, thang điểm 8 - 9; cải thiện tốt các triệu chứng sạm da;
khả năng chống nắng ở mức trung bình, thang điểm 6 - 7.